Những chuyện kỳ bí: Lỗ Lườn ở Hòn Đỏ

01/10/2015 06:08 GMT+7

Khánh Hòa có hai địa danh mang tên Hòn Đỏ, một đối diện Trường đại học Nha Trang hiện nay, nơi có chùa Từ Tôn tọa lạc; còn Hòn Đỏ được đề cập trong bài viết này là nơi có Lỗ Lườn thuộc thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, TX.Ninh Hòa.

Khánh Hòa có hai địa danh mang tên Hòn Đỏ, một đối diện Trường đại học Nha Trang hiện nay, nơi có chùa Từ Tôn tọa lạc; còn Hòn Đỏ được đề cập trong bài viết này là nơi có Lỗ Lườn thuộc thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, TX.Ninh Hòa.

Cúng Bà Lườn vào ngày 20.2 âm lịch hằng năm - Ảnh: Nguyễn Văn ThíchCúng Bà Lườn vào ngày 20.2 âm lịch hằng năm - Ảnh: Nguyễn Văn Thích
Dù mang tên “đỏ”, song hòn đảo này, nơi thì đá núi trắng lóa, chỗ thì đá đen trũi nằm xếp chồng lên nhau như những con cá sấu khổng lồ rình mồi. Nghe chúng tôi nhận xét vậy, anh Tám Đăng, một ngư phủ trong làng, đính chính ngay: “Buổi chiều nắng rọi vào, từ bờ nhìn ra thì cả hòn đảo có màu hồng hồng. Nhưng cái chính để nó mang tên Hòn Đỏ là vì ở đó có cái Lỗ Lườn! Ông bà mình đặt tên cho một nơi nào đó, một vật gì đó là rất có chủ ý. Đặt tên Lỗ Lườn cũng vậy”. Nói đoạn, Tám Đăng nhìn chúng tôi rồi nheo mắt cười đầy ý vị về cái từ “gợi cảm” này.
Nghề lưới đăng độc đáo
Trong quá trình thiên di về phương nam để mở mang bờ cõi, cha ông ta hẳn là mang theo cả cái nghề từng nuôi sống mình ở bản quán. Riêng nghề lưới đăng thì không, nó được hình thành sau khi cha ông ta đặt chân lên vùng đất này. Có thể đây là nghề mới, cũng có thể nó được kế thừa từ chủ nhân trước đó từng sinh sống và hành nghề tại đây. Do đặc thù của vùng biển Khánh Hòa nên nghề lưới đăng đã hình thành, phát triển và duy trì cho đến hôm nay. Cũng đánh bắt cá nhưng nghề này lại theo một phương thức không giống bất cứ nghề đánh bắt cá nào. Dọc bờ biển Khánh Hòa có những cái tên như Mũi Ghềnh, Bãi Giếng, Bãi Giầm, Bãi Giáng... luôn gợi lên một không gian trúc trắc chứ không thuận buồm. Những mỏm núi, ghềnh đá, bãi cạn giăng mắc khắp nơi vừa gây khó cho việc hành nghề đánh bắt cá theo kiểu truyền thống nhưng đó lại là chỗ đi - về của những đàn cá khổng lồ mỗi lúc chuyển mùa.
“Những ngư dân hành nghề lưới đăng không mang lưới theo thuyền ra khơi mà mang lưới ra giăng men theo các ghềnh đá núi, nơi đàn cá thường di chuyển theo quy luật của con nước lớn hay ròng để “gom” chúng vào một điểm rồi “hốt gọn”. Tui diễn đạt vậy không biết nhà báo có hình dung ra không? Nếu không hình dung ra cái nghề là lạ này thì tui mời các chú xuống tàu để... đăng lưới một bữa?”, ông Trần Văn Tỵ rủ chúng tôi lên tàu sau khi diễn giải cái nghề lưới đăng rất ư là lùng nhùng này. Chúng tôi xác nhận với ông là “đã hình dung ra rồi” nhưng kỳ thực rất mù mờ, chỉ biết rằng, nghề này làm ven bờ, dựa vào quy luật “bầy đàn” của cá, ngư dân dùng lưới vây chúng vô “rọ” rồi bắt. Nó độc đáo ở chỗ, nghề lưới đăng vẫn bắt được những con cá thu, cá bò gù nặng 50 - 70 kg, tóm cả trăm con một lúc mà không cần phải... vay tiền đóng mới tàu to! Cũng chả