“Khi đã được trở thành con gái như mình muốn, có thể sẽ khó tìm được bạn trai bình thường vì hầu như họ không muốn bạn gái của mình là người chuyển giới", L.L, một cô gái chuyển giới tâm sự.
T.A và L.L chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: Nam Sơn |
Tại hội thảo "MSM, người chuyển giới họ là ai?", do Cục phòng chống HIV/AIDS tổ chức sáng nay 25.3, các đại biểu đã nhận được sự trao đổi khá thẳng thắn từ những cô gái mang “vỏ” nam giới.
“Em sinh ra trong gia đình nghèo, ở quê. Ngày nhỏ, em đã rất thích mặc bộ váy của bé gái. Lớn hơn em chỉ thấy mình thích bạn trai, chỉ cảm thấy nhu cầu yêu đương với bạn trai”, L.L, cô gái với mái tóc dài, thân hình thon thả trong chiếc váy trắng mềm mại đã mở đầu câu chuyện như vậy.
Hiện đang là sinh viên năm 3 một trường đại học, L.L cho biết đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ cái “vỏ” nam giới bên ngoài. “Sau khi cắt bỏ bộ phận nam giới, các bác sĩ mở một lỗ để tạo hình cơ quan sinh dục nữ, tạo khoang trống. Sau phẫu thuật, hằng ngày sẽ phải dùng một dụng cụ để nong, đảm bảo rằng cái khoang đó sẽ không bị dính lại. Mỗi lần nong đau trào nước mắt, bởi vết mổ chưa liền sẹo”, L.L, kể.
“Khi đã được trở thành con gái như mình muốn, có thể sẽ khó tìm được bạn trai bình thường, vì hầu như họ không muốn bạn gái của mình là người chuyển giới. Nhưng cũng may, bạn trai của em chấp nhận điều đó”, cô chân thành chia sẻ. Với mái tóc dài, đôi bàn tay búp măng, cô tỏ ra khá bằng lòng với hiện tại.
Khao khát được sống với con người thật
Có mặt tại hội thảo, T.A thu hút sự chú ý bởi vẻ nữ tính với gương vặt thanh thoát, cặp chân thon dài, trắng ngần nổi bật trong đôi giầy đen. Cô kể: "Em vẫn chưa phẫu thuật phần "nam giới” của mình. Những người chuyển giới như chúng em để teo cơ bắp, có làn da mềm, thường tự tìm đến những người trong giới của mình để được hướng dẫn mua và tiêm thuốc hormon thay thế. Tự tiêm thuốc vào mông, rất đau. Thuốc cũng không rõ nguồn gốc từ đâu, em chỉ biết mua nhờ sự mách của các chị cũng chuyển giới như mình. Có lần, tiêm đến mũi thứ ba em bỗng mất hết cả trí nhớ, nên phải tạm dừng. Biết ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng em không biết đến đâu để được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn”, T.A nói.
T.A cũng cho biết, trong trường hợp phải đến nơi công cộng như: đi khám bệnh, đi qua hải quan ở sân bay, cô phải mang trang phục nam, tóc ngắn, không trang điểm để vẫn phù hợp với giới tính nam trong giấy tờ của mình.
“Chúng em biết mình thuộc số ít, thường gặp sự kỳ thị nhưng vẫn luôn khao khát được sống với con người thật của mình là trở thành cô gái, dù ban đầu cha mẹ sinh ra là chúng em mang “vỏ” con trai”, T.A tâm sự.
Ông Hoàng Thanh Hải, cán bộ truyền thông của PEPFA (chương trình cứu trợ bệnh AIDS của Hoa Kỳ) cho biết, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang trong quá trình dự thảo để ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho những người sau khi phẫu thuật xác định lại giới tính, sẽ thuận lợi hơn cho họ trong cuộc sống, tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khỏe.
Bình luận (0)