Những chuyện kỳ bí: Chúa sơn lâm bảo vệ dân làng

28/09/2015 05:51 GMT+7

Mỗi vùng đất, mỗi địa danh thường gắn với một câu chuyện kỳ lạ. Những câu chuyện ấy không chỉ kỳ bí như nó vốn có mà là một lời nhắc nhở của tiền nhân với hậu thế phải gắng sức giữ gìn những tài sản vô giá ấy.

Mỗi vùng đất, mỗi địa danh thường gắn với một câu chuyện kỳ lạ. Những câu chuyện ấy không chỉ kỳ bí như nó vốn có mà là một lời nhắc nhở của tiền nhân với hậu thế phải gắng sức giữ gìn những tài sản vô giá ấy.

Miếu thờ “ông” cọp ở chùa Suối Ngổ - Ảnh: N.CMiếu thờ “ông” cọp ở chùa Suối Ngổ - Ảnh: N.C
“Ông” cọp tốt bụng
Khánh Hòa xưa nổi tiếng nhiều cọp. Chẳng thế mà người dân truyền tụng câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Cọp Khánh Hòa còn được nhắc đến nhiều trong các sách nghiên cứu, văn thơ. Trong cuốn Khánh Hòa - Diện mạo văn hóa một vùng đất, nhà nghiên cứu Lê Quang Nghiêm viết: “Nói về cọp, tỉnh nào cũng có mà riêng vùng núi rừng Khánh Hòa giáp giới các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, có lẽ do địa thế và môi trường thích hợp, cọp ở quá nhiều đã gieo tai họa khủng khiếp và tang tóc cho dân lành hàng bao thế kỷ nên đã thành danh Cọp Khánh Hòa”. Tuy vậy, ở chùa Suối Ngổ, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) lại có một miếu thờ cọp, với câu chuyện người dân lưu truyền về “ông” cọp ở vùng này xưa kia không những không gây hại mà còn bảo vệ chùa cũng như dân làng.
Đường lên chùa Suối Ngổ khá khó đi. Từ trung tâm xã Vĩnh Phương, ra QL1, chạy về hướng nam khoảng 500 m, rẽ phải vào phía chân núi rồi theo con đường nhỏ, nhiều dốc cua, đi khoảng 3 km thì đến nơi. Gọi là chùa Suối Ngổ vì trước đây rau ngổ mọc nhiều bên con suối gần chùa.
Theo cuốn Văn hóa dân gian Khánh Hòa của tác giả Trần Việt Kỉnh ghi lại lời kể của người dân địa phương, cũng như lời kể của ông Phan Tới, 79 tuổi, là người cáng đáng công việc hằng ngày tại chùa Suối Ngổ hiện nay, chùa được tạo lập năm 1889. Truyền rằng, ngày đó, người đàn ông tên Võ Văn Thế, quê Ninh Hòa (Khánh Hòa) là một thợ bạc giàu có. Bỗng nhiên, hai người con một trai một gái qua đời, người vợ buồn rầu mang bệnh khó chữa. Ông Thế lập bàn thờ khấn vái thần Phật hằng đêm. Đến đêm thứ ba, mệt quá, ông ngủ thiếp đi. Trong mơ, ông gặp vị thần mách bảo đi theo hướng nam tìm thuốc. Đi tìm nhiều ngày tại vùng núi này, một hôm ông Thế nằm mộng và có bà tiên phán rằng sẽ cho ông thuốc về chữa bệnh cho vợ, với điều kiện khi vợ bình phục thì ông phải lập nơi đây một ngôi chùa. Sáng ra, ông thấy cạnh mình có viên đá nhỏ liền đem viên đá cùng ít nước suối về cho vợ uống thì khỏi bệnh. Nhớ lời dặn, ông Thế lên khu núi này lập chùa tu hành và làm thuốc cứu nhân độ thế.
Ông Tới kể tiếp: “Hồi đó vùng này rậm rạp, nhiều ác thú nhưng người tu hành, khách viếng chùa cũng như dân làng ở đây lại được “ông” cọp bảo vệ. Nếu có ai ăn cắp đồ của chùa thì sẽ bị “ông” cọp chặn đường”. Câu chuyện ông Tới kể được nhà thơ Quách Tấn viết cụ thể hơn trong cuốn Xứ Trầm Hương: “Truyền rằng: Một năm chùa làm chay vừa xong, người trong chùa và người đến cúng mỏi mệt ngủ quên. Nửa đêm kẻ trộm vào dọn hết mọi thứ. Khổ chủ thức dậy, thất kinh, toan kéo nhau đi tìm thì chợt thấy một đoàn người khiêng gánh kéo vào ngõ. Đoàn người vào chùa quỳ lạy vị trụ trì thú thực rằng mình là ăn trộm và nói: Chúng tôi xuống khỏi dốc thì gặp chúa sơn lâm đứng dựng trên hai chân sau và giơ cao hai chân trước, miệng gầm gừ nghe rợn tóc gáy... “Ngài” ra dấu bảo chúng tôi trở lại hết. Biết rằng mình làm việc quấy, mà “ngài” không nỡ hành tội, chúng tôi liền gánh đồ đạc trở lại trả cho chùa và xin lạy Phật lạy thầy cho chúng tôi sám hối”.
Sợ nhưng vẫn kính trọng
Ông Tới nói rằng cách đây hơn 20 năm, khi ông lên chùa thì thấy cảnh chùa hoang vắng, tiêu điều, tượng “ông” cọp trước chùa bị đổ, hư hỏng. Sau đó, ông xuống Nha Trang thuê người lên sửa sang, trám lại “ông” cọp bằng thạch cao như hiện nay. “Ông” cọp với màu trắng chủ đạo, trông hiền lành.
“Nghe kể trước 1975, rừng còn ngay sát chùa, cọp về cả đàn”, ông Tới nói. “Vậy từ khi lên đây, ông từng gặp “ông” cọp nào chưa?”, tôi hỏi. Ông Tới đáp: “Có hôm cọp xuống đi từ sau vòng ra phía trước chùa. Tôi sợ quá chạy vào trong trốn, gài chặt cửa. Lại có lần, một đoàn ở Nha Trang gồm 14 người về chùa, tối nghỉ lại. Đang nằm thì “ông” cọp về cào cửa rầm rầm, nhiều người sợ tè cả ra quần”. Tôi hỏi tiếp: “Sao sợ mà ông vẫn ở lại chùa?”. Ông Tới nói: “Sợ là do cảm giác mình yếu đuối trước chúa sơn lâm, nhưng trong lòng luôn có niềm tin về các “ông” ở đây hiền lành, chỉ bảo vệ chứ không hại người. Người dân thường gọi “ông” cọp cũng là vì kính trọng”.
Theo ông Tới, sau này cọp vắng bóng, không còn thấy nữa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.