Di chứng của cơn sốt bại liệt ngày còn nhỏ khiến Tươi chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn.
|
Vậy mà Công ty cổ phần Việt Hưng - chuyên may áo sơmi xuất khẩu tại Q.12 (TP.HCM) - đã chắp cánh cho ước mơ của Tươi: được tuyển vào làm công nhân. Ở đây, nhiều bạn trẻ khuyết tật như Tươi cũng được nhận vào làm.
Nuôi em nuôi mẹ
Lẫn trong dãy bàn máy may san sát của Xí nghiệp Hưng Thịnh - một trong ba xí nghiệp may của Việt Hưng - chiếc bàn máy của Tươi đã được hạ thấp hơn cho vừa đôi chân. Chiếc xe lăn đặt ngay cạnh đó. Tươi đã làm việc ở đây năm năm, đôi tay thuần thục thoăn thoắt. Năm ngoái Tươi còn xin được cho cô em gái vào làm. "Hai chị em làm chung, trọ cùng, xài lương một đứa, lương đứa còn lại gửi về phụ cha mẹ già ở quê" - Tươi nói.
Cạnh Tươi là cô bạn cùng quê Nguyễn Thị Trúc Mai, cũng bị liệt hai chân và di chuyển bằng nạng gỗ. Công ty đã thiết kế lại chiếc bàn máy may công nghiệp Mai sử dụng chân trái thay vì chân phải như thiết kế ban đầu. Mai cũng là một trong những công nhân khuyết tật có năng suất làm việc tốt nhất, với thu nhập hơn 3,5 triệu đồng/tháng. Mai cho biết mỗi tháng gửi về quê được 1 triệu đồng.
Công ty có rất nhiều bạn trẻ khuyết tật: bạn yếu chân, bạn liệt tay, có cả những bạn câm điếc. Bạn Nguyễn Thị Thanh Thúy (quê Tây Ninh, di chuyển bằng xe lăn) kể được vào làm việc ở công ty như một giấc mơ vì với đôi chân bại liệt, bạn từng nghĩ mình sẽ là gánh nặng cho gia đình. Vậy mà giờ đây Thúy nuôi được em gái đang học cao đẳng.
Những bạn trẻ khuyết tật ở đây làm việc rất cần mẫn. Chàng công nhân Nguyễn Văn Hoàng (quê Đồng Nai) tính: 26 tháng chạp công ty cho nghỉ tết, tranh thủ ra đường bán trái cây, kiếm thêm tiền cho cả nhà tiêu tết. Hoàng sinh ra đã không có bàn tay phải, làm công nhân ở đây đã ba năm. Trước đó Hoàng từng đi bán trái cây, may gia công trong hộ gia đình. Qua bạn bè, Hoàng được giới thiệu vào Công ty Việt Hưng.
Tổ ấm giữa xưởng
Chị Tạ Thị Lan Phương - phó bí thư Đoàn công ty - kể lại hồi đầu có người lo lắng khi lãnh đạo chủ trương nhận những bạn khuyết tật vào làm vì e rằng điều kiện thể chất không đáp ứng được yêu cầu công việc. "Nhưng hơn năm năm qua, những gì các bạn làm đã chứng minh các bạn không chỉ làm được mà còn làm tốt, nhiều bạn có năng suất không thua gì những công nhân khỏe mạnh khác" - chị Phương cho biết.
Mọi việc bắt đầu từ lần tổng giám đốc công ty Phan Công Minh đến thăm cơ sở dạy nghề của Trung tâm Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Hóc Môn (TP.HCM). "Chúng tôi một mặt đề nghị với trung tâm xin nhận các bạn về công ty, một mặt sinh hoạt với các bạn công nhân bình thường khác để thống nhất rằng việc nhận các bạn ấy về làm việc cũng như những người khác, không có chế độ ưu tiên và cũng không được đối xử khác thường gì" - bà Nguyễn Thị Thanh Phương, phó tổng giám đốc công ty, chia sẻ.
Để các bạn yên tâm, công ty đã tổ chức riêng một buổi tiếp đón, đưa các bạn và cả phụ huynh đến thăm nơi làm việc trước khi chính thức vào làm. Rồi công ty đứng ra tìm chỗ trọ, có cam kết giá cả với chủ nhà trọ, thiết kế lại bàn máy làm việc, bàn ăn cho phù hợp thể trạng từng bạn. "Nhiều phụ huynh đến thăm xưởng may mới tin con cái mình được tuyển dụng làm công nhân" - bà Thanh Phương cho biết.
Từ những bạn ban đầu được nhận về, nhiều bạn trẻ khuyết tật khác hay tin đã chủ động tìm đến xin việc. Một câu lạc bộ của chính các bạn công nhân khuyết tật ra đời, do đích thân tổng giám đốc Phan Công Minh làm chủ nhiệm. Dù công việc bù đầu nhưng chủ nhiệm câu lạc bộ luôn duy trì sinh hoạt đều đặn hằng tháng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết ngay những khó khăn nếu có trong quá trình làm việc tại công ty của những công nhân đặc biệt này.
"Lúc đầu mình cũng có chút mặc cảm vì nghĩ chắc người ta thương hại nên nhận mình vào. Nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ vậy nữa. Ở đây chúng tôi được đối xử công bằng và được đồng nghiệp giúp đỡ nhiều. Làm việc tính theo sản phẩm, ai cũng cố làm nhưng khi tôi cần đi vệ sinh hay có nhu cầu cá nhân thì ai cũng sẵn sàng dừng công việc giúp ngay" - Mộng Tươi cười nói. Còn với nhiều công nhân khác, hầu như không còn suy nghĩ công nhân lành lặn hay khuyết tật mà chỉ là cả ngàn công nhân may cùng làm việc, cùng ăn, cùng tham gia các hoạt động của công ty và nhất là cùng chơi trong những chuyến nghỉ mát định kỳ mỗi năm.
Công ty nhân ái Sau gần sáu năm, hiện có 26 công nhân may là người khuyết tật đang làm việc tại ba xí nghiệp: Hưng Thịnh, Hưng Phát và Hưng Tiến (thuộc Công ty cổ phần Việt Hưng) tại TP.HCM, so với khoảng gần chục bạn được tuyển dụng đầu tiên vào năm 2007. Ngoài ra, một nhà máy của công ty tại Vĩnh Long cũng nhận khoảng chục bạn khuyết tật ở địa phương vào làm việc cả năm qua. Theo bà Thanh Phương, phó tổng giám đốc, hiện thu nhập của mỗi bạn từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, thưởng tết năm nay bình quân gần 7 triệu đồng/bạn. "Trong đợt xét thi đua cuối năm mới đây, nhiều bạn đạt tiêu chuẩn lao động giỏi, nằm trong tốp dẫn đầu toàn công ty", bàTh anh Phương cho biết. |
Theo Quốc Linh / Tuổi Trẻ
>> Vĩnh Long: Hàng ngàn công nhân đến với phiên chợ Xuân Quý Tỵ
>> Đưa SV, công nhân về quê đón Tết
>> 90 công nhân ngất xỉu hàng loạt
>> Nước mắt của mẹ, nghị lực cho con
>> Nghị lực của thí sinh nhiễm chất độc da cam
>> Nghị lực chiến thắng bệnh ung thư
Bình luận (0)