Từ Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ - mới để tham gia chính quyền cách mạng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (từ trái sang) tại Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 28.5.1948 - Ảnh: tư liệu
|
Lần nào hầu chuyện PGS Nguyễn Văn Hoàn (1931 - 2015), nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học, cũng có những khoảnh khắc bất ngờ. Tôi không có ý định tìm hiểu về mối quan hệ của ông với người anh cọc chèo là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nhưng có hôm, ông tạt ngang, không theo mạch chuyện về những năm tháng đèn sách ở Trường dự bị đại học Liên khu Tư (1952 - 1953) nữa.
Với chất giọng xứ Nghệ, ông he hé một chi tiết: “Năm 1945 - 1946, Cụ Hồ muốn đoàn kết tất cả chứ không phải riêng một mình ai, cụ thể như ông Bùi Bằng Đoàn là Thượng thư Bộ Hình”. Trong dịp mừng thọ 95 tuổi người anh cả của Quân đội Nhân dân VN (2005), tôi đã thấy bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tay phải cắp mũ bộ đội đính sao vàng năm cánh, quân phục gọn gàng, ở giữa là Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngoài cùng là một vị nhân sĩ cao tuổi, cũng mặc áo nâu như Cụ Hồ. Ngày 28.5.1948, lễ thụ phong vị đại tướng đầu tiên của quân đội giữa “Thủ đô gió ngàn”. Nhà văn Sơn Tùng, người dành cả đời để nghiên cứu và viết sách về Hồ Chí Minh, nói người mặc áo nâu cạnh Cụ Hồ là cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, nguyên Hình bộ Thượng thư, Cơ mật viện đại thần triều vua Bảo Đại.
Thanh liêm, chính trực
Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955) sinh ra trong một gia đình Nho học tại làng Liên Bạt, H.Ứng Hòa, Hà Nội ngày nay. Học rộng, hiểu sâu, mới 17 tuổi, Bùi Bằng Đoàn đã đỗ cử nhân khoa thi Hương “trường Nam thi lẫn với trường Hà”, năm Bính Ngọ (1906) triều vua Thành Thái. Khai tăng 3 tuổi để đủ tuổi học Trường Hậu Bổ, rồi lại đỗ thủ khoa, Bùi Bằng Đoàn được bổ làm Tri huyện tập sự H.Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Con đường hoạn lộ thênh thang, chẳng mấy lúc ông đã lên quan Án sát tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Bố chính tỉnh Phúc Yên; Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình.
Năm 1933, vua Bảo Đại về nước, 5 cụ thượng thư cũ “rớt cái ình”. Nổi tiếng là đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân, đang làm Tuần phủ Ninh Bình, Bùi Bằng Đoàn được triệu về kinh giữ chức Hình bộ Thượng thư.
Trước đó, Chính phủ Nam triều đã cử Bùi Bằng Đoàn vào Nam bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Ông đã tiến hành thanh tra thấu đáo, viết báo cáo nêu những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Cuối cùng, ông đề nghị: “Tôi mạn phép đề nghị với ngài thống sứ, xin ngài tìm dịp đề nghị với ngài toàn quyền cho bổ sung thêm về việc bảo hộ nhân công”. Những kiến nghị xác đáng đã được chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.
Vì lẽ phải của dân tộc
Nhờ vốn tiếng Pháp uyên thâm, năm 1925 khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), ông Bùi Bằng Đoàn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án Phan Bội Châu. Cương trực, bênh vực lẽ phải, Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Tòa án phải chuyển từ án chung thân giảm xuống “an trí ở Huế”.
Không những thế, khi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, chính ông chủ trì phiên tòa xét xử tù chính trị. Có một người tù ở phủ Từ Sơn khá đặc biệt là Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực dân Pháp đã định án tử hình nhưng khi nghị án, ông giảm xuống chung thân lưu đày.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập chính phủ, ông cáo quan về quê, song chính phủ Nam triều giữ ông ở lại bằng cách trao chức Chánh nhất Tòa thượng thẩm Hà Nội lúc này đang khuyết. “Đêm trước” của cách mạng, Việt Minh đã tiếp xúc và mời ông làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị. Từ đây, Bùi Bằng Đoàn đến với cách mạng một cách tự nhiên, như phẩm chất thanh liêm và chính trực vốn có của ông.
Bùi Bằng Đoàn nhận được thư của Hồ Chủ tịch mời ra gánh vác việc nước. Lá thư ngày 17.11.1945 viết:
“Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư, Hồ Chí Minh”.
Cảm động, ông rời quê, ra Hà Nội. Gần 60 tuổi, ông lại dấn thân vào con đường mới - đường cách mạng. Vừa nhận lời làm Cố vấn Chủ tịch nước chưa được tuần lễ, Bùi Bằng Đoàn lại được bổ nhiệm làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ (theo Sắc lệnh số 64, ngày 23.11.1945) với cộng sự là một thanh niên 26 tuổi, Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông. Hai tháng sau, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Hà Đông, từ tháng 11.1946, ông làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội gần trọn 10 năm cho đến khi tạ thế (13.4.1955).
Bình luận (0)