Những cỗ quan tài bay

20/10/2014 09:00 GMT+7

Những tên tuổi hàng đầu trong ngành vũ khí thế giới cũng từng sản xuất các loại chiến đấu cơ bị đánh giá là hoạt động tồi tệ nhất lịch sử.

 Những cỗ quan tài bay
Hơn 5.000 chiếc MiG-23 đã ra đời trong giai đoạn 1967 - 1985 và được xuất sang nhiều nước - Ảnh: Military-today.com

Chuyên san The National Interest số mới nhất vừa đăng bài viết của chuyên gia Robert Farley thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) thống kê các loại chiến đấu cơ “gây nguy hiểm cho phi công hơn là cho đối phương”. Đáng chú ý, đây đều là sản phẩm của Anh, Mỹ và Liên Xô, nhiều chiếc trong số này vẫn còn hoạt động đến ngày nay.

“Không ai muốn có”

Đứng đầu danh sách của chuyên gia Farley là chiếc Royal B.E.2, do Anh sản xuất từ năm 1912. Chiến đấu cơ này sở hữu những đặc tính “không ai muốn có” như tầm nhìn kém, khó kiểm soát, vận tốc thấp (tối đa 116 km/giờ), khả năng mang vũ khí kém cỏi (chỉ chở được một khẩu súng máy Lewis và 100 kg bom).

Thậm chí sau khi được cải tiến, B.E.2 lại có nguy cơ gặp sự cố cao hơn do nặng hơn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các phi đội B.E.2 tan nát trước không lực của phe Liên minh trong Thế chiến 1. Dù vậy, vẫn có khoảng 3.500 chiếc được xuất xưởng và mãi đến năm 1919 mới bị cho về hưu.

Sau Anh, Mỹ là nước “đóng góp” nhiều chiến đấu cơ vào danh sách tệ nhất mọi thời đại. Trong số này, có máy bay Brewster Buffalo hoạt động trên tàu sân bay được sản xuất từ năm 1937 và bán cho một số nước. Chính phi công Mỹ gọi đây là “cỗ quan tài bay” vì nó quá nặng và không thể sánh với những máy bay cùng thời khác.

Chuyên gia Farley chỉ ra rằng dù Brewster Buffalo góp phần giúp không quân Phần Lan chặn đà tấn công từ Liên Xô trong Chiến tranh mùa đông (1939 - 1940) nhưng những chiếc cùng loại được không quân Hà Lan và Khối Thịnh vượng chung sử dụng ở Đông Nam Á trong Thế chiến 2 lại bị chiến đấu cơ Nhật “thảm sát”. Bản thân lực lượng Mỹ cũng “ăn đủ” với Brewster trong trận Midway (4 - 7.6.1942) khi máy bay này hoàn toàn lép vế trước không lực Nhật. Chỉ nhờ chiến thuật vượt trội và sự xuất hiện kịp thời của dàn máy bay ném bom SBD Dauntless, Mỹ mới có thể giành chiến thắng cuối cùng.   

 

Royal B.E.2, do Anh sản xuất từ năm 1912 - Ảnh: Zip

 

Sự cố có một không hai

Ngày 4.7.1989, một chiếc MiG-23 của Liên Xô đã gây ra sự cố vào loại hài hước nhất lịch sử hàng không quân sự thế giới. Trong lúc bay huấn luyện tại Ba Lan, phi công Nikolai Skuridin phát hiện động cơ trục trặc nên lập tức nhảy dù khỏi máy bay. Không ngờ chế độ lái tự động vẫn được duy trì và máy bay vẫn tiếp tục bay thêm gần 900 km, băng ngang qua không phận của Đông Đức, Tây Đức và Hà Lan trước khi lao xuống một ngôi nhà ở thành phố Kortrijk của Bỉ, khiến một thanh niên 18 tuổi thiệt mạng, theo tờ The New York Times. Khi đó, nhiều nước phương Tây hoảng hốt triển khai chiến đấu cơ sẵn sàng ứng phó “đòn đột kích táo bạo của Liên Xô”. Lực lượng Mỹ ở châu Âu huy động 2 chiếc F-15 để can thiệp và phi công đã báo về với giọng thảng thốt: “Không có người nào trong buồng lái máy bay lạ cả”.

