Từ đường làng đến đại lộ Main Street
...Tôi đã đến với cổng trường đại học bằng ước mơ, khát vọng và tâm hồn của một cô bé vốn thấm thía nỗi nhọc nhằn của người dân quê, trân trọng mỗi hạt gạo củ khoai ngày giáp hạt, và hiểu được giá trị của những con chữ.
|
Mỗi lần đứng trên giảng đường Trường ĐH Luật Hà Nội, nhìn xuống con đường mới Nguyễn Chí Thanh ngút ngát hàng cau, dừa cảnh và xanh rờn cỏ, tôi lại miên man nghĩ đến con đường làng quê mình, con đường mang cả tuổi thơ của tôi cùng bao đứa bạn quê, mang những ân tình của người quê hiền hậu, con đường quen từng bàn chân người làng với những nắng mưa đồng ruộng. Con đường quê tôi thật nhỏ nhưng đủ dài để nối ước mơ tôi và của nhiều đứa bạn quê ngày ấy đến với những chân trời mới. Và giờ đây, bước trên đại lộ Main Street, Worcester, Massachusset, tôi vẫn miên man nỗi nhớ con đường làng năm xưa. Mùa thu nước Mỹ, lá vàng ruộm rụng đầy các lối đi trong thành phố, các góc sân trường, bước trong tiếng lá xào xạc, tưởng như dưới chân mình là con đường làng vàng ruộm rơm phơi ngày nào.
17 năm về trước, khi rời làng ra Hà Nội học, tôi chưa bao giờ từng nghĩ có một ngày mình đi du học, có một ngày mình sẽ đến nước Mỹ. Hành trình của tôi đi du học có lẽ dài hơn rất nhiều lần khoảng cách 13.000 cây số từ Việt Nam đến Mỹ. Bạn sẽ hỏi tôi điều đó có nghĩa là gì? Vâng, hành trình của tôi dài bởi nó cộng trong đó tất cả nỗi nhọc nhằn của cha mẹ tôi, của em tôi để tôi có được những ngày bình yên trên giảng đường. Là những ngày nhịn ăn sáng vì biết rằng thêm 1.000 đồng mỗi sáng của tôi mẹ sẽ phải thức dậy ra đồng sớm hơn. Là những đêm mùa đông tôi đạp xe hàng chục cây số đi làm gia sư. Và là cả… những kìm nén thổn thức của một trái tim mới lớn chạm ngõ tình yêu mà không dám yêu vì… sợ yêu sẽ làm xao nhãng việc học. Bạn có thể sẽ không tin rằng trên chặng hành trình du học của tôi điểm xuất phát bắt đầu từ chính con đường làng. Nhưng tôi tin một điều, dù đi trên bất kỳ con đường nào, nếu bạn có ước mơ, hoài bão và quyết tâm thực hiện ước mơ đó, bạn ắt sẽ tới đích.
Thêm một lần nữa, những con đường làng lại trở thành một phần hành trình để tôi bước đến cổng trường đại học Mỹ, đó là khi tôi tốt nghiệp đại học và về công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Công việc của tôi gắn với những chuyến đi công tác xa ở nhiều địa phương, nhiều làng quê, đến với những mảnh đời, những câu chuyện của người phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ nông thôn. Hơn 10 năm công tác, tôi đã đến gần 50 tỉnh/thành trong cả nước, có những con đường làng tôi đã đi lại rất nhiều lần dù nó cách xa quê tôi đến hàng trăm cây số. Và khi bước trên những con đường ấy, tôi nhận ra làng quê Việt Nam mình nơi đâu cũng đẹp, những người phụ nữ quê nơi đâu cũng cần mẫn, chất phác, hiền lành. Nhưng có một điều mà mỗi ngày tôi càng thấm thía hơn đó là cái nghèo, cái đói vẫn đè nặng lên vai những người phụ nữ như vậy... Từ những trải nghiệm thực tế trong công việc, tôi rút ra bài học: chỉ có thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, thực hiện công bằng xã hội mới cải thiện được vai trò và địa vị của người phụ nữ, tạo sự thay đổi cơ bản trong xã hội. Nhưng thực hiện thế nào đây? Bằng chính sách, bằng tuyên truyền… cần đấy, nhưng chưa đủ. Những can thiệp từ chính sách chỉ thực sự có ý nghĩa khi người phụ nữ thực sự nhận ra quyền của mình, thực sự muốn tự đứng lên bảo vệ quyền của mình, nói tiếng nói của mình và đòi hỏi được lắng nghe. Công cuộc giải phóng phụ nữ chỉ thực sự thay đổi khi có những người phụ nữ thực sự muốn thay đổi, những người muốn hoạt động vì sự thay đổi đó. Trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để mang lại sự thay đổi?” là lý do để tôi bước tiếp con đường du học với chương trình học “International Development and Social Change” (tạm dịch là Phát triển quốc tế và thay đổi xã hội) tại ngôi trường Clark.
