Trong 70 năm hình thành, phát triển, các lực lượng thuộc Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng vũ trang ngăn chặn, đẩy lùi nhiều hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch, góp phần bảo vệ đất nước hòa bình, ổn định và phát triển.
Hơn 22 năm về trước, một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đã lên kế hoạch thực hiện lần lượt các chiến dịch Hoa lan và Hoa phượng nhằm mục tiêu xây dựng, cài cắm các lực lượng trong nước chờ thời cơ hành động. Tuy nhiên, những chiến dịch này chưa kịp triển khai đã bị lực lượng an ninh - Bộ Công an dập tắt khi đang còn là trứng nước.
Vụ nổ lựu đạn trên sông Sài Gòn
Vào khoảng 11 giờ đêm 13.10.1994, một con tàu chuẩn bị rời bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) đưa khách du lịch trên sông Sài Gòn thì bất ngờ bị một người đàn ông ném lựu đạn lên tàu. Lợi dụng lúc đám đông nhốn nháo, hoảng loạn, hung thủ đã nhanh chóng tẩu thoát. Tuy vụ nổ gây thiệt hại không lớn, khiến 9 người bị thương nhẹ và hư hỏng một số tài sản trên tàu nhưng khiến người dân hoang mang. Đặc biệt, trong số du khách trên tàu có một số người Trung Quốc đã gây ra ảnh hưởng xấu về chính trị cũng như hợp tác kinh tế, bởi thời điểm này quan hệ hai nước VN - Trung Quốc mới ấm lại sau chiến tranh biên giới năm 1979.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Công an đã giao cho Công an TP.HCM khẩn trương điều tra làm rõ hung thủ vụ án. Bước đầu, lực lượng chức năng nhận định tại khu vực bến tàu Bạch Đằng là nơi diễn ra các hoạt động dịch vụ khá nhộn nhịp phục vụ du khách nên có khả năng vụ nổ là do các băng nhóm hình sự tranh giành lãnh địa làm ăn. Do việc điều tra sau một thời gian vẫn chưa ra được kết quả nên Bộ Công an quyết định tung các lực lượng thuộc Tổng cục Phản gián (nay là Tổng cục An ninh) phối hợp Công an TP.HCM truy tìm thủ phạm.
Trung tướng Đường Minh Hưng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, thời điểm đó là một trong những cán bộ chủ chốt nhận nhiệm vụ từ Bộ Công an, nhớ lại: “Sự việc xảy ra có mấy điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, đối tượng ném lựu đạn vào con tàu có người Trung Quốc. Thứ hai, trước khi xảy ra vụ ném lựu đạn không lâu, ngày 25.9, tại TP.HCM có 2 địa điểm là khách sạn Rex và văn phòng đại diện của Công ty Mitsubishi có nhận được các tờ rơi phản động có nội dung đe dọa, yêu cầu người nước ngoài và Việt kiều rút khỏi VN. Qua xâu chuỗi các sự việc đó, chúng tôi nhận định các vụ việc có mối liên hệ với nhau và có thể là do động cơ chính trị”.
Kết hợp với các mũi trinh sát từ hiện trường cũng như phân tích âm mưu, phương thức và mục đích các tổ chức tội phạm, Tổng cục An ninh quyết định lập chuyên án với bí số PQ55 để đấu tranh. Chuyên án được giao cho Cục Bảo vệ chính trị I đấu tranh, trong đó trung tướng Đường Minh Hưng là Phó ban chuyên án.
Những chiến dịch của tổ chức phản động lưu vong
Qua rà soát và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã xác định nhóm người gây ra vụ nổ liên quan đến tổ chức Mặt trận kháng chiến cao nguyên trung phần do Bùi Hữu Thăng (Việt kiều Mỹ) cầm đầu và Liên đảng cách mạng VN do Hoàng Việt Cương cầm đầu. Đây là 2 tổ chức phản động lưu vong được sự viện trợ của một số tổ chức quốc tế đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá VN trong thập niên 1990.
Từ những năm 1992 - 1994, các tổ chức phản động lưu vong do Bùi Hữu Thăng và Hoàng Việt Cương liên kết lực lượng với nhau để thống nhất nhiều hoạt động chống phá trong nước với tên gọi khá mỹ miều là chiến dịch “Hoa phượng” và “Hoa lan”. Với chiến dịch “Hoa phượng”, từ đầu năm 1994, các tổ chức này lên kế hoạch đưa đồng phạm xâm nhập vào VN công khai dưới danh nghĩa Việt kiều về thăm thân nhân, du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, qua đó chuyển các tài liệu từ nước ngoài vào để tuyên truyền cũng như kích động các hoạt động phá rối, gây bạo loạn, trong đó có vụ ném lựu đạn trên bến Bạch Đằng. Từ năm 1995, các tổ chức này phát động chiến dịch “Hoa lan” với mục đích hội đủ các lực lượng ngầm sẽ tiến hành “cho nổ” vào dịp Đại hội VIII của Đảng Cộng sản VN năm 1996.
Trở lại với vụ nổ trên sông Sài Gòn, trung tướng Đường Minh Hưng cho biết trong quá trình điều tra, căn cứ vào nhiều tài liệu Ban chuyên án PQ55 đã xác định có 3 người trực tiếp tham gia vụ gây nổ gồm Nguyễn Sỹ Bằng, Trần Văn Thuận và Phạm Văn Thân. Tuy nhiên sau khi gây án, 3 người này đã vượt biên sang Campuchia tiếp tục chờ chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khác. Qua các biện pháp điều tra ngoại biên cùng với sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Campuchia, lực lượng an ninh nắm được thông tin đầu tháng 6.1996 Trần Văn Thuận và Nguyễn Sỹ Bằng nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu về VN để thực hiện, một kế hoạch “cất vó” công phu đã được xác lập.
Từ ngày 9 - 22.6.1996, các mũi trinh sát Ban chuyên án PQ55 đã lần lượt bắt giữ Trần Văn Thuận và Nguyễn Sỹ Bằng khi đang vận chuyển tài liệu phản động qua biên giới Campuchia vào VN. Bắt giữ Trần Văn Nghị, Huỳnh Cẩm Quang, Huỳnh Cẩm Phong và Đặng Văn Thân tại TP.HCM. Qua đấu tranh, cả 6 người này đều thừa nhận đã tham gia tổ chức phản động lật đổ chính quyền VN và tham gia vụ nổ lựu đạn trên sông Sài Gòn. Trong đó, Trần Văn Thuận là kẻ trực tiếp ném lựu đạn, Huỳnh Cẩm Phong là người trực tiếp lên kế hoạch giao tiền và lựu đạn để Thuận thực hiện. Việc thực nghiệm lại hiện trường cũng đã được cơ quan an ninh tiến hành ngay sau đó phù hợp với lời khai của các đối tượng và các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan an ninh đã điều tra, thu thập.
Ngày 15.7.1997, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử công khai, tuyên phạt tử hình đối với Trần Văn Thuận và Huỳnh Cẩm Phong, tuyên án chung thân đối với 4 người còn lại.
Nhìn nhận lại vụ án, trung tướng Đường Minh Hưng cho biết ngoài việc phát hiện thủ phạm vụ nổ lựu đạn trên sông Sài Gòn, đã kịp thời ngăn chặn vụ nổ khác tại một khách sạn ở TP.HCM mà bọn chúng đang lên kế hoạch thực hiện, đồng thời bảo vệ thành công Đại hội Đảng lần thứ VIII.
Bình luận (0)