Khâm sai đại thần Phan Kế Toại “lên ngàn” kháng chiến và được giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ: Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao...
Bộ trưởng Phan Kế Toại (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) và gia đình tại Việt Bắc (1948) - Ảnh: K.M.S chụp lại từ tư liệu
|
Những cuộc gặp gỡ với Việt Minh
Ngày 14.12.2013, trong căn phòng trên gác ba ngôi nhà đầu ngõ 99 phố Lê Hồng Phong (Hà Nội), người mang bí danh GS Lê Ngọc kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm về những ngày Cách mạng Tháng 8.1945. Ông là đại tá Lê Trọng Nghĩa (1922 - 2015), nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục
Quân báo.
Những ngày giữa tháng 8.1945, chàng thanh niên Lê Ngọc đã có cuộc gặp gỡ bí mật đầu tiên với Khâm sai đại thần Bắc bộ Phan Kế Toại ngay tại dinh khâm sai vào một buổi sáng giữa giờ làm việc.
“Ông Toại nghe, hỏi, tỏ vẻ thực sự quan tâm, thể hiện có thiện cảm đối với sự hăng hái của một thanh niên, tránh hỏi sâu nhưng biểu thị thái độ trọng thị với Mặt trận Việt Minh. Ông chỉ đề xuất sự tiếp tục giữ mối quan hệ, liên lạc nhưng chú ý giữ kín đáo”, đại tá Lê Trọng Nghĩa nhớ lại. Sau này, chính Khâm sai Phan Kế Toại cũng đã thu xếp cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng Trần Trọng Kim với GS Lê Ngọc.
Còn Khâm sai Phan Kế Toại khi biết tin Liên Xô khai chiến tấn công quân Nhật, đã cấp bách nhiều lần tìm GS Lê Ngọc để mời Việt Minh tham chính. Thậm chí, ngày 16.8.1945, một cuộc họp chính thức giữa đại biểu Việt Minh, có sự tham dự của Nguyễn Khang - Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng
Hà Nội; “Cố vấn” Trần Đình Long và GS Lê Ngọc, được tổ chức ngay tại dinh khâm sai. Ông Phan Kế Toại chính thức mời Việt Minh cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ông Nguyễn Khang thẳng thắn đề nghị khâm sai nên từ chức và giao chính quyền cho Việt Minh.
Từ tháng 7, Khâm sai Phan Kế Toại đã xin từ chức nhưng triều đình chưa đồng ý. Đến ngày 17.8.1945, nhận điện từ Huế cho phép từ chức, 10 giờ đêm hôm ấy, ông rời dinh khâm sai. Trước khi rời nhiệm sở về nhà riêng ở phố Hàng Bột (Hà Nội), ông cho gọi bảo an binh Nguyễn Sỹ Là và chánh quản Lại đến, ra lệnh: “Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến công”. Nhờ “nội ứng” như vậy mà ngày 19.8, quần chúng kéo đến chiếm dinh khâm sai không tốn một viên đạn.
Lấy đạo nghĩa nhân làm gốc
Gói bao tâm tư của kẻ sĩ trước thời cuộc đổi thay, Phan Kế Toại (1892 - 1973) trở lại quê nhà làng Mông Phụ, tục gọi là làng Mía, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thuộc Hà Nội mở rộng ngày nay.
Xuất thân trong một gia đình quan lại, là con thứ 3 của cử nhân Phan Kế Tiến - Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, từ nhỏ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học, sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường Hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chính thuộc địa Paris (Pháp).
Năm 1914, trở về nước và được bổ nhiệm làm quan với chức Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây, con đường quan lộ hanh thông, Phan Kế Toại làm tri huyện, tri phủ, rồi tuần phủ, tổng đốc các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Ở đâu, Phan Kế Toại cũng trọng chữ “liêm chính”, “an dân”, lấy đạo nghĩa nhân làm gốc.
Rồi Hà Nội bị Pháp chiếm sau ngày Toàn quốc kháng chiến (1946). Cụ Phan cùng dân cư trong làng tản cư về Thanh Lũng, Sơn Tây.
Tháng 10.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử người tâm phúc mang thư về Thanh Lũng mời cựu Khâm sai Phan Kế Toại tham gia Chính phủ. Tháng 4.1947, Bộ Nội vụ nhận một lúc hai tin đau buồn: Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng từ trần tại Quảng Ngãi ngày 21, thì ngày 24, Thứ trưởng Phan Bôi (bí danh Hoàng Hữu Nam) bị tai nạn, chết đuối tại sông Lô (Tuyên Quang). Công việc của Bộ tạm thời giao cụ Tôn Đức Thắng và bác sĩ Trần Duy Hưng đảm nhiệm.
Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến ghi lại: Ngày 25.7.1947 tại Hồng Thái, họp Hội đồng Chính phủ. “Việc quan trọng là cải tổ Chính phủ mục đích mở rộng cho nhiều người được tham gia, để tránh sự chia rẽ của Pháp và để lấy ảnh hưởng đối với quốc tế. Bộ Nội vụ, anh Tôn Đức Thắng từ chức bộ trưởng nhường lại cho một thân sĩ”. Hồ Chủ tịch quyết định mời cụ Phan Kế Toại. Nhận được thư, cụ Phan “lên ngàn” theo kháng chiến. Cụ đã tuyên thệ nhậm chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Hội đồng Chính phủ chiều 3.11.1947.
Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại còn tham gia Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao (1948). Ngày 20.9.1955, cụ được cử giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Nghĩa thầy trò
Trước năm 1910, Phan Kế Toại thụ giáo thầy Nguyễn Văn Hùng (1875 - 1936), người thôn Đồng Nhân, xã La Phù, H.Hoài Đức, Hà Nội mở rộng ngày nay. Là nhà giáo có uy tín, cụ làm Đốc học tỉnh Sơn Tây rồi Đốc học tỉnh Hà Đông. Cụ Nguyễn Văn Hùng còn là bạn tâm giao với các nhà chí sĩ yêu nước như Ngô Đức Kế, Nghiêm Xuân Quảng. Năm 1931, Chính phủ bảo hộ cho cụ nghỉ việc vì nghi ngờ cụ có liên lạc với những người yêu nước. Để tỏ lòng tri ân với người thầy đáng kính, hơn 400 môn sinh đã tổ chức lễ tiễn thầy về hưu. Phan Kế Toại đương chức Tri phủ Hoài Đức đã thay mặt học trò tặng thầy bức hoành phi “Sĩ phu quan miện” và đọc lời chúc từ tiễn chân thầy giáo. Bài chúc từ có những đoạn như sau: “Nhân dịp thầy về hưu, anh em chúng con hôm nay họp mặt nhau ở đây là cốt để kính mừng thầy và tỏ tình ghi ân nhớ nghĩa thầy trong bốn chục năm trời đã từng lao tâm tổn trí giáo hóa chúng con...”.
|
Bình luận (0)