Tôi thực sự mong muốn từ góc nhìn mới về phát triển cộng đồng mà tôi và những người bạn Việt Nam đang học được nơi đây, chúng tôi có thể góp thêm những viên gạch mới cho mỗi sự thay đổi trên những con đường làng Việt Nam…
Huong Nguyen
(Trích bài đoạt giải đặc biệt cuộc thi Hành trình 13.000 cây số do Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng và Báo Thanh Niên tổ chức)
Con nít là nhà văn
Mới học lớp 6 (Trường THCS Lê Quý Đôn - Q.Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Bình đã có bộ tiểu thuyết giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom.
Nhà văn nhí Nguyễn Bình với tác phẩm của mình - Ảnh: Ngọc Thắng |
Ba tuổi đã biết đọc, biết viết, bốn tuổi biết mượn điện thoại của mẹ để nhắn tin mỗi khi muốn nhờ bố mua sách. Lúc này Bình đã có thể đọc những quyển như Từ điển Hán - Việt.
Bất cứ lúc nào Nguyễn Bình cũng có thể lục lọi giá sách đồ sộ trong căn hộ nhỏ ở khu tập thể Bắc Nghĩa Tân (Hà Nội), rồi ngồi thu lu một góc để nghiền ngẫm. Cậu bắt đầu mê mẩn những câu chuyện cổ tích, say mê dõi theo cuộc chiến của Harry Potter chống lại phù thủy hắc ám, hay ngạc nhiên trước những nền văn minh cổ đại từ Đông sang Tây. Bình miệt mài tìm kiếm thông tin, tạo lập một số khái niệm trên Wikipedia, mày mò học chữ Hán để có thể tự đọc một số văn bia, câu đối tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Bình còn tham gia dịch phụ đề một số tập trong phim tài liệu khoa học về người ngoài hành tinh thời cổ đại (Aliens and Lost Worlds).
Nhà lý luận và phê bình văn học Nguyễn Hòa, bố của Nguyễn Bình, “rình” lúc con không để ý liền sao y bản thảo tập 1 của Cuộc chiến với hành tinh Fantom và nhờ một số bạn trong làng văn đọc giúp. Được bạn bè ủng hộ, Nguyễn Hòa gửi bản thảo tới Nhà xuất bản Trẻ nhưng không cho biết người viết là con trai mình. Theo lời kể của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu thì: “Sau 30 phút đọc bản thảo, tôi đã đề nghị Nhà xuất bản Trẻ cho in, đồng thời đề nghị gia đình ký hợp đồng xuất bản, lúc đó tôi mới biết tác giả là con trai của Nguyễn Hòa”!
