Kinh tế tăng trưởng mạnh sau khi vượt qua Covid-19
Theo UBND tỉnh Long An, lúa vẫn là cây trồng chủ lực trong ngành nông nghiệp của tỉnh, với sản lượng bình quân 2,89 triệu tấn/năm. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 1.882 tỉ đồng để hoàn chỉnh hệ thống kênh, đê bao, cống, trạm bơm điện… vận hành phục vụ có hiệu quả trong sản xuất. Vùng ứng dụng công nghệ cao, trại sản xuất tập trung chiếm diện tích ngày càng rộng. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng lúa chất lượng cao đã có hơn 66% (tăng 16% so với năm 2020); 4.937 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn quả, rau màu các loại…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 907 cơ sở chăn nuôi, trong đó 201 trang trại đạt quy mô lớn và vừa với tổng đàn heo 41.950 con; bò thịt 13.882 con; bò thịt và sữa 24.570 con; trâu 1.147 con; gà hơn 4,6 triệu con; dê, thỏ 1.328 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ áp dụng công nghệ cao ở 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc ngày càng phát huy hiệu quả.
Từ năm 2021 đến nay, diện tích lấp đầy trong các Khu công nghiệp (KCN) tăng thêm khoảng 301 ha, có thêm 5 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư là Hựu Thạnh, Trần Anh - Tân Phú, Suntec (trước đây là KCN Việt Phát), Nam Thuận, An Nhựt Tân. Toàn tỉnh có 34 KCN được thành lập với tổng diện tích 9.251,6 ha trong đó 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích được quy hoạch 5.982,14 ha, đã cho thuê 2.788,64 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65,19%.
Đến tháng 6.2023, Long An có 16.000 doanh nghiệp hoạt động, tăng 29,3% so với cuối năm 2020; có 1.191 dự án FDI được thành lập với số vốn đăng ký 10,4 tỉ USD, tăng 165 dự án và 4,1 tỉ USD so với cuối năm 2020.
Nâng chất đời sống - văn hóa - xã hội
Tại Long An, hạ tầng cung cấp điện ngày càng được cải thiện, phục vụ ổn định sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân. Tỷ lệ số hộ có điện đạt 99,97%; đưa vào hoạt động 8 nhà máy điện năng lượng mặt trời. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin ngày càng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.
Tỉnh tập trung xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng phủ sóng mạng 3G, 4G góp phần phổ cập internet băng rộng trên địa bàn. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được nâng cấp, đảm bảo kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. TP.Tân An đã được công nhân đô thị loại II.
Toàn tỉnh hiện có 589 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT (557 công lập, 32 ngoài công lập). Cụ thể, 215 cơ sở giáo dục mầm non, 184 cơ sở giáo dục tiểu học, 146 cơ sở giáo dục THCS, 44 cơ sở giáo dục cấp THPT. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 55,25% (Nghị quyết đề ra 60%).
Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Xây mới và nâng cấp 54 trạm y tế từ nguồn vốn dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" (Dự án thành phần tỉnh Long An sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2020-2024): đã hoàn thành đưa vào sử dụng 26 trạm y tế. Xây mới và nâng cấp 70 trạm y tế được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 120 triệu đồng
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh đã sẵn sàng các giải pháp, kế hoạch cụ thể để triển khai nhằm cụ thể hóa 19 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần XI. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân từ 9,2 - 10%/năm. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ lần lượt chiếm 10%, 60,5%, 29,5% trong cơ cấu GRDP. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 - 120 triệu đồng.
Bình luận (0)