Những tên tù ngoan cố luôn có đủ các phương thức không ai ngờ đến để đào thoát khỏi các nhà tù an ninh bậc nhất trên thế giới.
>> Hé lộ mỹ nam kế trong cuộc vượt ngục New York
Hiện trường trốn trại trong vụ vượt ngục khỏi Alcatraz - Ảnh: sanfrancisco.net
|
Vụ vượt ngục gây chấn động gần đây nhất xảy ra tại tiểu bang New York (Mỹ), khi hai tù nhân tên Richard Matt và David Sweat dùng công cụ hạng nặng cắt xuyên tường thép, khoan ống, thổi bung nắp cống và trốn khỏi nhà tù Clinton hồi cuối tuần trước.
Trong lịch sử nhà giam hiện đại, những vụ vượt ngục khét tiếng nhất luôn xảy ra tại Mỹ và nhiều bộ phim doanh thu cao của Hollywood đã dựa vào các câu chuyện có thực để dựng kịch bản đầy hấp dẫn.
Kinh điển kiểu Mỹ
Đầu tiên phải kể đến vụ vượt ngục của John Dillinger, được gọi là “kẻ thù số 1 của xã hội Mỹ”. Tên găngxtơ khét tiếng đã tung hoành miền trung tây của Mỹ suốt cả năm trời, cướp bóc hàng chục ngân hàng cũng như tấn công vài sở cảnh sát và giết chết 10 người.
Cuối cùng, hắn sa lưới tại Tuscon, bang Arizona vào tháng 1.1934 và bị tống vào trại giam hạt Lake vô cùng kiên cố ở Crown Point, bang Indiana để chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, đến ngày 3.3.1934, Dillinger cùng một tù nhân khác đã dùng súng gỗ đánh xi đen dọa các quản giáo và thoát ra ngoài trên chiếc ô tô của cảnh sát trưởng, theo tạp chí Time. Vài tháng sau, các đặc vụ FBI bắn chết Dillinger tại Chicago. Vụ vượt ngục trên được dựng thành phim Public Enemies (tựa Việt: Kẻ thù quốc gia) của đạo diễn Michael Mann vào năm 2009 và các cảnh quay được dựng ngay bên trong nhà tù từng giam giữ Dillinger 75 năm trước, theo trang Slate.
Nếu như vụ vượt ngục của John Dillinger chủ yếu chỉ được biết đến tại Mỹ thì vụ đào thoát khỏi Alcatraz mới là trường hợp nổi tiếng trên toàn thế giới. Vào ngày 11.6.1962, tù nhân thụ án chung thân Frank Lee Morris và anh em nhà John - Clarence Anglin thoát khỏi đảo ngục tù với mức độ an ninh cao vào bậc nhất ở vịnh San Francisco.
Theo dấu vết để lại, bộ ba đã dùng xà phòng, giấy vệ sinh và tóc thật nặn thành những chiếc đầu giả và đặt trên giường nhằm đánh lừa các quản giáo trong ca trực đêm, theo BBC. Trong 1 năm dài, các tù nhân sử dụng công cụ thô sơ để đào một đường hầm xuyên xà lim và dẫn đến một hành lang bỏ hoang. Từ nơi này, chúng trèo lên ống thông khí để đến nóc nhà, nhảy ra bên ngoài, leo rào và chế một cái bè làm từ áo mưa cùng vữa xi măng.
Bộ ba chèo thuyền tự tạo khỏi đảo vào khoảng 22 giờ, nhưng chẳng ai phát hiện chúng mất tích cho đến sáng hôm sau. Đây cũng là một trong những vụ FBI đành bó tay, không phát hiện được bất cứ dấu vết nào. Sau 17 năm điều tra, cuối cùng FBI kết luận Morris và anh em nhà Anglin đã chết chìm trong lúc đào thoát. Vụ vượt ngục trở nên nổi tiếng với bộ phim Escape from Alcatraz (Vượt ngục Alcatraz) do tài tử gạo cội Clint Eastwood thủ vai chính Frank Lee Morris, ra rạp vào năm 1979.
Một bộ phim có tựa đề Catch me if you can (Hãy bắt tôi nếu có thể) do Leonardo DiCaprio thủ diễn vào năm 2002 một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận về vụ vượt ngục của siêu lừa khét tiếng Frank Abagnale. Tay này trốn khỏi trại tạm giam liên bang ở Atlanta, bang Georgia, vào năm 1971 bằng cách thuyết phục quản giáo rằng mình là thanh tra ngầm chứ không phải phạm nhân, theo The Telegraph. Chuyện xảy ra khi một cảnh sát giải Abagnale đến nhà tù nhưng quên mang giấy tống giam hắn, thế là Abagnale câu kết với một đồng phạm bên ngoài để tìm cách thuyết phục các quản giáo tin hắn là thanh tra ngầm.
Sau vài tuần xuất hết chiêu thức khiến lính gác tin tưởng, Abagnale đường hoàng đi ra ngoài và leo lên xe đồng phạm chạy mất. Hắn ta trốn được 2 tháng trước khi bị bắt lại ở thủ đô Washington. Abagnale nằm nhà đá suốt 4 năm trước khi được tạm tha. Ngày nay, Abagnale đóng vai trò cố vấn cho FBI về tội phạm “cổ cồn trắng”.
Dùng trực thăng, yoga
Cho đến nay, Pháp vẫn là quốc gia số một trong các vụ vượt ngục bằng trực thăng, với ít nhất 11 vụ từng được ghi nhận.
