Với người ở nhà thì người thân nơi xa về chính là "tết". Ngược lại, với người nơi xa, tết là được về nhà. Nhưng không phải ai cũng có diễm phúc đó. Làm ăn thất bát, thu nhập bọt bèo khiến hàng nghìn người "lỡ chuyến tàu xuân".
Day dứt hai tiếng "về nhà"
Suốt tháng chạp, trong tết và sau tết, đây đó vang lên những lời hát trẻ trung, vừa thầm thì thủ thỉ, vừa hẹn hò lay gọi, vừa nhắc nhớ nôn nao. Nhiêu đó đủ làm thẫn thờ, bồi hồi, xao xuyến, thậm chí làm điếng lòng người xa xứ khi mà chiều cuối năm cứ hiện về muôn nỗi quê xa.
Giai điệu xôn xao, háo hức như tháng chạp thì có: "Tết này con sẽ về, mẹ đừng lo và chờ con nhé. Bởi con hiểu tết với mẹ là chỉ khi thấy con được quay trở về..." (Bùi Công Nam). Hoặc thúc giục, rộn rã, nồng nàn, đầm ấm như hơi xuân: "Bỏ hôm qua sau lưng cất bước quay trở về, để bước tới ấm áp bên mẹ hiền, để đêm đông lùi xa khi bước chân bên hiên nhà…" (Trần Lập - Ban nhạc Bức tường).
Không lúc nào hai tiếng "về nhà" cất lên lại tạo những "hiệu ứng" day dứt, thiết tha, quyến rũ, vang động như lúc này, lúc mà trời đất đang dậy mùa xuân, khơi mùa tết.
Nhà tôi cạnh quốc lộ 1 lúc nào cũng nhộn nhịp những dòng xe xuôi ngược. Có một hiện tượng "lạ", là càng dần về cuối tháng chạp, ngày nào cũng có hàng chục xe khách từ Quảng Ngãi "vèo" vô Sài Gòn với những hàng ghế… trống. Tài xế cho biết cuối năm ai cũng ở nhà lo tết chứ vô thành phố làm gì (tất nhiên là trừ những trường hợp chẳng đặng đừng như đi chữa bệnh hoặc công việc cấp bách).
Dù chuyến nào cũng "solo" nhưng xe vẫn phải lăn bánh để đưa khách về quê ăn tết. Bác tài ví von, mỗi chiếc xe vô Sài Gòn là một… cái chùa Bà Đanh. Hầm xe trống trơn tưởng có thể… đá banh được. Vắng lặng tới mức ê kíp tài xế - phụ xe thấy nhớ lắm cái không khí nhộn nhịp, tất bật, khẩn trương trên những chuyến xe thường ngày.
Lái xe than buồn, lơ xe rỗi việc. Quãng đường gần 800 cây số không một tiếng càu nhàu, thứ âm thanh mà những chuyến xe ngày thường lúc nào cũng nghe thấy: Tới trạm dừng chưa bác tài ơi, "bí nước" quá rồi. Ghé đỡ trạm xăng nào đó đi. Bỏ hàng nhẹ thôi mấy cha. Bể là đền á nghen…
Không có người đưa, chỉ có kẻ đón
Sáng sớm những ngày cuối năm dễ thấy những "phân khúc" đoàn tụ đầy ắp tình cảm diễn ra tại "bến xe" tự phát trước nhà tôi (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi). Bên đường cái quan không có người đưa, chỉ có kẻ đón. Họ nhấp nha nhấp nhổm nghe và gọi điện búa xua. "Vợ chồng nó qua Bình Định rồi, còn trăm cây số nữa". "Con trai mình tới Tam Quan rồi bà ơi"…
Bà con đứng ngồi lố nhố, bàn tán xôn xao, gương mặt ai nấy đầy cảm xúc, cứ như đón… anh hùng không bằng. Mà "anh hùng" thiệt chớ giỡn sao? Làm công nhân đầu tắt mặt tối, lương ba cọc ba đồng, ăn uống kham khổ. Hầu hết phải tính toán chi ly: Ăn gì uống gì rẻ nhất. Yếu tố "bổ" quên đi. Để riêng khoản chi phí phòng trọ, điện, nước… Chắt chiu chút tiền còn lại gởi về quê phụ lo giỗ chạp, phụng dưỡng cha già mẹ yếu, con cái học hành… Nhiêu đó cũng đủ "anh hùng" rồi chứ đâu nhất thiết phải sa trường gươm giáo.
Một ông đi đón cháu ngoại cười móm mém kể: Thằng cháu nội tui về hôm qua. Thấy chậu quất chưng tết trái sum suê liền "ra tay" lặt gần hết. Có mấy người xuýt xoa, chà, phá dữ. Có người đoán, kiểu này chắc thằng nhỏ ê mông. Nhưng không! Ông nói sau mấy năm "cô vít" tết này nó mới về, thấy trái đẹp thì hái. Thôi kệ. Với lại lấy "tiểu hao sanh đại lợi" bà con à. Đại lợi là cái sự sum họp gia đình đó.
Rồi ông cười hiền, cháu nội đích tôn "hái lộc" thay ông nội thì mắc mớ gì la mắng nó. Chút nữa cháu ngoại về. Tui sẽ mua thêm 2 chậu quất nữa, mà loại xâu xấu thôi. Rồi… có ra sao thì ra.
Bao chuyến xe ngừng, bấy nhiêu tiếng reo, tiếng cười, tiếng gọi nhau. Những cái ôm, níu, giữ gợi lên vô vàn những ràng rịt yêu thương. Có bà cụ run run vuốt đầu đứa cháu gái: "Qua tết tao nói thằng cha mày không cho mày đi nữa. Ở lại tao nuôi".
Tôi rưng rưng khi thấy những giọt nước mắt rớt trên vai người về. Lại buồn cho những người tết này trong phòng trọ ngồi ngóng quê xa. Rồi sợi dây "viễn xứ" làm tôi nhớ tới người bạn dân Quảng Ngãi Trần Nhã Thụy. Anh là nhà văn có "thâm niên" xa những cái tết quê, làm những câu lục bát "làng" hay dễ sợ. Như câu này: "Bạn bè dăm đứa bôn ba/ Cuối năm ngồi rót quê nhà vào ly".
Những ngày tháng chạp, ngắm những chuyến xe "chở tết" về làng mà thấy vô cùng yêu tết. Tết vun bồi yêu thương. Tết san sẻ những an hòa. Tết giữ lửa cho vô vàn mái ấm, nơi mà những đứa con dù thành công hay thất bại vẫn khát mong một ngày về.
Bình luận (0)