phải lo chìm tàu, nhờ cứu hộ ở khơi xa mỗi khi gặp nạn vì ngư dân hành nghề này chỉ cách bờ chừng vài ba cây số mà thôi. “Đâu có bị tai nạn nghề nghiệp mà sao ngư dân lại lập miếu Bà Lườn để thờ và cúng tế linh đình ở Lỗ Lườn vậy anh Tám?”, chúng tôi thắc mắc. Anh Tám Đăng nói xưa bày nay làm thôi. Câu chuyện về Lỗ Lườn gắn với nghề lưới đăng được phủ một lớp huyền bí suốt mấy trăm năm qua mà mỗi người, khi tiếp cận với câu chuyện đều có cách lý giải riêng.
Lỗ Lườn là lỗ gì ?
Cứ đến ngày 20.2 âm lịch là ngư dân làng chài Mỹ Giang góp tiền lo lễ vật mang ra Hòn Đỏ để cúng Bà Lườn và Lỗ Lườn. “Tui nghe ông nội kể, ngày xưa, cứ mỗi lệ cúng là hiến cho Bà Lườn một đứa con nít. Đứa trẻ ấy cũng đi mua của người nghèo trên miệt cao chứ không phải con em trong làng. Vậy nên ban đêm, nhiều người nghe tiếng trẻ khóc ở Hòn Đỏ ghê rợn lắm. Tui cũng nghe kể chớ không tin vì ai lại đi làm chuyện thất đức vậy bao giờ. Đến đời ông tui thì lễ vật cúng Bà Lườn là con heo quay. Bà cũng “vui vẻ” thôi, bằng chứng là nghề lưới đăng của làng thịnh mãi đến giờ. Chuyện cúng theo lệ thì làng chài nào cũng có nhưng thường thì cúng ông Nam Hải (cá voi) chứ cúng Bà Lườn, Lỗ Lườn thì chỉ có làng Mỹ Giang mới có”, Tám Đăng giải thích về chuyện thờ cúng của làng mình gắn với một hủ tục ghê rợn thuở xa xưa.
“Từng là chủ tế trong mỗi dịp cúng Bà Lườn, vậy anh Tám có biết vì sao dân ở đây gọi là Lỗ Lườn không?”. Nghe hỏi vậy, Tám Đăng cười méo cả miệng: “Chớ không lẽ gọi rõ cái tên “húy kỵ” ấy ra à? Trong số những tảng đá ở Hòn Đỏ xếp chồng lên nhau, tự nhiên có một hòn tách ra, chừa ở giữa một cái khe, trông rất giống... “cái ấy”. Dân làng thờ cúng Lỗ Lườn là do họ tin vào sự phù hộ của Bà Lườn mỗi khi hành nghề lưới đăng. Vì có lúc, đàn cá cứ quần lượn mãi mà không chịu ra chỗ giăng lưới. Thế là ông “thuyền trưởng” lên Lỗ Lườn khấn vái một hồi, đoạn lấy “dùi” chọc vào lỗ ấy chín cái thì đàn cá cứ thế chạy đến lưới đăng”. Theo anh Tám Đăng, ngư dân chặt 4 cây rừng, to bằng cổ tay, đẽo gọt thành những “linga” đặt bên cạnh Lỗ Lườn để mỗi khi không bắt được cá thì lấy “linga” ấy chọc vào Lỗ Lườn, ắt sẽ có cá! “Nói ra thì nghe rất tục nhưng linh lắm đó. Năm ngoái, có ông ngư dân chọc mạnh quá nên một cái “linga” văng xuống biển, tưởng là mất rồi. Không ngờ một ngày sau nó dạt vô mạn tàu cách đó đến hai cây số. Chúng tôi lại phải mang lên vái Bà Lườn, đặt đúng chỗ cũ”, anh Tám kể.
Dân làng chài thì giải thích câu chuyện ngồ ngộ ấy một cách dân dã. Còn các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì khẳng định rằng câu chuyện về Lỗ Lườn là biểu tượng sinh thực khí của người Chăm còn sót lại. Động tác chọc vào lỗ là nhằm tạo tiếng vang, cá nghe động ắt phải bỏ đi, ngoài kia thì lưới đăng đang đợi chúng!
Dân làng Mỹ Giang không phải ai cũng tường minh về câu chuyện cổ nọ, song họ lưu giữ câu chuyện cùng tập tục suốt mấy trăm năm qua, bởi chính câu chuyện gắn với tập tục ấy đã góp công lớn vào việc nuôi sống dân làng bằng nghề lưới đăng độc đáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.