Ba tập đầu của bộ tiểu thuyết gồm 8 tập đã lần lượt phát hành từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, bản thảo các tập 4, 5, 6 đã hoàn thành. “Mọi thứ được bắt đầu từ chỗ bắt đầu”, theo suy nghĩ của Bình thì “đó có thể là Điểm Zero ở New York hoặc có thể Kilometer số 0 ở Paris”. Ở đó, nhân vật “tôi” với giọng điệu tưng tửng pha chút hóm hỉnh, tự tin khi kể về trận giao tranh bảo vệ trái đất giữa một nhóm bạn trẻ người Mỹ với các thế lực đến từ hành tinh Bóng ma, bối cảnh được xây dựng từ những cái nôi của “nền văn minh thế giới”…
Thế nhưng, đừng lầm tưởng cậu bé 10 tuổi đã viết tiểu thuyết giả tưởng giống như “ông cụ non”. Ngược lại, “tiểu thuyết gia” này khá hiếu động, mỗi ngày kiểu gì thì cậu cũng phải tót xuống sân hò hét, đạp xe, nghịch ngợm… cùng nhóm trẻ trong khu tập thể. Cũng như nhiều trẻ em khác, Bình say mê nghệ thuật xếp giấy Origami của Nhật Bản, và thường ngủ cùng những con vật bằng giấy mà cậu tự làm. Bình chia sẻ: “Khi nào em thích thì viết, có khi viết miệt mài, có khi cả tuần chả viết được chữ nào. Em viết theo những gì mình nghĩ, truyện nó tự đến trong đầu thôi ạ. Còn đọc sách thì chả bao giờ em biết chán”.
Bích Thanh
Chạy xe không còi
|
Như tên gọi của mình, mạng lưới Be Change Agents (Những tác nhân thay đổi) luôn tìm tòi, sáng tạo, bắt tay hành động trước những vấn đề nóng của xã hội cũng như của giới trẻ hiện nay.
Từ TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác, hàng ngàn bạn trẻ tập hợp hơn 150.000 vé xe buýt đã qua sử dụng, háo hức tìm đến với ngày hội Chuyển động xanh 2012 - Hành động vì một tương lai xanh (thuộc dự án “Nào ta cùng buýt”). Trong ngày hội, các bạn đã chung tay kết nên một tấm bản đồ Việt Nam thật lớn bằng những tấm vé xe buýt.
Trong khi “Chuyển động xanh” vẫn còn để lại những dư âm tích cực trong giới trẻ, mạng lưới này tiếp tục thực hiện dự án “Đêm tĩnh lặng - Silent Night”. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch không còi, nhằm hướng đến những hành vi có văn hóa trong giao thông, đặc biệt là văn hóa sử dụng còi xe hợp lý.
Nguyễn Thành Hưng, đại diện khu vực miền Nam của mạng lưới, chủ nhiệm dự án “Nào ta cùng buýt”, chia sẻ: “Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về những vấn đề như văn hóa giao thông, bảo vệ môi trường. Trong đó, những tình nguyện viên tham gia đóng vai trò như những người thắp lửa”.
Có thể cảm nhận sức cuốn hút của những chương trình trên trong cộng đồng trẻ. Chẳng hạn, ngay sau khi Chuyển động xanh 2012 vừa khép lại, rất nhiều bạn trẻ đã để dành vé xe buýt để chuẩn bị tham gia ngày hội trong năm 2013.
|
19 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong mạng lưới, Nguyễn Yên Phúc bộc bạch: “Trước đây, mình không bao giờ quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh. Mình cũng chưa bao giờ đi xe buýt để tiết kiệm và góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tình cờ biết thông tin về mạng lưới, mình đã đăng ký tham gia”. Yên Phúc nhắn nhủ: “Khi còn trẻ, chúng ta không nên bỏ qua những cơ hội để khám phá, mở rộng vốn sống của mình”.
