Những chuyến phà khuya

Trác Rin
Trác Rin
03/11/2018 08:45 GMT+7

Những chuyến phà vẫn lặng lẽ đi về chở theo những phận đời mưu sinh và cả các nhân viên, tài công đang gắn chặt cuộc đời mình trên sông nước...

Tại TP.HCM, phà Bình Khánh (nối H.Nhà Bè với H.Cần Giờ), phà Cát Lái (nối Q.2 với H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) là hai điểm “đưa đò” tấp nập nhất, hoạt động cả ngày lẫn đêm.
 
Đến giờ xuất phát, chiếc phà ở bến Cát Lái rúc lên một hồi còi rồi lừ lừ xuyên thẳng vào màn đêm qua bên kia bờ. Lúc này chừng 1 giờ sáng, mọi thứ im ắng, chỉ còn tiếng máy chạy rì rì. Bà Tư bán vé số với đôi mắt thâm quầng vẫn nhẫn nại thỏ thẻ mời khách mua. Bà năm nay 50 tuổi, nhà ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai. Hằng ngày chừng 22 giờ bà lên phà bán vé số tới sáng trắng mới về. Mọi khi bà Tư dắt thêm đứa cháu ngoại đi bán. Nay đứa bé qua nhà bà con chơi nên chỉ mình bà đơn thân độc mã.
Trên phà lúc này lác đác vài khách đang khoanh tay, mặt gục xuống đầu xe máy tranh thủ chợp mắt. Họ hầu hết là những người bán buôn ở chợ. Ngày nào cũng vậy, rạng sáng họ chạy xe máy từ Nhơn Trạch qua chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) để mua hàng về bán. Bất chợt tiếng còi xe máy kêu lên inh ỏi. Mọi người bật dậy, mặt còn ngái ngủ, mắt dáo dác xung quanh dò tìm người... mất lịch sự. Thì ra có ông khách say giấc quá nên tay nhấn vào nút còi khi nào chẳng hay. Thế là nhiều người được trận cười ngả nghiêng.

Ở phà Bình Khánh, lượng khách có vẻ khiêm tốn hơn. Khuya, những thùng nhựa mang theo mớ tôm, cua, cá, ba khía... tươi ngon từ Cần Giờ được người dân chở vội qua bên kia thành phố tiêu thụ. Ngồi vất vưởng trên hàng ghế gỗ nghỉ mệt, anh Nguyễn Văn Hùng (30 tuổi, nhà ở xã Bình Khánh, H.Cần Giờ) cho biết chở cá đi bán ở chợ dưới chân cầu Phú Xuân 2, H.Nhà Bè. Hồi 20 tuổi, anh đã theo cha mẹ ra chợ bán cá, nay đấng sinh thành tuổi đã già nên anh nối nghiệp. “Tui mua cá của người dân đánh bắt ở sông Soài Rạp bán lại. Mỗi ngày kiếm được vài ba trăm ngàn. Bán bữa đắt bữa ế, những hôm trời mưa nước lênh láng, thường lúc nào cũng... chở cả đống về”, anh Hùng kể.
Hai hàng ghế gỗ dành cho khách đi bộ ngồi là nơi lý tưởng để chợp mắt. Trời lạnh lạnh, tiếng động cơ rầm rì và những chú muỗi vo ve cũng không khiến đôi mi nhiều khách thôi sập xuống. Có hôm đang thiu thiu, một thanh niên chừng 30 tuổi khẽ gọi tôi dậy. Anh nói: “Giúp tui cái này nghen. Tui đi nhậu với bạn về mà hông có đi xe. Giờ này chắc chẳng còn ông xe ôm nào. Ông cho tui quá giang một đoạn về nhà nhé...”.
 
Lênh đênh trên sông hết mưa lại nắng, ngày này qua tháng nọ, nhiều bác tài công, nhân viên bến phà vẫn gắn bó cuộc đời mình với nghề đã chọn.
“Tui làm tài công được 30 năm nay. Hồi trẻ tui lái sà lan đi khắp các tỉnh miền Tây sông nước, giờ lái phà Cát Lái cho gần vợ con”, ông Phan Thành Nhơn (52 tuổi, ngụ Q.2) chia sẻ. Ban ngày phà cập bến lại quay đầu chạy liền, đêm phải đợi vài chục phút xe cộ mới đủ đông để xuất bến. “A lô! A lô! Vậy hả, tui nghe rõ rồi”, qua bộ đàm, ông Nhơn thảng thốt khi nghe tin có người bệnh nặng đang trên đường cấp cứu. Ngay sau đó, ông nhấn loa liên tục để các thủy thủ bên dưới đóng cửa phà. “Gặp xe chở người bệnh, mình phải tức tốc đi ngay. Tính mạng con người trên hết”, ông giải thích.
Ca trực của ông Nhơn bữa nay bốn tiếng. Trời Sài Gòn dạo này hay mưa, đường sá lại vắng vẻ nên ông cột võng, ngủ luôn trên phà. “Ngủ “bụi” tuy hơi lạnh, muỗi chích te tua nhưng cũng... thú vị lắm”, ông Nhơn hóm hỉnh rồi dùng tay xoa thuốc chống muỗi khắp người. Hằng ngày chỉ lái phà chạy qua chạy lại, sông êm ả nên suốt nhiều năm nay ông chưa gặp sự cố gì nghiêm trọng.
 Hơn 32 năm gắn bó nghề đưa đò, ông Nhan Quốc Kỳ (53 tuổi, ngụ Q.Bình Tân), hiện cũng đang làm việc ở bến phà Cát Lái. Năm 1986, ông Kỳ xuống H.Cần Giờ bám trụ ở bến phà Dần Xây. Đến năm 2001, ông chuyển về làm việc ở bến phà Thủ Thiêm. Những bến phà trên giờ chỉ còn dĩ vãng, thay vào đó là hệ thống cầu, hầm.

Trong ký ức của mình, ông Kỳ vẫn nhớ như in những sản vật ở Cần Giờ đã giúp ông và đồng nghiệp có những bữa ăn tươi ngon và thật dồi dào. Ông cũng chứng kiến không ít sự việc thương tâm trong những năm làm việc ở phà Thủ Thiêm. “Hồi đó cứ thỉnh thoảng lại có người chết vì rớt xuống nước. Sự cố xuất hiện khi khách... chạy theo trong lúc phà đã di chuyển”, ông Kỳ ngậm ngùi.
Với những người làm việc ở bến phà, được làm nghề ngày nào hay ngày nấy vì chưa biết khi nào bến phà sẽ xóa sổ. “Những chuyến phà qua lại đã gắn chặt với cuộc sống của tui. Còn phà còn làm, ít bữa nếu giải thể tui mới tính tiếp. Hơn nữa tui có tuổi rồi mà, kiếm việc khác cũng khó”, ông Kỳ miên man về nghề rồi lật đật đi tìm chỗ đánh một giấc, kết thúc một đêm làm việc...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.