Những cô nàng gia sư "ét-vê"

14/03/2006 22:09 GMT+7

Nghề làm thêm của “ét-vê” - tên gọi vui dành cho sinh viên có thể nói là "muôn hình vạn trạng". Trong đó, gia sư lâu nay luôn được coi là một trong những công việc tương đối gần gũi nhất với tri thức của các bạn; đàng hoàng, lương thiện và an toàn - nhất là đối với nữ sinh viên.

"Duyên" với nghề

Thời gian biểu của Chi - cô sinh viên năm I, khoa Hóa, Trường đại học (ĐH) Sư phạm TP.HCM luôn dày kín lịch học, lịch dạy thêm và cả lịch... "bạn bè". Nhờ có nghề gia sư mà mỗi tháng Chi thu nhập được hơn một triệu đồng. Điều thú vị là Chi không phải sinh viên ở tỉnh xa, đi dạy kèm để đỡ đần cho gia đình phần nào chi phí học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Ngay từ khi chưa vào đại học, Chi đã bắt đầu đi dạy cho đám trẻ con ở trong khu phố. Một điều thuận lợi hơn những sinh viên khác là cho đến nay, Chi chưa bao giờ phải tìm kiếm "học trò" thông qua một dịch vụ hoặc trung tâm giới thiệu nào. Vốn là cô học trò chăm chỉ, giỏi có tiếng suốt thời phổ thông nên việc hàng xóm gửi gắm con em cho Chi chỉ bảo học tập là chuyện bình thường. Bạn vui vẻ cho biết: "Mình dạy học đã được hơn 1 năm. Vì mình là dân khối A nên chỉ đảm đương các môn Toán - Lý - Hóa mà thôi, và ngày nào mình cũng có lịch dạy. Ban đầu hơi vất vả vì chưa biết cách cân bằng lịch học hành, làm việc và cả giải trí - nghỉ ngơi, nhưng giờ thì mình đã quen và cảm thấy thích thú. Nhờ dạy kèm, mình củng cố lại được nhiều kiến thức, rất có ích...". Được biết, cô nàng này có đến... 16 học trò, từ lớp 6 đến lớp 12. Ngoài thời gian dạy học tại nhà, Chi còn kiêm thêm một lớp vào mỗi tối chủ nhật hằng tuần, với hai học trò lớp 9 nhà ở đường Nguyễn Văn Đậu, TP.HCM. Khá vất vả với từng ấy chuyện học tập, làm thêm nhưng Chi chưa hề "than van" gì, tất cả số tiền thu nhập được Chi đều gửi cho mẹ giữ.

Cũng như Chi, Thùy Dương - sinh viên khoa Du lịch bắt đầu nghề gia sư từ năm đầu tiên đại học, với môn tiếng Anh. Lịch học ở trường nhiều khi thay đổi đột xuất nên Dương phải khéo léo sắp xếp để đảm bảo đúng giờ giấc dạy kèm. Thời đại công nghệ hi-tech, sinh viên đi làm không còn là chuyện lạ, cô nàng cũng tranh thủ sắm sửa cho mình những "trang sức" cần thiết cho công việc: điện thoại di động và xe máy đi lại. Dương từ quê về thành phố học đại học, nhưng cô cũng không phải thông qua "mai mối" nào để có công việc hiện nay. Dương kể, tình cờ một lần vào internet để chat, chẳng hiểu sao cô lại hỏi một "bạn chat" câu hỏi: "Có cần gia sư tiếng Anh không?". Dương cười tươi, không ngờ mình lại "có duyên" đến thế: "Mình chỉ tiện miệng hỏi chơi, không ngờ đó là một cậu bé học lớp 8, đúng lúc đang cần một người kèm tiếng Anh. Hai chị em nói chuyện rất hợp, sau đó thì mình có công việc. Tuy lúc đầu mình chỉ thu nhập được khoảng 400.000đồng/tháng nhưng cũng trang trải được phần nào sinh hoạt hằng ngày. Bây giờ nhờ quen biết và mạnh dạn tiếp xúc, mình đã tìm được thêm vài mối dạy kèm mới...". Dương tiết lộ, thu nhập của bạn hiện nay được khoảng hơn một triệu, đời sống sinh viên được cải thiện đáng kể.

Cô - trò cũng như bạn bè!

