Tại phòng sales công ty du lịch D., Hòa luôn là tâm điểm vây quanh của đồng nghiệp, nhất là cánh mày râu, chính vì cô sở hữu rất nhiều món hàng độc đáo như máy chụp hình digital, điện thoại di động kiểu dáng lạ mắt hay chiếc laptop hàng độc. Dăm bữa nửa tháng, Hòa lại xách vào công ty, hào hứng khoe ra một món đồ chơi mới khiến bà con lóa mắt khâm phục, xôn xao bàn tán cả ngày. Mới đây, Hòa khoe một chiếc đồng hồ Seahope không kim, thiết kế vỏ ngoài cực lạ mà cô bảo đảm ở thành phố đây là chiếc đầu tiên.
Trong chuyến du xuân cùng công ty mới đây, Liên sử dụng chiếc camera siêu mỏng Z1000 đời mới nhất nằm gọn trong lòng tay, có độ phân giải đến 10 chấm. Màn hình cực rộng, ảnh chụp cực nét, xử lý ảnh nhiều kiểu đa dạng cộng với kiểu dáng thanh mảnh và màu xanh biếc của vỏ máy chính là những điểm khiến Liên "chấm" nó ngay khi vừa được anh bạn chuyên bán hàng xách tay giới thiệu. Chẳng ngại ngần, cô dùng hết khoản tiền thưởng tết hơn 6 triệu đồng để tậu chiếc máy chụp hình xinh đẹp. Cô cho biết: "Máy ảnh digital thời buổi này ai cũng có. Hơn nhau giờ đây chính là chất lượng ảnh và kiểu dáng mà thôi". Là dân thiết kế hình ảnh quảng cáo, Liên đã có hai máy ảnh chuyên dụng để làm việc. Nhưng sưu tập máy chụp hình siêu mỏng và số chấm càng cao để chụp hình kỷ niệm và để... ngắm mới là thú vui của cô.
Nếu các chàng trai công sở mê đồ hi-tech thường hướng vào laptop hay điện thoại di động thì các cô nàng sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho USB, Ipod, Iriver hay đồng hồ. Đơn giản là những món đồ này nhỏ xinh, nhiều công năng hiện đại, đồng thời cũng là món trang sức dễ dàng thay đổi theo thời trang. Một nhân viên bình thường, chỉ cần trang bị một ổ nhớ USB là đủ, nhưng với Thúy - biên tập viên ở một hãng phim - càng sở hữu nhiều USB càng... thấy ít. Mỗi khi bạn bè đồng nghiệp có dịp ra nước ngoài, Thúy đều nhờ mua giùm một cái USB, kiểu dáng thật quái, từ chú gấu Pooh, miếng sushi cho đến cái quần jeans... bổ sung cho bộ sưu tập. Có lần, Thúy làm bà sếp suýt ngất xỉu khi nộp tài liệu để trong một... ngón tay cái rướm máu, vốn là "ngoại hình" của chiếc USB mà cô nhờ bạn mua ở Nhật với giá 120 USD.
Chơi đồ kỹ thuật cao, số tiền bỏ ra tất nhiên không thể thấp. Cô phóng viên tập sự Thanh Uyên vẫn làm cho nhiều người ở một quán cà phê wifi tò mò khi giờ nghỉ trưa, thay vì nhắm mắt nghe nhạc từ Ipod hay dán mắt vào laptop, cô thảnh thơi xem phim, chơi game, nghe radio hoặc nghe lại ghi âm phỏng vấn trên chiếc Iriver U10 màu trắng, diện tích cỡ hai bao diêm. Mới đây, cô đã bán chiếc cũ, đổi lấy cái E10 công năng như một ổ cứng, có thể sử dụng như một chiếc remote cho bất kỳ TV nào. Để theo đuổi thú chơi Iriver, Uyên tốn chừng 3,5 triệu đồng. Lâu lâu mua sắm thêm hàng phụ trợ như giá đỡ, tai nghe, vỏ bọc cũng tốn thêm vài trăm ngàn nữa. Uyên thản nhiên: "Đã gọi là chơi thì không tính toán tiền bạc. Thậm chí, ai cũng biết là hàng hi-tech dễ hư, sớm mất giá, nhưng nếu hàng mới ra, mình không có không chịu được!". Còn Hòa thì lý giải cho "đam mê" của mình: "Sắm sửa túi xách, mắt kiếng, quần áo hàng hiệu còn tốn kém hơn. Chơi đồ hi-tech, vừa giúp ích cho công việc, vừa thấy mình văn minh hơn nhiều!".
Các cô gái chơi hi-tech đúng điệu thường có mối liên hệ mật thiết với những người bạn hay đi nước ngoài để gửi gắm tiền bạc nhờ mua hàng đúng ý. Anh Quang, nhân viên kinh doanh một công ty gỗ thường đi Nhật và Hàn Quốc, giờ đây có thêm nghề mới là buôn hàng xách tay. Khách hàng của anh mở rộng nhanh chóng, với những yêu cầu phức tạp hơn, không chỉ mua mà còn nhờ mang đồ chơi qua chính hãng sửa chữa, bảo hành. Anh nhận xét: "Các cô chơi đồ hi-tech thường chú ý hình thức mới lạ hơn là cách sử dụng và các công năng của chúng. Vì thế, các món đồ dễ bị hỏng hóc và nhu cầu thay đổi rất cao. Dù sao, nhờ sở thích hiện đại của các cô, tôi cũng có thêm một công việc nhẹ nhàng mà kiếm ra tiền kha khá!".
Nguyên Phan
Bình luận (0)