Nhiều chiến đấu cơ thuộc dòng Century Series nổi tiếng của Mỹ cũng chứng tỏ năng lực yếu kém. Theo chuyên gia Farley, F-101, F-102, F-104 và F-105 đều gặp trục trặc về công nghệ và chiến thuật.

Trong đó, F-104 bị xem là “bẫy chết” do tỷ lệ tai nạn cực cao. Số liệu thống kê cho thấy hơn 50% trong số F-104 phục vụ trong quân đội Canada gặp nạn và tỷ lệ tương ứng đối với loại chiến đấu cơ này ở Đức là 30%. Chiếc F-105 Thunderchief Thần Sấm được cho là đỡ hơn một chút nhưng vẫn có đến 393 chiếc bị bắn hạ trong chiến tranh VN.

Nguy cơ thảm họa

Liên Xô cũng có 2 loại chiến đấu cơ bị đưa vào danh sách đen của chuyên gia Farley. Thứ nhất là Lavochkin-Gorbunov-Gudkov LaGG-3 với chuyến bay đầu tiên vào năm 1940. Được xem là máy bay chủ lực của không quân Liên Xô trong chiến tranh vệ quốc chống quân Đức năm 1941.

Tuy nhiên, không những có cấu trúc và động cơ bị đánh giá là ù lì, các máy bay này còn nhanh chóng vỡ tan thành từng mảnh khi đối đầu trực diện với máy bay Đức. Thế nhưng, trước khi bị ngừng sản xuất vào năm 1944 đã có tới 6.528 chiếc xuất xưởng.

Các dòng máy bay MiG của Liên Xô và nay là Nga đã chứng tỏ được năng lực của mình trong suốt chiều dài lịch sử. Tuy vậy, đại gia đình MiG vẫn có một “đứa con” kém cỏi là MiG-23, theo các chuyên gia hàng không quân sự.

 

Chiếc Brewster Buffalo do Mỹ sản xuất

Ban đầu, chiến đấu cơ này được xem là đối thủ xứng tầm của các máy bay F-4 và F-111 của Mỹ. Sau khi cố công thu thập được một số chiếc MiG-23 từ Ai Cập, Mỹ nhanh chóng phát hiện đây là “nguy cơ thảm họa thật sự”. Trung tướng không quân Mỹ Robert M.Bond, người đã trải qua những chiến trường khốc liệt nhất tại bán đảo Triều Tiên và VN, đã thiệt mạng khi lái thử một chiếc MiG-23 do trục trặc kỹ thuật hồi năm 1984, theo chuyên san Aviation Week.

Ngoài ra, hồ sơ tác chiến của MiG-23 ở các nước như Syria, Iraq và Libya cho thấy loại chiến đấu cơ này hoạt động không tốt. Chẳng hạn, nhiều chiếc của Syria bị Israel bắn hạ vào năm 1982 và đến năm 1989, một số máy bay cùng loại của Libya cũng bị F-14 của Mỹ tiêu diệt. Vừa qua, một số máy bay này cũng đã bị quân nổi dậy Syria và các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn rơi. Hiện nay, MiG-23 không còn được vận hành trong không quân Nga, nhưng nhiều nước như CHDCND Triều Tiên, Cuba, Syria, Libya… vẫn còn sử dụng.

Văn Khoa

>> Ukraine thỉnh cầu Anh, Mỹ bảo vệ chủ quyền
>> Anh, Mỹ dọa phe nổi dậy Syria
>> Tình báo Anh, Mỹ theo dõi quan chức EU
>> Anh, Mỹ hỗ trợ Yemen chống khủng bố  

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.