Những chuyện chưa kể về Tam Quốc Diễn Nghĩa và Thủy Hử truyện: La Quán Trung không phải là tác giả duy nhất?

20/11/2021 06:30 GMT+7

Từ cuộc tranh luận quyền tác giả giữa Thi Nại Am và La Quán Trung , ta có thể phán đoán rằng: Rất có thể vào lúc Thủy hử mới ra mắt, Thi Nại Am vẫn còn là một cái tên chưa có giá trị trong văn đàn. Các nhà in lậu muốn sách bán chạy thì phải mượn tên một tác giả ăn khách để thay vào, và đó là La Quán Trung.

Đây cũng có thể là lý do khiến hiện nay chúng ta không thể tìm thấy một văn phong thống nhất trong những tiểu thuyết được tuyên bố là tác phẩm của La Quán Trung. Tuy nhiên, ngay chính trong Tam quốc diễn nghĩa cũng có những phần truyện không phải do La Quán Trung viết.

Ngụy Diên (trái) và cha con Tư Mã Ý bị kẹt trong hang Thượng Phương - bản in năm 1591

TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

“Bật mí” về bí mật tác giả Tam quốc diễn nghĩa

Khi nói đến tư tưởng chủ đề của Tam quốc diễn nghĩa, ta hay dẫn câu: “Đại thế thiên hạ hợp lâu lại phân, phân lâu lại hợp”, và xem đó là phát biểu của La Quán Trung. Thực ra không phải như vậy. Lời mào đầu này là do cha con Mao Luân và Mao Tôn Cương thời Thanh thêm vào. Mao Luân (? - ?) và Mao Tôn Cương (1632 - 1709) là người Giang Tô, nhà nghèo, không ra làm quan. Vào khoảng trung niên trở về sau, do không còn nhìn rõ nữa nên Mao Luân lấy việc bình điểm các tác phẩm văn học làm thú vui. Mao Luân đọc miệng cho con là Mao Tôn Cương chép lại và hiệu đính.

Cha con Mao Luân đem bản in Tam quốc diễn nghĩa do Lý Trác Ngô thời Minh bình điểm ra để chỉnh sửa, rồi quảng cáo rằng đó là cổ bản. Nguyên sách có 240 hồi. Cha con họ Mao đem 2 hồi nhập 1, thay đổi tiêu đề, thêm thơ kết hồi, cắt xén, chỉnh sửa, tăng bổ nội dung truyện, bỏ bớt các thơ vịnh, tán hoặc thay bằng thơ khác. Những công tác này khiến diện mạo Tam quốc diễn nghĩa gần với tiểu thuyết hơn (giống như Thủy hử truyện). Cha con họ Mao còn thêm vào lời bàn của mình, bao gồm lời bàn chung cho toàn hồi truyện và lời bình ở từng chi tiết truyện.

Những chi tiết vụn vặt bị cha con họ Mao chỉnh sửa rất nhiều. Thậm chí có chỗ còn tự sửa, rồi tự khen hay. Ví như hồi 158 cổ bản, Phổ Tịnh gõ vào chỗ ngồi hỏi: “Nhan Lương đâu rồi?”; thì ở hồi 77 bản Mao Tôn Cương sửa thành “Vân Trường ở đâu”, rồi khen “câu đó bao hàm ý nghĩa như một bộ diệu kinh Kim Cương Bồ Tát”! Trường đoạn bị viết lại nổi tiếng nhất là đoạn “Khổng Minh hỏa thiêu trại Mộc Sách” (hồi 205 cổ bản, tức hồi 103 Mao bản).

Trong cổ bản, Khổng Minh có ý đốt luôn cả Ngụy Diên trong hang Thượng Phương. Kế hoạch thất bại, Khổng Minh chuyển sang đổ lỗi cho Mã Đại, rồi sai Mã Đại đến xin lỗi Ngụy Diên và nói đó là âm mưu của Dương Nghi. Vì thế Ngụy Diên chuyển sang hận Dương Nghi và xin Khổng Minh để Mã Đại làm bộ tướng của mình. Đó là phần chuẩn bị của Gia Cát Lượng để sau này “Vũ hầu di kế chém Ngụy Diên”. Cha con họ Mao đã cắt bỏ hết những chi tiết này, và viết lại ở chỗ Khổng Minh lâm chung, mới gọi Mã Đại đến trao mật kế.

