“Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm”. Nhà vua nhún vai nhè nhẹ rồi cuối cùng đặt bút ký.
(Hàng ngồi đầu tiên, từ phải qua trái) Cố vấn Vĩnh Thụy, Hồ Chủ tịch dự “Ngày tiễu trừ nạn đói” (11.10.1945) - Ảnh: Tư liệu
|
Sau ngày Nhật đầu hàng Đồng minh (15.8.1945), quần chúng yêu nước nổi dậy, nhà vua và hoàng tộc hết sức lo sợ. Thủ tướng Trần Trọng Kim phải thừa nhận: “Trong tình thế nguy ngập như thế, ở Huế còn có người bàn sự chống cự. Tôi muốn biết rõ sự thực, liền gọi trung úy Phan Tử Lăng người đứng coi đoàn thanh niên tiền tuyến ở Huế, hỏi xem có thể trông cậy bọn ấy được không. Trung úy Phan Tử Lăng nói: Tôi có thể nói riêng về phần tôi thì được. Còn về các thanh niên tôi không dám chắc.
Bọn thanh niên tiền tuyến trước rất nhiệt thành nay còn thế, huống chi những lính bảo an và lính hộ thành tất cả độ vài trăm người, những lính để canh giữ công sở, súng ống không ra gì, đạn dược không đủ, còn làm gì được, cũng bị Việt Minh tuyên truyền xiêu lòng hết rồi”.
Bức thư của tướng KuanHin
Nhưng tướng KuanHin (còn có tên Alexander), Tư lệnh Quân đoàn đặc nhiệm của Tưởng Giới Thạch, ngày 21.8 vẫn viết thư khuyên Bảo Đại: “Tôi xin được phép khuyên Hoàng thượng hãy cử những phái viên ngoại giao đến Trung Quốc càng sớm càng tốt để được công nhận nền độc lập của đất nước ngài”.
KuanHin cho rằng Việt Minh dù đã nắm chính quyền nhưng không hợp pháp và sẽ không được công nhận: “Việt Minh đã nắm chính quyền. Nhưng họ có nguy cơ làm mất nền độc lập mà tôi đã đề nghị”.
Vì thế, ông ta thúc giục Bảo Đại thành lập một chính phủ hợp pháp để thương lượng với Tưởng Giới Thạch cho nền độc lập Việt Nam: “Xin Hoàng thượng hãy tổ chức ngay một chính phủ hợp pháp để việc yêu cầu độc lập trở thành hợp pháp”.
Hôm sau, KuanHin lại gửi thư cho vị “Tổng chỉ huy UBND cách mạng ở Bắc Kỳ” khuyến cáo “nên hợp tác trong điều kiện nhanh nhất có thể được với những lãnh tụ các đảng phái, để thực hiện sự đoàn kết của các ngài trước Ủy ban giải giáp (quân Nhật)” và “ký kết một hiệp ước cam đoan giữa Hoàng đế (Bảo Đại) và UBND cách mạng về việc thoái vị, hãy chờ khi các ngài hoàn toàn độc lập vì chính phủ chúng tôi chỉ có thể thương lượng với một chính phủ hợp pháp, mà việc điều đình là cực kỳ khẩn cấp”.
Ngay trong ngày 22.8, lấy tư cách Tư lệnh Quân đoàn 3 đặc nhiệm Trung Hoa, ông ta gửi tiếp một văn bản nữa cho Việt Minh nhấn mạnh đến tính cách chưa hợp pháp của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không công nhận một chính phủ bất hợp pháp được tổ chức ở Bắc Kỳ. Chính phủ Trung Quốc chỉ có thể điều đình với một chính phủ hợp hiến. Chính phủ Trung Quốc hy vọng có một sự thỏa thuận ngay giữa Ủy ban với chính quyền ở Huế, và muốn có một chính phủ đoàn kết quốc gia thay vì một chính phủ chuyên chính của đảng.
Để có được độc lập, các ngài không nên có thái độ phản kháng với các nước Đồng minh và nhất là với Trung Quốc, với hoàng đế của các ngài đã hủy bỏ những hiệp ước bất bình đẳng và tuyên bố độc lập cho đất nước các ngài.
