Những chuyện chưa kể về vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ

26/09/2017 13:54 GMT+7

Hôm ấy tôi nghỉ phép năm, về quê có việc riêng thì Quyên, nhân viên Văn phòng báo Thanh Niên tại Cần Thơ, gọi: “Chú ơi, cầu Cần Thơ sập rồi. Chết nhiều người lắm!”.

Vậy là tôi bỏ dở công việc, quay về Mỹ Tho và dù không được phân công, tôi vẫn đi cùng với mấy đồng nghiệp tới hiện trường. Lúc ấy đường từ quốc lộ 1 tới xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) còn khó khăn lắm. Qua khỏi thị trấn thì xuống xe rồi thuê xe ôm chạy vòng vèo thêm mấy cây số nữa mới tới nơi.
Thật kinh hoàng. Trước mắt chúng tôi là 2 khối bê tông, sắt, đá khổng lồ đổ sụp xuống, nằm song song nhau, bên cạnh trụ cầu sừng sững. Bên dưới đống đổ nát đó vẫn còn hàng chục công nhân.
Khi tôi đến nơi thì thấy Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đang có mặt tại hiện trường. Vậy là tôi và Tiến Trình (lúc đó là phóng viên Thanh Niên thường trú tại Cần Thơ) làm cuộc phỏng vấn… đứng với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Tay trái cầm máy ghi âm, tay phải chụp ảnh và trực tiếp đặt câu hỏi.
Lần đầu tiên tôi chứng kiến một người đàn ông, bộ trưởng, mặt ướt đẫm mồ hôi, vừa trả lời phỏng vấn, vừa… khóc. Ông Dũng nói: “Đến thời điểm này đã xác định được 42 người thiệt mạng và 87 người bị thương. Lực lượng cứu hộ vừa tìm thấy thêm một thi thể nữa. Theo tôi, số công nhân còn bị kẹt trong đó có thể “khá” hơn, nhưng hiện chưa biết chính xác”.
Khi sự cố xảy ra, báo chí nói huỵch toẹt là “sập cầu Cần Thơ” rồi sau đó điều chỉnh lại là “sập nhịp dẫn”, ý nói 2 nhịp cầu bị sập còn nằm phía trên bờ. Lúc đó xuất hiện nhiều tin đồn, như trụ phụ bị lún, đã được cảnh báo không an toàn... Có thông tin nói thời điểm xảy ra sự cố ông Dũng đang chủ trì một cuộc họp nhưng đã không dừng lại để tới ngay hiện trường, mặc dù đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Dũng cho biết vì tin ban đầu nói “sập giàn giáo làm 4 người chết. Đến trưa tôi mới nhận thông tin “10 người chết” do Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức từ hiện trường báo về. Lúc đó tôi vừa chủ trì cuộc họp, vừa xử lý thông tin, vừa đặt vé máy bay và sau đó 11 giờ 30 tôi đã lên máy bay”.
Riêng tin đồn sự cố do trụ phụ bị lún, ông Dũng nói: “Tôi cũng có thông tin như vậy. Mấy hôm rồi mưa khá nhiều và công trình nằm trên phần đất yếu. Trụ bị lún và kéo theo sự dịch chuyển giàn giáo, các khối bê tông... Nhưng tôi xin nói là chưa chính xác”.
Các phóng viên phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng (năm 2007) sau tai nạn Ảnh: Hoàng Phương
Ngày thứ 2 sau khi xảy ra sự cố, tòa soạn cử anh Ngọc Sơn (Trưởng ban Kinh tế) và phóng viên Mai Vọng xuống Cần Thơ trực tiếp xử lý thông tin nóng hằng ngày. Đến bây giờ, Ngọc Sơn và Mai Vọng cho rằng “đó là những ngày khủng khiếp và không bao giờ quên” trong đời làm báo.
Vì nhà thầu không xác định được còn bao nhiêu nạn nhân mất tích nên nhóm phóng viên gồm tôi, Tiến Trình, Mai Vọng và Trương Công Khả ngày nào cũng vậy, sáng sớm ra bến Ninh Kiều đi đò qua hiện trường nghe ngóng thông tin hoặc dự họp. Nhiều đêm phải xử lý thông tin đến 0 giờ. Có một hôm, đã hơn 23 giờ nhưng Tiến Trình và Ngọc Tấn phải xuống phà Cần Thơ rồi chạy ngược ra xã Mỹ Hòa để ghi âm lời khai của nhân chứng.
Lúc đó, một trại dã chiến được lập ra để thân nhân người bị nạn mỗi ngày ngồi ngóng về phía hiện trường, chờ tin tức. Có hôm sáng sớm vừa dưới đò bước lên bờ đã nghe tiếng khóc của người dân vì mới phát hiện thêm thi thể. Thời tiết bấy giờ sáng nắng gắt, chiều mưa, không khí tang thương, ảm đạm.
Lực lượng quân đội tìm kiếm các nạn nhân Ảnh: Hoàng Phương

10 năm sau, nhớ lại chuyện xưa càng chạnh lòng. Trong số 55 người tử nạn thì có 37 người là dân xã Mỹ Hòa. Trong đó riêng ấp Mỹ Hưng 1 có 17 người. Nạn nhân hầu hết là nông dân nghèo.
Sau thảm họa, từ tiền bồi thường, tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm, có người trở thành tỉ phú. Nhưng khi cuộc sống thay đổi, có gia đình phát sinh bất hòa giữa cha mẹ chồng với con dâu, giữa anh em ruột thịt. Lại có người thiếu suy nghĩ nên sa vào ăn nhậu, cờ bạc… Cuối cùng hết tiền và trở lại kiếp nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.