Hồi thứ 57 bản hiện hành cũng đã được viết lại. Ta không hiểu lý do tại sao cha con họ Mao bỏ đi đoạn Hán Hiến đế mời Mã Đằng lên gác, rồi mật lệnh cho Mã Đằng giết Tào Tháo. Ở bản hiện hành do họ Mao viết lại, cha con Mã Đằng đã tự tiện hành động. Hồi 120 của bản hiện hành cũng là do cha con Mao Luân viết lại. Trong cổ bản, ở hồi 239, La Quán Trung đã điểm rất nhanh lịch sử nước Ngô từ sau khi Ngô chủ Tôn Hưu chết đến khi Dương Hỗ dâng sớ xin đánh Ngô. Ngược lại, cha con họ Mao đã thêm vào chuyện mối giao tình giữa Dương Hỗ với Lục Kháng và nhiều chuyện khác. Những chi tiết này nhằm giải thích lý do nước Ngô kéo dài được sự tồn tại của mình sau khi Thục bị diệt, đồng thời hé lộ nguyên nhân nước Ngô diệt vong. Riêng sự tăng bổ này có thể xem là hợp lý.

Những nhân vật nào được thêm vào ?

Nhân vật Lục Kháng không hề có trong cổ bản. Đây chỉ là nhân vật được cha con họ Mao đưa thêm vào. Một nhân vật khác được hai cha con này “mời” vào Tam quốc diễn nghĩa là Hạ Hầu Kiệt. Hạ Hầu Kiệt là người ở cầu Trường Bản nghe tiếng hét của Trương Phi rồi vỡ mật, ngã ngựa. Thực ra trong cổ bản, người ngã ngựa là Hạ Hầu Bá (về sau hàng Thục, theo Khương Duy đánh Ngụy). Sở dĩ có sự thay đổi này là vì muốn tâng bốc thêm sức mạnh tiếng hét của Trương Phi, nên mới chọn Hạ Hầu Kiệt để ông này vỡ mật chết. Trong cổ bản, Hạ Hầu Bá chỉ ngã ngựa chứ không chết, về sau còn xuất hiện lại.

Một nhân vật khác được thêm vào sau này chính là Quan Sách - con trai thứ của Quan Vũ. Quan Sách xuất hiện khi Khổng Minh đi đánh Mạnh Hoạch và có một số đóng góp trong chiến dịch ấy. Tuy nhiên, trong cổ bản Tam quốc diễn nghĩa không hề có nhân vật Quan Sách. Nhưng Quan Sách lại là một nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Nguyên là ở huyện Vĩnh Bình của Nam Trung xưa có một địa danh gọi là Quan Sách trại do tướng Thục Hán là Quan Sách xây đắp. Triệu Nhất Thanh thời Thanh giải thích rằng ở người Di phía tây nam gọi “gia” là “sách”. Quan Sách trại tức Quan gia trại, là tiếng tôn xưng, chứ không phải thực có người tên Quan Sách. Triệu Nhất Thanh ngờ rằng Quan Sách ở đây là nói đến Quan Hưng - con trai Quan Vũ.

Do Quan Sách là một nhân vật nổi tiếng trong dân gian nên các nhà in thời sau thường đưa thêm vào Tam quốc diễn nghĩa. Từ thời Minh đã có nhà in ghép một phần truyện đầu hồi 105 vào hồi 104. Sau đó, họ nhét thêm chuyện Quan Sách tới nhận cha vào đầu hồi 105 và đổi tên hồi này từ “Hoàng Trung, Ngụy Diên hiến Trường Sa” thành “Quan Sách nhận cha ở Kinh Châu” - đó là một phương thức xử lý hoàn toàn khác họ Mao.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.