Việc khẩn cấp nhất là hãy tiếp xúc với chính quyền ở Huế, để có một chính phủ hợp pháp ở Bắc Kỳ và một chính phủ hợp pháp ở Huế, để tiến hành ngay cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc. Nếu chậm trễ các ngài sẽ mất hết. Hãy để vấn đề chính trị nội bộ về sau. Hơn nữa hoàng đế của các ngài là người duy nhất chính thức được các chính phủ khác công nhận. Hoàng đế đã có những bước khởi động quốc tế đầu tiên đáng thừa nhận. Nếu các ngài muốn, các ngài có thể yêu cầu hoàng thượng thoái vị sau, khi các ngài thực sự đã độc lập”.
Đi tìm “Thánh” Nam Đàn
Tuy nhận được những lời hứa hẹn hậu thuẫn từ nhiều phía nhưng dường như Bảo Đại không muốn đối đầu với chính quyền cách mạng. Sau này, cựu hoàng giải thích rằng ông muốn tránh một cuộc tắm máu giữa những người cách mạng và người Nhật. Vì người Nhật, mặc dù thất trận, vẫn có trọng trách duy trì trật tự cho đến khi Đồng minh vào tiếp nhận đầu hàng.
Chính Tư lệnh quân đội Nhật đã tuyên bố: “Chỉ cần hai tiếng đồng hồ là quét sạch cuộc nổi loạn”. Nhà vua từ chối. Ông không muốn người Việt Nam phải đổ máu.
Trước khi có quyết định cuối cùng, Bảo Đại muốn biết ai là thủ lĩnh Việt Minh. Chiều 19.8, bốn lần nhà vua gọi điện cho ông Phạm Khắc Hòe để hỏi xem lãnh tụ Việt Minh là ai. Trong ký ức của mình, nhà vua nhớ đến Võ Nguyên Giáp, cái tên duy nhất ông nhớ được.
Cái tên Nguyễn Ái Quốc - người được lan truyền với câu sấm ký của Trạng Trình là “Thánh Nam Đàn” cũng khiến nhà vua ngẫm nghĩ.
Trong khi đó, chiều 21.8.1945, tại Hà Nội một nhóm trí thức và sinh viên họp ở Việt Nam học xá đã nhất trí yêu cầu nhà vua thoái vị, trao chính quyền cho chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập. Bức điện ký tên 4 nhà trí thức là: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và Hồ Hữu Tường.
Khi nguồn tin đáng tin cậy khẳng định Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc - “Thánh Nam Đàn”, ông Tổng lý Ngự tiền họ Phạm kể lại sau này, nhà vua đi đến quyết định cuối cùng: sẵn sàng thoái vị để trao chính quyền cho Việt Minh.
Ông Phạm Khắc Hòe đã giúp vua Bảo Đại thảo đạo dụ có những câu để đời: “Muốn củng cố độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm đặt hạnh phúc của nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm”.
Nhà vua nhún vai nhè nhẹ rồi cuối cùng đặt bút ký.
Nguồn: Tổng hợp từ các hồi ký: Từ triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc - Phạm Khắc Hòe (NXB Thuận Hóa, 1987);
Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam - Daniel Grandclément (NXB Phụ nữ, 2006)
Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam - Daniel Grandclément (NXB Phụ nữ, 2006)
Trước khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời (1997), nhà sử học trẻ Fédéric Mitterand - cháu của Tổng thống Mitterand đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp cựu hoàng tại nhà riêng (quận 16, Paris).
Frédéric Mitterand: Ngài không quá hối tiếc nền quân chủ đã chấm dứt, nền quân chủ ấy dầu sao cũng là một thể chế đã được tổ tiên ngài lập nên?
Bảo Đại: Có chứ, dĩ nhiên tôi còn cảm thấy nhiều hơn. Và hối tiếc nữa, nhưng nó là một trang sử đã được lật qua. Đó là định luật của nước tôi.
Frédéric Mitterand: Và ngài đã muốn để mình lật trang sử đó?
Bảo Đại: Tôi muốn để chính tôi lật, thay vì để cho một vũng máu lật trang sử. (...)
(Theo tạp chí Xưa&Nay số 456 tháng 2.2015, bản dịch của nhà nghiên cứu
Nguyễn Đắc Xuân) |
Bình luận (0)