Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 4: Ám ảnh xác trôi

31/08/2013 11:00 GMT+7

“Ông xấu quá, tôi chết lạnh lẽo nhưng xin ông cho lên đảo ông cũng không cho”! Quá lâu rồi, nhưng câu nói đó thỉnh thoảng lại về cắn rứt trong giấc mơ của người “chúa đảo” Hòn Dê.

Xác người “ghé” đảo

“Nhưng mà làm sao tôi cho ở được, trên đảo các con tôi còn nhỏ… trách tôi chịu, nhưng lúc đó tôi phải quyết định vậy thôi”, ông Năm Sư (Phạm Văn Năm, “chúa đảo” Hòn Dê, xã Sơn Hải, H.Kiên Lương, Kiên Giang) kể như phân trần.

Đó là buổi sáng mùng 6 tết, không nhớ rõ năm nào, nhưng đã lâu lắm rồi, giờ các con ông đã trưởng thành, đã đi xa để kiếm sống. Còn ông giờ là chủ của nhiều ghe cào ngang dọc vùng biển Tây. Nhưng nỗi buồn thì vẫn còn đó, ám ảnh thì vẫn còn đó. Đó là những năm quần đảo Bà Lụa thỉnh thoảng lại có xác người “ghé” vào một hòn đảo nào đó. Ông Năm Còn, Chủ tịch đầu tiên của xã đảo này, nhớ lại: "Những năm đó, khi mùa gió chướng về thì xác chết lại tấp vào các đảo ở đây. Những hòn đảo có người thì dân đảo báo cho chính quyền tổ chức đi vớt. Ở xa quá thì họ gọi các ghe cá cùng giúp vớt rồi mang ra đảo hoang Kiến Vàng chôn cất". Có lần, ngay sáng mùng 1 tết, ông cùng với các ngư dân ở Hòn Heo phải chạy tàu đi vớt người xấu số rồi bó cao su mang đi chôn. Đến khi về tới nhà thì người bám đầy mùi, vợ ông phát hoảng không cho vô nhà. Ông phải bẻ lá chanh, lá quýt để gột rửa nhưng cũng không hết. “Nạn nhân là người đi biển gặp sóng gió cũng có, người đi vượt biên bị nạn cũng có… Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, mình đâu phân biệt là ai, họ chết lạnh lẽo như vậy mình không chôn cất người ta đàng hoàng thì làm sao yên ổn được”, ông Còn tâm sự.

Trong một lần như thế, xác người xấu số trôi vào Hòn Dê, hòn đảo chỉ duy nhất gia đình ông Năm Sư sinh sống. Lúc dạt vào đảo, thân thể nạn nhân đã không còn nguyên vẹn. Thay vì mang lên chôn cất, ông Năm lại lấy cây xô xác người ra xa đảo, xuôi theo gió về hướng Hòn Heo. Giải thích cho hành động của mình, ông Năm nói lúc đó các con ông đều còn nhỏ, chạy lắt choắt trên đảo. Sợ xác chết lây bệnh tật cho các con thì nguy, nên ông xin người quá cố tha thứ cho… Không nghĩ rằng, hành động đó cho đến giờ vẫn còn ám ảnh. Ông Năm nói thỉnh thoảng lại có người về trách móc ông trong giấc mơ.

Những chúa đảo biển Tây
Vợ chồng ông Năm Sư trên đôi ghe cào rong ruổi khắp biển Tây - Ảnh: Tiến Trình

Vắt sức để sinh tồn

Ở quần đảo Bà Lụa, gia đình ông Năm Sư cũng thuộc hàng cố cựu. Ông còn nổi tiếng với tính siêng năng, chịu khó và tổ chức nếp nhà rất nghiêm khắc. Ông nói, mình có tuổi trẻ “tứ đổ tường”. Cưới con gái của một chủ tiệm bánh ở Kiên Lương, nghĩ sẽ “dừng bước giang hồ” nhưng ý định không thành. Chiến tranh, vì không muốn cầm súng nên 23 tuổi, ông đã đưa vợ vượt biển ra đảo để trốn quân dịch. Thương chồng, bà Lâm Thị Trúc chấp nhận sống đời bôn ba. Tuy “cành vàng lá ngọc”, nhưng chẳng bao lâu, bà Trúc lại khiến dân đi biển phải nể nang bởi chẳng những thích nghi rất nhanh với biển cả, bà có thể cầm ghe đi biển chẳng khác gì đấng nam nhi.

