Vừa vui chơi, vừa có thu nhập thì quá tốt
Đó là chia sẻ của anh Tiến Huy (30 tuổi, ở Hà Nội). 5 năm trước, khi có đứa con đầu lòng tên Gấu, vợ chồng anh Huy bắt đầu chia sẻ những hình ảnh, video của con lên mạng xã hội (MXH) với mục đích lưu giữ kỷ niệm. Khi con lên 1 tuổi, anh Huy lập kênh riêng mang tên "Gấu Family".
Trong hàng chục video đăng tải, bỗng một ngày có video con trai anh đang cố gắng uống thuốc kháng sinh được lên xu hướng.
Gia đình anh bắt đầu nhận được sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng từ đó. Đến nay, kênh của bé Gấu đã được gần 150.000 lượt theo dõi trên Facebook và hơn 5 triệu lượt thích trên TikTok.
Thấy con có khiếu diễn xuất nên thỉnh thoảng, vợ chồng anh Huy sáng tạo các tình huống vui nhộn đăng lên kênh. Nhờ có sức ảnh hưởng, nhiều nhãn hàng liên hệ gia đình để quảng cáo sản phẩm có trả phí.
Anh Huy chia sẻ, gia đình quyết định vẫn làm nội dung đơn thuần, không bất chấp chạy theo làm quảng cáo. Gia đình chỉ nhận lời quảng cáo cho nhãn hàng nổi tiếng hoặc đã sử dụng qua sản phẩm và thấy hiệu quả.
"Vợ chồng tôi đều có công việc riêng nên kiếm tiền từ kênh MXH chỉ là 1 cách để con tập làm quen với việc lao động, kiểm soát tiền bạc…", anh Huy nói. Mỗi lần làm video quảng cáo, anh Huy đều nói rõ cho con hiểu. Nên mỗi lần nhận thù lao, con trai anh thường đòi bỏ ống heo để sau này mua xe đạp.
Anh Huy thừa nhận, với những video quảng cáo, việc suy nghĩ, sáng tạo nội dung cần sự đầu tư hơn quay sinh hoạt ngày thường. Tuy nhiên, vì luôn lấy chất liệu từ cuộc sống hằng ngày, nên gia đình cảm thấy không tốn thời gian và làm ảnh hưởng đến con.
Chị Nguyễn Thị Diểm (30 tuổi) chủ nhân kênh "Gia đình Coca" với hơn 150.000 lượt theo dõi cho hay, những clip chị quay đều là khoảnh khắc tự nhiên của con. Hằng ngày, bé Coca vẫn đến trường mẫu giáo, nếu có thời gian rảnh chị mới quay video, không có khung giờ cố định. Hiện tại, bé cũng thường xuất hiện trên những livestream bán hàng đồ ăn vặt của mẹ để kiếm thêm thu nhập.
Dù con được mọi người đón nhận qua những clip nhưng không tránh khỏi tình trạng "có người thích, có người không thích". Chị Diểm thừa nhận, bản thân chưa biết sẽ cùng con đối mặt ra sao với điều này. Chị chỉ biết động viên con, giải thích theo hướng tích cực. Do tiếp xúc với MXH nhiều nên dù mới 5 tuổi nhưng khi nghe ai nói chuyện "phốt người này, người kia", Coca đều hiểu từ "phốt" có nghĩa là gì.
"Tôi không rành về công nghệ, truyền thông nên không biết sự nổi tiếng có ảnh hưởng gì tới con không. Mạng xã hội vô vàn những ý kiến, những người không thích có để lại bình luận tiêu cực. Tôi đọc những bình luận đó sẽ không để tâm nhưng sợ đến khi con biết đọc, biết chữ, lên mạng đọc lại sẽ buồn và tổn thương", chị lo lắng nói.
Khi trẻ nổi tiếng, ba mẹ làm gì?
