Những chuyện chưa kể về Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử truyện: Sự thực về Tống Giang?

21/11/2021 06:39 GMT+7

Khi bàn về Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử truyện , cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương có so sánh rằng: “Đọc Tam quốc chí thích hơn đọc Thủy hử. Thủy hử tuy văn tự chân thực, không hư ảo như Tây du , nhưng chuyện bỗng không mà có, mặc ý vẽ vời, tự do thêm bớt, viết cho khéo không khó mấy”.

Cha con nhà họ Mao cũng nói thêm rằng: “Tam quốc chí kể việc nhất định không có sửa đổi, ấy mới khó viết cho hay. Vả lại các nhân tài trong Tam quốc nhiều mà đặc sắc hơn. Nhân vật nào cũng được tả xuất sắc gấp trăm gấp ngàn các nhân vật như Ngô Dụng, Công Tôn Thắng trong Thủy hử”. Nói cách khác, Tam quốc là từ lịch sử mà viết, có nhiều bó buộc, còn Thủy hử là chuyện hư cấu, thích sao viết vậy. Có thật thế không?

Bản đồ hoạt động của quân Tống Giang

Tư liệu của tác giả

Thời đại của Tống Giang

Từ góc độ nguồn gốc mà nói, Thủy hử truyện gần giống với Tây du ký. Tây du ký lấy cảm hứng từ hành trình thỉnh kinh có thật của nhà sư Huyền Trang thời Đường Thái Tông. Còn Thủy hử truyện cũng lấy cảm hứng từ những thủ lĩnh đạo tặc nổi tiếng thời Tống Huy Tông là Tống Giang, Phương Lạp. Thời đại của Thủy hử truyện gắn với thời kỳ trị vì của Tống Huy Tông.

Trong Đại Tống Tuyên Hòa di sự - một tác phẩm tiền thân của Thủy hử truyện - sự việc của nhóm Tống Giang trực tiếp khởi đầu từ vụ nhóm Tiều Cái cướp quà sinh nhật mà Lương Sư Bảo sai vận chuyển lên Đông Kinh mừng thọ Sái Kinh. Đó là tháng 5 năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120). Tuy nhiên trước đó lại đã có chuyện nhóm 12 người Dương Chí, Lý Tiến Nghĩa, Lâm Xung, Vương Hùng, Hoa Vinh, Sài Tiến, Trương Thanh, Từ Ninh, Lý Ứng, Mục Hoành, Quan Thắng, Tôn Lập vận chuyển Hoa thạch cương.

Vì trời đổ tuyết nên Tôn Lập trễ hẹn, Dương Chí chờ mãi cạn tiền, phải đi bán đao, rồi lỡ tay giết người và bị đày. Vì thế, nhóm người của Tôn Lập đón đường giải cứu Dương Chí, cùng nhau lên núi Thái Hành làm lạc thảo. Việc áp tải Hoa thạch cương trước đó đã được Đại Tống Tuyên Hòa di sự đặt vào năm Đại Quán thứ 4 (1110). Tất cả đều nằm gọn trong thời trị vì của Tống Huy Tông. Trong Thủy hử truyện, biểu thời gian đại khái là bắt đầu từ năm Chính Hòa thứ nhất (1111) - Cao Cầu làm Điện súy và Vương Tiến chạy trốn - kết thúc ở năm Tuyên Hòa thứ 6 (1124) - lúc Tống Giang, Lý Quỳ, Ngô Dụng, Hoa Vinh chết.

Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ (1624 - 1680) là tài liệu đầu tiên nói đến thời điểm nổi dậy của Tống Giang. Sách này chép: “Trong niên hiệu Chính Hòa (1111 - 1118) nhà Tống, Tống Giang kết trại ở Lương Sơn bạc”. Nhà nghiên cứu Dư Gia Tích dẫn Tống sử, Dương Tiển truyện có nói ông này từng đặt trại thu thuế thuyền đánh cá ở Lương Sơn bạc. Lúc đó Tống Giang vẫn chưa chiếm Lương Sơn. Như vậy, thời điểm Tống Giang đến Lương Sơn dựng trại phải là từ năm Chính Hòa thứ 4 (1114) trở về sau. Thập triều cương yếu của Lý Thực (1161 - 1238) chép: “Tuyên Hòa năm đầu (1119), tháng 12, xuống chiếu chiêu tập vỗ về giặc Sơn Đông là Tống Giang”. Đó là niên điểm đầu tiên ghi nhận sự hiện diện của Tống Giang.

Chọc trời khuấy nước

Căn cứ của Tống Giang là vùng Lương Sơn bạc. Người thời Nguyên là Trần Thái từng kể về khu vực này rằng: “Tôi lúc còn trẻ con, nghe những bậc già cả nói chuyện về Tống Giang, nhưng chưa nghiên cứu được rõ ràng. Đến năm Quý Hợi niên hiệu Chí Trị (1323), mùa thu, ngày 16 tháng chín, đi thuyền qua Lương Sơn, trông ra xa thấy một đỉnh núi, vọt lên trùng điệp. Hỏi ra thì chân sào nói đó là An Sơn vậy, ngày xưa là chỗ Tống Giang khởi sự, chẹn hồ thành ao rộng chín mươi dặm, toàn là sen súng củ ấu, tương truyền là do vợ của Tống trồng. Tống là người dũng cảm, ngông cuồng, thích hành hiệp. Bè đảng giống như Tống có ba mươi sáu người. Đến nay dưới núi còn có đài Phân Tang (đài chia của), có đặt 36 chỗ ngồi bằng đá”.

Từ cuối năm Tuyên Hòa thứ nhất (1119), triều Tống đã muốn chiêu an Tống Giang. Nhưng Tống Giang không đầu thuận triều đình. Đến năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), khi Phương Lạp nổi lên ở phía nam thì Tống Giang bắt đầu bành trướng thế lực. Bạc trạch biên của Phương Chước (1066 - ?) chép: “Năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), tháng 10, người Kiệt thôn, huyện Thanh Khê thuộc Mục Châu là Phương Lạp mượn tả đạo để mê hoặc dân chúng… Tháng 12, ngày mồng 4, hãm Mục Châu. Ngày mồng 7, Thiệp thú là Tăng Hiếu Uẩn vì giặc Kinh Đông là bọn Tống Giang kéo ra vùng Thanh, Tề, Đơn, Bộc nên có chỉ dời làm tri Thanh Châu”.

Thế lực của Tống Giang bấy giờ khá mạnh. Tống sử, Hầu Mông truyện chép: “Tống Giang cướp Kinh Đông. Mông dâng thư nói: “Tống Giang dùng 36 người hoành hành Tề, Ngụy. Quan quân có số vạn, mà không ai dám kháng cự. Tài của hắn ắt hơn người. Nay Thanh Khê giặc dậy, chi bằng xá tội cho Giang, sai y đi đánh dẹp Phương Lạp để tự chuộc tội”. Đế nói: “Mông ở ngoài mà không quên vua, đó là trung thần vậy”. Bèn sai làm Tri phủ Đông Bình. Chưa đến nhậm chức thì đã chết”. Đó là lần thứ hai triều đình muốn chiêu an Tống Giang. Về sau Thủy hử truyện có nói đến hai lượt chiêu an không thành. Điều này tương hợp với sử liệu về Tống Giang. Vậy còn có điều gì mà tiểu thuyết phù hợp với lịch sử? (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.