Biết đảo Hòn Dê không có nước ngọt, nhưng vợ chồng Năm Sư vẫn xung phong ra khai phá tạo lập cuộc sống. Ông Năm kể, những lần đi tìm nước ngọt là cực hình. Sóng gió là điều không tránh khỏi, nhiều lần chở được nước về gần tới đảo thì bị sóng đánh chìm. Ở nơi nước ngọt khan hiếm, không phải lúc nào đi xin cũng có nước. Có những lần vợ chồng ông phải đi… trộm nước để các con tránh phải chết khát trên đảo.

Sống trong môi trường khắc nghiệt, các con ông cũng được rèn luyện đức tính chịu thương chịu khó. Từ tờ mờ sáng, họ đã được cha mẹ “lùa” vào rừng trồng rẫy, trồng cây ăn trái, kiếm thức ăn cho gia súc… Chẳng bao lâu từ khi vợ chồng Năm Sư bước chân lên đảo, Hòn Dê thay đổi nhanh chóng. Vườn xoài, chanh, ổi, chuối… thay cho cây tạp. Bí, khoai trồng được lại chở ngược vào đất liền bán cho có giá. Cha mẹ siêng năng, chịu khó, các con ông cũng thế mà noi theo. Nhà sắm được tàu đi đánh cá, họ xung phong ra tận Nam Du, Thổ Chu… Bận bão tố tàu chìm, họ lại nhanh chóng kiếm tiền mua lại chiếc khác. Hòn Dê cô đơn dần được biết đến như là hòn đảo có vườn cây trồng hấp dẫn bậc nhất trong quần đảo.

“Đời tôi bôn ba, tôi muốn con cháu tôi phải khá hơn”, ông Năm tâm sự. Người ta thấy cảnh hằng ngày, gia đình Năm Sư vượt biển đưa lũ trẻ qua Hòn Heo để học chữ mà phải tặc lưỡi. Bà Năm nói, cuộc đời sóng gió của bà đã không nhớ bao nhiêu lần chìm tàu, chìm ghe ở biển. Không ít lần thập tử nhất sinh, nhưng có một lần cách 10 năm trước, mà cho tới giờ nhắc tới bà vẫn còn đau nghẹn lồng ngực. Cứ mỗi sáng, gia đình bà lại có xuồng đưa đám cháu tới trường. Những đứa lớn đi học thì những đứa nhỏ lại đòi theo tới trường. Thấy đám nhỏ ham học, bà Năm cũng mừng và chiều cháu cho đi theo qua Hòn Heo. Nhưng rồi chuyến về lại Hòn Dê gặp sóng to đánh xuồng bị chìm. Bà Năm cố níu đứa cháu 3 tuổi nhưng cũng bất lực. Cả nhà bà lập tức lao ra biển lặn tìm trong vô vọng...

Năm Sư nói cuộc đời ông tuy đã ra tới tận đảo hoang mà lập nghiệp, nhưng cũng chưa hết những nỗi buồn, uất ức. Vì sống trong môi trường khắc nghiệt, nên sự tính toán để tồn tại, để chu toàn đã ăn sâu như một bản năng. Tính bộc trực, “không phạm đến ai, cũng đừng ai phạm đến mình” đã khiến không ít người dè dặt. Ngay cả chuyện người ta đến ngỏ lời đưa du khách ra hòn đảo đẹp của ông cũng gặp những cái lắc đầu, ông nói ông không ngại người lạ, nhưng “thấy phiền”.

Giờ đã có của ăn của để. Hai vợ chồng ông lại rong ruổi trên cặp tàu cá lớn. Ngoài những chuyến biển, nếu không ghé qua đảo với con cháu thì vợ chồng ông cho tàu cặp vào Ba Hòn, Bình An để bầu bạn gần xa. Biển đảo, sóng gió đôi lúc cũng trở nên nhỏ bé và yếu ớt để ông có thể giải tỏa những chất chứa một thời sống khép kín giữa đảo hoang.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.