Song song với những lựa chọn xem kênh MXH là nơi kiếm thêm thu nhập thông qua việc đăng tải hình ảnh của con thì không ít người lại nói không với quảng cáo.
Anh Vũ Hữu Hùng (37 tuổi, ở Hà Nội) là một trong số đó. Biết con gái Thiên Anh (10 tuổi) có năng khiếu nhảy múa, trong khi gia đình không có điều kiện, thời gian cho con học nhảy bài bản. Anh Hùng xem MXH là nơi để con thỏa sức thể hiện năng khiếu, trau dồi kỹ năng.
"Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em cũng sở hữu điện thoại riêng. Thay vì ngăn cấm, không biết con xem gì, chơi gì trên mạng xã hội, tôi quyết định đồng hành cùng con", anh Hùng nói.
Mỗi chiều đi làm về, anh cùng con gái học những điệu nhảy mới, quay video và đăng tải lên kênh của mình. Năng khiếu của cô bé Thiên Anh được cộng đồng mạng chào đón. Có nhạc sĩ gửi lời cám ơn tới cô bé. Nhờ em sáng tạo điệu nhảy trên nền bài nhạc mà giúp cho tác phẩm của tác giả trở nên nổi tiếng. Cũng có những vũ công đã học vũ đạo do bé Thiên An sáng tạo, điều này khiến gia đình vô cùng tự hào.
"Có những lớp dạy nhảy liên hệ tài trợ khóa học cho con nhưng tôi từ chối vì nghĩ con cần nhiều thời gian để vui chơi. Thời gian con được tiếp xúc với thầy cô bạn bè, gắn kết thành viên trong gia đình là điều quan trọng nhất lúc này. Đặc biệt, tôi không muốn kiếm bất cứ chi phí nào từ hình ảnh và kênh của con gái", anh Hùng chia sẻ.
Đồng hành cùng con không đồng nghĩa với việc anh để con đọc những bình luận trên kênh của mình. Anh Hùng đặt giới hạn thời gian tham gia MXH của con mỗi ngày. Mỗi lần lướt tìm các bài nhạc hay điệu nhảy mới, đều phải có bố ngồi bên cạnh. Anh dạy con phải bảo vệ bản thân trên không gian mạng, không kết bạn, trả lời hay trò chuyện với ai qua MXH. Chưa kể, anh Hùng luôn luôn xuất hiện cùng con trong những video để con cảm thấy an toàn, yên tâm khi có ba bên cạnh.
Tương tự, kênh Youtube "Bố con Sâu" với hơn 150.000 người đăng ký, được anh Lê Xuân Đức (36 tuổi, ở Hà Nội), đăng tải khoảnh khắc cùng con trai là bé Sâu (tên thật là Lê Đức Quang, 9 tuổi) học tập, hát hò vô cùng dí dỏm.
Anh Đức cho rằng, việc đăng hình ảnh, clip con lên MXH có thể sẽ viral (nổi tiếng) theo hướng tích cực và ngược lại. Điều quan trọng, cha mẹ phải xác định rõ ngay từ đầu phương pháp giáo dục con. Dù nổi tiếng theo cách nào cũng phải kiểm soát được cách ứng xử, hiểu tính cách của con. Cha mẹ phải uốn nắn con không đi theo chiều hướng xấu.
"Tôi thấy có nhiều phụ huynh làm những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, không có tính giáo dục với các con. Tôi không ủng hộ cách làm nội dung như vậy. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tư duy của con sau này", anh nói.
Anh cũng cho hay, việc con nổi tiếng trên mạng xã hội và được nhiều người nhận ra khi gặp ở ngoài là điều bình thường. Việc giáo dục con là một hành trình dài, qua cách ứng xử, học hành, va chạm hằng ngày…
"Phụ huynh cần phải cân đối thời gian để con làm những việc con thích, không ép buộc con xuất hiện trên mạng xã hội quá nhiều", anh Đức nói.
Bình luận (0)