Chuyến thăm của Tổng thống Clinton diễn ra từ ngày 16 - 19.11.2000. Đây là lần đầu tiên một chủ nhân Nhà Trắng đương nhiệm đến thăm VN sau khi chiến tranh kết thúc tròn 1/4 thế kỷ và 5 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Chuyến thăm được đánh giá là có ý nghĩa rất to lớn, mở ra chương mới trong quan hệ giữa 2 nước, góp phần mở đường cho các chuyến thăm năm 2006 của Tổng thống George W.Bush và đương kim Tổng thống Barack Obama từ ngày 23 - 25.5 tới đây.
tin liên quan
Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam: Con gái ngài Bill Clinton hỏi trận Bạch Đằng giangÔng luôn căng thẳng với tiếng còi hú bên tai khi hướng dẫn tham quan cho đoàn Tổng thống Bill Clinton năm 2000. Ông còn bất ngờ khi con gái Tổng thống, cô Chelsea dừng lại khá lâu trước bức họa Bạch Đằng giang và nhờ ông nói lại về sự kiện Trần Hưng Đạo ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông.
Vì ý nghĩa đặc biệt mang tính lịch sử của chuyến thăm, hai bên khi đó đều rất coi trọng và chuẩn bị rất chu đáo. “Ông Clinton tới VN vào giữa tháng 11 nhưng công tác chuẩn bị cho chuyến thăm được triển khai trước đó 4 - 5 tháng”, nguyên Đại sứ VN tại Israel Đinh Xuân Lưu cho Thanh Niên hay. Vào thời điểm năm 2000, Đại sứ Lưu đang đảm nhiệm vai trò Vụ trưởng Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao).
Bắn tỉa và trực thăng
Cũng như mọi chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ trên thế giới, công tác lễ tân, an ninh, hậu cần được chuẩn bị rất sớm và mất khá nhiều thời gian công sức, đặc biệt là vấn đề an ninh. Theo Đại sứ Lưu, trong lịch sử hơn 200 năm của Mỹ đã có hơn 20 vụ mưu sát tổng thống, trong đó có 4 tổng thống tại nhiệm bị ám sát là Abraham Lincoln (1865), James A.Garfield (1881), William McKinley (1901) và John F.Kennedy (1963). Do vậy, khi thăm một nước “cựu thù” thì theo suy nghĩ của phía Mỹ, cũng có nhiều lý do để đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu.
Đại sứ Lưu tiết lộ với Thanh Niên ngay từ cuộc làm việc của đoàn tiền trạm đầu tiên, phía Mỹ đưa ra những đề nghị rất cụ thể như được cho máy bay trực thăng theo hộ tống đoàn xe của tổng thống mỗi khi di chuyển, bố trí lực lượng bắn tỉa trên các cao ốc xung quanh nơi diễn ra các hoạt động, yêu cầu các cửa hàng dọc theo những tuyến phố khi có đoàn xe của tổng thống đi qua phải đóng cửa, kể cả cửa sổ...
tin liên quan
Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam: An toàn là tối thượng và những 'siêu yêu cầu''Phía Mỹ hay tung tin hỏa mù Tổng thống sẽ ở chỗ này chỗ kia. Thực ra, chuyến thăm của Tổng thống có nhiều đoàn ở khắp nơi, nhưng Tổng thống thì chỉ ở một khách sạn mà thôi', ông Hải kể.
Tuy nhiên, VN đã khéo léo từ chối hoặc hạn chế những yêu cầu này. “Chúng tôi đã khẳng định với các bạn Mỹ rằng dân tộc VN là một dân tộc hiếu khách. Tổng thống là khách của nhà nước cũng là khách của nhân dân VN nên việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho tổng thống và các thành viên trong đoàn là trách nhiệm an ninh VN”, ông Lưu nhớ lại.
Đại sứ Lưu cho biết sau này khi tham khảo các nước mà tổng thống Mỹ đến thăm thì ông thấy rằng những yêu cầu về an ninh tương tự đều được phía Mỹ đặt ra. Có quốc gia đáp ứng hoàn toàn, có nước phần nào thuận theo những yêu cầu đó.
“Trong chuyến thăm của ông Clinton, có những yêu cầu VN đã đáp ứng như việc cho phép lực lượng an ninh Mỹ bảo vệ vòng trong của chuyên cơ. Lúc đó, có một số đồn đại là ta để phía Mỹ kiểm soát toàn bộ sân bay, điều đó hoàn toàn không chính xác”, ông cho biết.
Đại sứ Đinh Xuân Lưu khẳng định VN rất coi trọng chuyến thăm này, do vậy các cơ quan hữu quan được giao trách nhiệm đảm bảo mọi việc được tiến hành một cách hoàn hảo nhất. Yêu cầu đặt ra là vừa đảm bảo yếu tố chính trị, thể hiện sự trọng thị đối với vị quốc khách, thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, đồng thời thể hiện được tư thế của một đất nước có độc lập, chủ quyền.
Việc chuẩn bị và đón tiếp đoàn Tổng thống Clinton lúc đó có sự phối hợp của nhiều bộ ngành và do Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chỉ đạo.
