'Những con ma nhà hát' - bi kịch của nghệ thuật

Hoàng Kim
Hoàng Kim
10/07/2024 07:11 GMT+7

Sân khấu Thiên Đăng (TP.HCM) vừa công diễn vở Những con ma nhà hát (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) với nội dung sâu cay về nghệ thuật và cuộc đời. Người ta không thể không giật mình bởi hình như chính chúng ta cũng có góp phần ít nhiều vào tấn bi hài kịch này.

Mượn tên của vở opera nổi tiếng thế giới, nhưng tác giả Lê Hoàng lại lồng vào đó những câu chuyện rất thật của đời sống nghệ thuật nước nhà, mang đến những điều đáng suy ngẫm. Lê Hoàng chỉ thẳng vào những tệ nạn của thời đại, chẳng hạn việc thương mại hóa sân khấu, tài trợ và nêu tên trắng trợn, bốc thăm để dụ khán giả, nghệ sĩ chạy sô thường xuyên đến trễ, nghệ sĩ háo danh cố gắng liều chết để tìm thêm chút vinh quang, kịch bản thì chẳng cần hoàn tất, cứ ráp ráp lại với nhau cũng thành vở diễn, còn sân khấu được mệnh danh là "thánh đường" mà bệ rạc, cũ kỹ, chuột chạy, màn rách… Về phía khán giả thì ô hợp, tạp nham, không phải đến rạp để thưởng thức nghệ thuật, mà là gái bia ôm đến để tìm đại gia, hoặc dân chạy chợ đến để săn giải thưởng rút thăm… để kết luận: một nền sân khấu thảm hại thì chết là đúng. Khổ nỗi, chết mà không biết rằng mình đã chết, cứ hăng hái hoạt động lăng xăng, tưởng như còn đang rất thịnh.

'Những con ma nhà hát' - bi kịch của nghệ thuật- Ảnh 1.

NSƯT Thành Lộc, Trương Hạ, Lê Khánh trong vở Những con ma nhà hát

H.K

Ngôn ngữ của Lê Hoàng khiến người ta đau điếng. Từng nhát dao cứa vào trái tim khán giả lẫn người làm nghệ thuật. Phải tỉnh táo nhận ra sự thật. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của đạo diễn NSƯT Thành Lộc lại là hài, để trung hòa cái bi, cái cay của Lê Hoàng. Vở chỉ có 4 nghệ sĩ chính: Thành Lộc, Hữu Châu, Trương Hạ, Lê Khánh, và một số diễn viên quần chúng, nhưng kéo dài 3 tiếng rưỡi, quá nhiều thời gian cho nghệ sĩ tung mảng miếng, khán phòng cười liên tục. Tài năng của 4 nghệ sĩ đủ sức để tung chiêu kéo khán giả, làm cho sàn diễn tươi tắn, náo nhiệt.

Trang trí sân khấu tối giản; trang phục đẹp, cũng là đẹp trong sự tối giản. Khán giả đồng thời đóng luôn vai diễn của mình trong kịch bản, nên dư âm đọng lại sau khi màn nhung hạ xuống là: chúng ta đang thật sự sống trong bi hài kịch này, và liệu có làm được gì trước cái chết của sân khấu? Cả nghệ sĩ lẫn khán giả có cần tự vấn lại mình?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.