Những chuyện ít biết về nhà Tây nguyên học Jacques Dournes

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
17/04/2021 16:01 GMT+7

Gần 100 năm sau khi Pierre Dourisboure đến truyền giáo ở Kontum (1849), có vị linh mục trẻ tên là Jacques Dournes, được phái sang Sài Gòn tập sự, đã gắn bó với miền đất Tây Nguyên này như nhà của mình.

Năm 1947, Dournes về vùng Kala, gần Di Linh (Lâm Đồng) truyền đạo và chuyên tâm học ngôn ngữ của người bản địa. Dournes gắn bó với người Srê gần chín năm thì bị triệu hồi về Pháp vào năm 1954 vì tội “xao lãng mục vụ”. Năm 1955, Dournes trở lại Tây Nguyên, nơi có tộc người Jörai cư trú. Dournes sống ở đó 11 năm trước khi bị buộc phải rời khỏi Việt Nam năm 1970, khiến ông vô cùng đau đớn.
Dournes cắm mình ở Tây Nguyên gần ¼ thế kỷ, vậy mà ông cho là còn quá ít, rằng mình đến vùng Jörai quá muộn. Ông chú tâm học tiếng bản xứ, không dùng phiên dịch, vì ông hiểu rằng chiều sâu nhất của truyền thống văn hóa Jörai là văn hóa truyền khẩu. Ông phải nói như người bản địa thay vì dùng phiên dịch, điều tối kị đối với một nhà dân tộc học.

Nhà Tây nguyên học Jacques Dournes

Ảnh: Hội Thừa sai Hải ngoại Paris

Vì người Tây Nguyên, vì say mê tập quán và văn hóa vùng đất này, Dournes muốn bỏ lại tất cả những gì ông có, rời bỏ cội rễ, kể cả quê hương. Dournes dường như “bắt rễ” với người Thượng và giữ thế đứng ngoài xã hội chính thống để tự do quan sát. Chính vì vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Andrew Hardy, ông bảo rằng “Tôi hiểu cặn kẽ, từ mọi phía: phía Pháp, phía Việt Nam, và phía những người dân tộc thiểu số.” Dournes từng nói, “nếu người ta không dầm chân trần trong ruộng, thì sẽ không biết gì hết, bởi vì mọi sự diễn ra trong đầu con người.” Suy nghĩ, phản ứng, tư duy, mơ mộng đủ cả, khi bùn lên đến gối. Nghiên cứu thực địa, nghe-nói và sống như người bản địa là một phần của dân tộc học. Vì tất cả lẽ đó nên Dournes được gọi là nhà nhân học chân trần.
Khi về Pháp, cũng là lúc không còn được đi chân trần trong bùn, sợi dây gắn kết ông với Tây Nguyên, nơi ông gọi là nhà, đã không còn. Tuy vậy, ông không thôi mộng mơ, mơ tưởng về miền Jörai.
Dournes đến Việt Nam với tư cách là nhà truyền giáo tập sự, rời Việt Nam trong vài trò nhà dân tộc học chịu khó điền dã gần 25 năm nơi thực địa. Là nhà truyền giáo Cơ Đốc nhưng Dournes không cải đạo cho một ai ở Tây Nguyên, vì ông không muốn phá hủy nền văn hóa, tôn giáo nguyên thủy nơi này. Là người thích phiêu lưu cho nên Dournes xiêu lòng trước nền văn hóa sơ khai, lãng mạn và con người Tây Nguyên. Lịch sử, văn hóa, kinh tế và nền văn minh người Thượng vì thế là những chủ đề Dournes đặc biệt quan tâm, tìm hiểu và thể hiện qua các nghiên cứu của mình.
Jacques Dournes có hai quê hương, nước Pháp là nơi ông sinh ra cũng là nơi ông sẵn sàng từ bỏ, Tây Nguyên là quê hương văn hóa, nơi ông gọi là nhà, nơi ông thuộc về.

Nhà nhân học chân trần

Dournes xuất bản khoảng 250 công trình (sách/báo) nghiên cứu về Tây Nguyên. Ông là tác giả có nhiều sách được dịch sang Việt ngữ nhất trong chủ đề này.
Chưa đầy năm năm đến Việt Nam, Dournes xuất bản công trình dân tộc học đầu tiên được dịch sang Việt ngữ là Miền đất huyền ảo) ký bút danh Dam Bo - cái tên do nhóm người K'Ho Srê đặt. Cho đến khi bị trục xuất hẳn khỏi Việt Nam, Dournes đã xuất bản rất nhiều nghiên cứu về Tây Nguyên trên các tạp chí uy tín, trong số đó có thể kể đến Gỗ-Tre: Phương diện thực vật của thế giới Jörai.
Giai đoạn 1972-1978, Dournes làm việc say mê, những công trình quan trọng nhất của ông về người K'Ho, Srê, Mạ, Jörai cũng ra đời trong khoảng thời gian này. Năm 1972, ông xuất bản Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai, vừa được Omega dịch sang Việt ngữ lần đầu. Từ việc lắng nghe người bản xứ đến nhu cầu tìm hiểu bản nguyên hay không gian sống và tinh thần của người Jörai, Dournes đã định nên cấu trúc quan trọng, gia đình và xã hội, của họ. Năm 1973, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Sorbonne với đề tài Những bậc thầy lãnh thổ, nghiên cứu nhân học chính trị ở người Jörai. Đến năm 1977, ông cho xuất bản luận án dưới nhan đề Pötao: Une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai (Pötao: Một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương), ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp dân tộc học ở công trình này và qua đó xác lập được vị thế trong giới khoa học lúc bấy giờ.
 

Một số tác phẩm của Jacques Dournes

Ảnh: Nguyễn Quang Diệu

Một năm sau, Dournes xuất bản công trình tuyệt vời khác, có lẽ là đỉnh cao cuối cùng của ông: Rừng, đàn bà, điên loạn: Đi qua miền mơ tưởng Joraï. Đó là một Joraï với hàng trăm huyền thoại - “những huyền thoại về cái hiện tại, những mộng mị của con người đang sống hôm nay”, một Joraï nguyên bản ở mãi trong ông và khiến ông hoài mơ tưởng. Cũng là một Joraï, thực tế lúc đó bên kia địa cầu, đã cải đạo, đã biến đổi từ tác động bên ngoài và cả bên trong đời sống xã hội của họ, một Joraï mà ông chua xót mỗi khi nghĩ về. Rừng, đàn bà, điên loạn là “một chứng nhân cho cách nghĩ, lối sống và quan niệm luyến ái của người Joraï từ góc nhìn của một người trong cuộc [J. Dournes].”
Ngoài ra, còn tập sách ảnh về Tây Nguyên do Dournes chụp được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Xứ Joraï, và một cuốn sách viết về ông cùng các nội dung ông trả lời phỏng vấn năm 1992 có nhan đề Nhà nhân học chân trần: Nghe và đọc Jacques Dournes.
Từ năm 1950, Dournes đã viết, và trở thành trích dẫn kinh điển, rằng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu [Tây Nguyên], thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.” Dournes yêu Tây Nguyên hơn tất thảy, hiểu tư duy Joraï và có lẽ Joraï hơn bất kỳ người Joraï thực thụ nào.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.