Hầu hết học trò của mấy cô nàng này đều là "siêu quậy". Nếu nữ gia sư nào muốn tìm hiểu cách "khống chế" học trò của các nàng thì có thể tìm đến Kim Phụng, sinh viên ĐH Kinh tế. Sau giờ học trên giảng đường và học ngoại ngữ, thời gian còn lại Phụng đều dành hết cho các tua dạy kèm mỗi ngày, trừ thứ bảy và chủ nhật. Học trò của Phụng: một đứa lớp 4 và một đứa lớp 8. Tuy chỉ có 2 gương mặt mỗi buổi học nhưng mỗi khi "cô giáo" đi đâu vắng 5 phút là chúng quay sang "tám"... trời ơi! Phụng chia sẻ kinh nghiệm: "Mình đừng coi chúng là con nít, vì mình mà nói sai một từ thôi cũng bị chỉnh sửa cho thẳng... lưng luôn! Để cho học trò mau tiến bộ, phải hiểu tâm lý của chúng, tôn trọng và đối xử bình đẳng như những người bạn với nhau. Mình chia giờ học và nghỉ ngơi hợp lý để đôi bên đều cảm thấy thoải mái mỗi khi buổi học bắt đầu". Khá bất ngờ, những món quà sinh nhật bạn, quà ngày 8/3 mà "cô giáo" dành cho mẹ... đều được "học trò" tư vấn kỹ càng (!). Và khi "học trò" nào có chuyện tình cảm dạng "rắc rối tuổi mới lớn" thì rất ngoan ngoãn lắng nghe "cô giáo" Phụng phân tích, cho lời khuyên. "Nhưng tụi này ghê lắm, cũng biết "gài bẫy" mình, có khi hổng chịu học mà nói tào lao cả buổi luôn", Phụng phì cười.

Thú vị nhất là Dương. Có lần không hiểu sao, học trò nhờ cô đóng giả vai trò của cu cậu để... chat với một bạn gái quen (!), câu chuyện giao tiếp bằng tiếng Anh. Sau một hồi gay cấn về ngôn từ thì "cô giáo" Dương nhận được lời phán của cô nàng kia: "Bạn không cần học thêm ngoại ngữ căn bản như hiện nay nữa đâu. Đi đăng ký học lên trình độ cao là được rồi!". Dương cười: "Không biết có phải học trò muốn "kiểm tra trình độ" của mình không, chỉ thấy sau lần đó cu cậu tỏ ra nghe lời mình hẳn và chăm học lắm...".

Và những tấm lòng của tuổi trẻ...

Dạy kèm cho các em ở mái ấm tình thương là niềm vui của nhiều gia sư - sinh viên

Năng động, nhiệt tình trong mọi công tác, phong trào của trường, lớp; ngoài thời gian dạy thêm cho 3 "siêu quậy" lớp 9, thì cứ đều đặn 2 ngày 1 tuần, Vân - sinh viên năm I - thường xuyên "phi nước đại" đến mái ấm Ánh Sáng để kèm cặp cho những trẻ em ở nơi đây. Vân tâm sự: "Không chỉ riêng mình mà có rất nhiều bạn, nhiều anh chị trong trường thường dành ra khoảng thời gian nhất định, thay phiên nhau đến hỗ trợ thêm kiến thức cho các em nơi đây. Cũng có nhiều nơi cần gia sư có trình độ như bọn mình, nhưng ở đây các em cần bọn mình hơn. Mình chỉ mong muốn góp một chút công sức để giúp các em củng cố những kiến thức cơ bản nhất".

Còn Chi, cũng là một sinh viên trẻ măng luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho những "học trò" có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, Chi đang dạy kèm miễn phí cho hai nữ sinh lớp 11 với 3 môn Toán, Lý, Hóa. Chi bẽn lẽn nói: "Đó là nhờ có mẹ mình chỉ bảo. Mẹ cũng là giáo viên, mẹ thường tìm kiếm nhiều đứa trẻ cùng tuổi mình để dạy, kèm cặp, và cho mình có bạn để học tập. Cho nên bây giờ mình cũng muốn được làm như mẹ, giúp đỡ các em ấy...". Tâm sự đơn sơ nhưng là cả một tấm lòng của nữ sinh viên - nữ trí thức trẻ thời nay...

Châu Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.