Theo nhiều thành viên trong nhóm, điều quan trọng nhất sau mỗi hoạt động là tự bản thân từng người phải chiêm nghiệm, rút ra bài học cho mình. Hoàng Khôi nhớ lại: Trong “Đêm tĩnh lặng”, trên đường chạy xe máy đến địa điểm sắp diễn ra sự kiện này, Khôi đã tự giám sát số lần bấm còi của chính mình. “Tổng cộng mình bấm còi 3 lần, như vậy vẫn còn nhiều. Mình nghĩ, cần có thêm nhiều “Đêm tĩnh lặng” để tiếp tục tác động những người tham gia”, Hoàng Khôi bày tỏ.
Nguyễn Đăng Khoa, thành viên Ban truyền thông của mạng lưới, bộc bạch: “Mỗi thành viên trước hết hãy thay đổi chính mình. Từ đó mới tạo sự lan tỏa, khiến những người tham dự cũng như những người xung quanh mình tiếp tục trở thành tác nhân thay đổi tích cực”.
Không chỉ vậy, mạng lưới đã tổ chức những buổi tọa đàm mời gọi cả những cơ quan chức năng vào cuộc, để họ cùng suy nghĩ, cam kết phục vụ cộng đồng tốt hơn. Nhiều thành viên còn tận dụng những trang web và mạng xã hội làm công cụ phản ánh - phản hồi những trường hợp cụ thể. “Đi đầu có thể mệt nhọc, không ai biết đến, đầy rủi ro và khó khăn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành người đi đầu”, đó là câu động viên nhau của những thành viên trong mạng lưới.
Như Lịch
Vận động chủ nhà hàng
Nhóm tình nguyện viên môi trường của Phong trào 350.org Việt Nam đang thực hiện dự án Vote for nature (Thiên nhiên tôi chọn) nhằm kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ động vật hoang dã.
|
Nói về ý tưởng để thực hiện dự án này, chị Hoàng Thị Minh Hồng, điều phối quốc gia của Phong trào 350.org Việt Nam, chia sẻ: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn, bảo vệ từ phía cơ quan chức năng nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ở mức báo động. Sự tuyệt chủng của loài tê giác Java tại Việt Nam là lời cảnh báo về tương lai tuyệt chủng của nhiều loài động vật quý hiếm khác. Dự án ra đời với mục đích làm thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người nhằm giảm thiểu tình trạng tàn sát các loài động vật hoang dã tại Việt Nam”.
Dự án được khởi động từ giữa tháng 9.2012, với gần 1.500 tình nguyện viên tham gia hoạt động tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang. Thành viên của nhóm hầu hết là sinh viên, vì vậy tranh thủ vào những ngày nghỉ cuối tuần, các bạn thường tập trung thành từng nhóm đạp xe trên các tuyến đường, mang theo khẩu hiệu nhằm vận động mọi người hưởng ứng chiến dịch. Sau đó, các thành viên đến từng nhà hàng, quán ăn để vận động những ông chủ, bà chủ nhà hàng ký vào bản cam kết không buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã có tên trong danh mục cấm kinh doanh vận chuyển.
Ông Lê Quốc Khôi - chủ nhà hàng Fine Cuisine by Kevin (Q.1, TP.HCM), một trong số những chủ nhà hàng đã ký cam kết, tâm tình: “Mặc dù đã nghe nhiều về tệ nạn săn bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã nhưng từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Các bạn trẻ đã thuyết phục được tôi rằng sự nguyên vẹn của thiên nhiên là lợi ích chung của tất cả mọi người và tiếng nói của tôi cũng có thể góp phần tạo ra những sự thay đổi lớn”.
Đến nay, nhóm đã vận động được hơn 100 chủ nhà hàng ký tên vào bản cam kết không buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Để gieo vào trẻ em tình yêu thương đối với động vật hoang dã, nhóm đã thiết kế ra trò chơi giáo dục trực tuyến Cùng bé Mầm tìm hiểu về động vật hoang dã. Thông qua trò chơi, nhóm mong muốn truyền tải những thông điệp bảo vệ động vật hoang dã một cách thân thiện và thú vị đối với trẻ em.
Lê Thanh
Bình luận (0)