Về phía Mỹ, theo ông Lưu, công tác chuẩn bị cho thấy sự chuyên nghiệp cao độ. “Đoàn tiền trạm của họ tới VN rất đông và công việc được chuyên môn hóa rất cao. Trong chuyến thăm đó ông Clinton có trên dưới 20 hoạt động thì mỗi hoạt động có 2 người phụ trách. Trong khi đó, toàn bộ Vụ Lễ tân của chúng tôi lúc đó chỉ có khoảng 25 người”, ông nhớ lại.
|
Mất 3 buổi cho chỗ ngồi của bà Hillary
Ngoài vấn đề an ninh, về lễ tân cũng có những thương thảo kéo dài nhiều lần mới đi đến đồng thuận. Chẳng hạn như chi tiết vị trí của đệ nhất phu nhân Hillary Clinton trong buổi tọa đàm về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, hai bên cũng đã mất đến 3 buổi làm việc, có buổi kéo dài gần 3 tiếng mới đi đến đồng thuận.
Trong sự kiện đó, phía VN đề nghị phu nhân tổng thống và Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Nguyễn Thị Hằng sẽ đồng chủ trì tọa đàm, nhưng phía Mỹ lại muốn chỉ riêng bà Hillary đóng vai chủ tọa, hai bên sẽ là Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng và phu nhân Đại sứ Mỹ tại VN Vi Lê.
Phía Mỹ kiên trì đến mức đích thân Đại sứ Pete Peterson nhiều lần gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin để trao đổi. Tuy nhiên, cuối cùng phía Mỹ đồng thuận phương án của VN. “Mời bà Hillary đồng chủ tọa là chúng ta thể hiện sự tôn trọng với đệ nhất phu nhân Mỹ nhưng đồng thời cũng phải thể hiện vai trò nước chủ nhà của mình”, ông Lưu nói.
Một ví dụ nữa được Đại sứ Lưu nêu ra liên quan đến cuộc nói chuyện của Tổng thống Clinton với cộng đồng doanh nghiệp tại cảng container quốc tế bên sông Sài Gòn. Trong quá trình tiền trạm, phía Mỹ phát hiện có một tàu biển nước ngoài đậu ở cảng nên muốn giữ chiếc tàu ở vị trí đó để làm nền khi ông phát biểu. Theo Đại sứ Lưu, về mặt lễ tân thì đây là một ý tưởng hay nhưng về mặt an ninh thì chưa phải phương án tốt, vì nếu để tàu ở lại vài ngày sẽ phải kiểm tra, bố trí người canh gác. Vì lý do an toàn, VN kiên quyết đề nghị đưa ra khỏi vị trí đó.
“Hai bên tranh luận rất lâu về chuyện này, cuối cùng phía VN đề nghị làm biên bản vấn đề an ninh liên quan đến chiếc tàu sẽ do phía Mỹ đảm bảo. Thấy vậy, người phụ trách an ninh của Mỹ chấp nhận yêu cầu của VN vì cuối cùng tất cả phải đặt vấn đề an ninh lên cao nhất”, Đại sứ Lưu kể.
Không chỉ đặc biệt quan tâm chuyện an ninh, phía Mỹ cũng rất kỹ càng trong các vấn đề khác. Theo chương trình, vào tối 17.11, gia đình Tổng thống Clinton sẽ dự buổi biểu diễn ca nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cán bộ phụ trách sự kiện này của đoàn đã xem xét, ghi chép kỹ càng cách bài trí, tông màu của nhà hát để tư vấn cho bà Hillary Clinton lựa chọn trang phục thích hợp. Nhà hát có ghế bọc nhung đỏ sẫm nên bà đã mặc bộ đồ có tông vàng sáng rất nổi bật trong khung cảnh hôm đó.
Theo Đại sứ Lưu, chuyến thăm của Tổng thống Clinton sau đó được đánh giá là thành công tốt đẹp. Hai bên, không chỉ ở cấp cao, mà ngay những cấp làm việc về công tác đón tiếp đã hiểu nhau hơn sau những “va chạm” ban đầu. “Trong quá trình làm việc thì phía Mỹ không nói ra nhưng mình cũng hiểu tâm lý ban đầu họ cũng có những sự lo ngại nhất định. Hai nước đã bình thường hóa quan hệ nhưng cuộc chiến tranh khốc liệt mới kết thúc chưa lâu. Về phía nhà nước có thể không có vấn đề gì nhưng thái độ của người dân ra sao là điều họ chưa thể chắc chắn”, ông Lưu phân tích.
Có lẽ vì tâm lý đó mà các thành viên phái đoàn Mỹ cũng như Tổng thống Clinton tỏ ra khá bất ngờ khi chứng kiến trên quãng đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, mặc dù đã là nửa đêm nhưng vẫn có nhiều người dân vẫy chào rất nồng nhiệt.
Khi ông đến thăm Văn Miếu hay tới TP.HCM cũng nhận được sự đón chào như vậy. Theo Đại sứ Lưu, chính người phụ trách an ninh của đoàn Mỹ, sau những căng thẳng ban đầu, khi đoàn Tổng thống Clinton chuẩn bị rời Hà Nội vào TP.HCM, đã chia sẻ rằng ông ấy rất hài lòng và cảm kích về sự đón tiếp của lãnh đạo và tình cảm của người dân VN. Đặc biệt ông đánh giá rất cao công tác đảm bảo an ninh dành cho tổng thống.
“Trước khi chia tay ông ấy nói: Bây giờ thì tôi có thể yên tâm thật rồi”, Đại sứ Lưu kể.
Bình luận (0)