Trong đó nổi tiếng nhất là lần tháo chạy của kẻ cướp nhà băng Michel Vaujour, với sự hỗ trợ của vợ y vào năm 1986. Quá nóng lòng khi nghe tin đức ông chồng phải bóc 28 cuốn lịch vì tội mưu sát và cướp nhà băng có vũ trang, “hiền thê” Nadine Vaujour cương quyết tìm cách giải thoát chồng khỏi nhà tù ở Paris.
Bức ảnh nổi tiếng trong vụ vượt ngục bằng trực thăng của Michel Vaujour - Ảnh: Paris-Match
|
Thế là cô ghi danh học lái trực thăng, trong khi người chồng bận rộn lên kế hoạch đào thoát. Vào ngày 26.5.1986, Michel dùng súng và lựu đạn giả đe dọa quản giáo và chạy thoát lên đến sân thượng. Tại đây, Nadine lái trực thăng chờ sẵn và chở chồng đến một sân bóng đá, leo lên ô tô đậu sẵn và chạy thoát. Thế nhưng, vận may của họ nhanh chóng cạn hết khi Nadine bị tóm ở miền tây nam nước Pháp, còn Michel thì bị bắn vào đàu nhưng thoát chết trong một vụ cướp khác, theo tờ Paris-Match.
Nói về mức độ ngoan cố, cặp vợ chồng kể trên chẳng thể sánh được với Pascal Payet, người từng 3 lần dùng trực thăng để trốn khỏi nhà tù hoặc tổ chức vượt ngục. Đầu tiên, hắn ta dùng máy bay lên thẳng trốn khỏi một trại giam ở Luynes vào năm 2001. Hai năm sau, trong lúc vẫn đang lẩn trốn, Payet lại dùng trực thăng tổ chức cho các đồng đảng trong tù vượt ngục. Lần này cả bọn bị hốt gọn trong vòng 3 tuần.
Nhưng bổn cũ soạn lại, Payet lại chạy thoát bằng trực thăng vào năm 2007. Khi đó, 4 kẻ bịt mặt đã cướp một trực thăng đậu tại phi trường Cannes-Mandelieu, buộc phi công lái đến nhà tù Grasse để rước Payet. Phi công được thả ra khi máy bay đậu xuống Brignoles, cách Toulon khoảng 38 km về hướng đông bắc trên bờ Địa Trung Hải. Một thời gian sau, tù nhân chuyên vượt ngục bằng trực thăng này lại bị tóm ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, dùng trực thăng vượt ngục vẫn không gây ấn tượng bằng chiêu thức mà một tù nhân tên Choi Gab-bok, từng lãnh án 23 năm tù giam vì tội ăn cướp, đã sử dụng để thoát khỏi phòng tạm giam của sở cảnh sát ở Daegu, Hàn Quốc.
Vào rạng sáng 17.2.2012, Choi bôi dầu trơn lên toàn cơ thể và chui khỏi nhà giam bằng cách len người qua khe đưa cơm tù với kích thước 15 x 45 cm rồi trèo qua cửa sổ, khi cả 3 cảnh sát trực đều ngủ thiếp đi. Yonhap dẫn lời phía cảnh sát điều tra cho hay không ai có thể tin vào mắt mình khi xem lại clip quay cảnh cơ thể Choi luồn qua khe đưa thức ăn như bạch tuộc trong chưa đầy 1 phút, bất chấp chiều cao 1,65 m và nặng 52 kg.
Trước khi bị bắt năm 2012, Choi từng gỡ lịch đến 23 năm và để giết thời gian hắn ta chăm chỉ học yoga trong tù. Đến khi ra tù, cấp bậc của Choi phải tương đương với đạo sư, nên việc thoát khỏi nhà giam trên là chuyện khá dễ dàng đối với y. Dẫu vậy, bậc thầy yoga kiêm tội phạm bị tóm chỉ sau 6 ngày lẩn trốn và lần này ông ta bị tống vào xà lim không có song sắt, còn khe đưa thức ăn thì hẹp hơn lần trước.
Lưới trời lồng lộng
Trong lúc giới chức Mỹ lùng sục hai kẻ sát nhân Richard Matt và David Sweat, lịch sử săn lùng tù trốn trại cho thấy đại đa số trường hợp vượt ngục đều bị bắt lại.
Theo AP dẫn lời giới chuyên gia, tù nhân dù dành nhiều năm tháng để vạch kế hoạch trốn khỏi nhà tù lại chẳng suy nghĩ sâu xa hơn về tương lai để duy trì tự do trong cảnh bị truy đuổi.
“Chúng phí công sức để tìm cách vượt ngục, nhưng kế đến không có kế hoạch phải làm gì khi chạy trốn thành công”, theo Patricia Hardyman, Phó giám đốc Hiệp hội Quản lý trại quản giáo bang.
Có thể kể đến trường hợp hai kẻ đào tẩu sau khi chạy khỏi nhà tù Mecklenburg ở Virginia vào năm 1984 lại quá bận rộn nhấm nháp rượu vang và phô mai nên nhanh chóng bị cảnh sát thộp cổ.
Trong khi đó, tổng cộng có 7 phạm nhân đã bắt tay trong vụ vượt ngục lớn nhất tiểu bang Texas, gọi là “Texas 7”, vào tháng 12.2000. Chúng đã chế ngự nhân viên nhà tù, cướp vũ khí trong trại và nhảy lên xe chở tù nhân chạy thoát.
Hai tuần sau đó, trên đường chạy đến Colorado, bọn chúng giả dạng làm một đoàn truyền giáo khi dừng tại một công viên đậu xe dã ngoại, nhưng người đậu kế bên đã không bị đánh lừa và nhanh chóng báo nhà chức trách.
|
Bình luận (0)