Những con robot từ nhà trường

08/11/2014 05:10 GMT+7

Xuất phát từ những nhu cầu hằng ngày, một người thầy và một nhóm sinh viên ở 2 vùng khác nhau đã tạo nên những con robot có giá trị trong thực tế.

 Những con robot từ nhà trường
Ông Thọ bên robot đánh trống trường tự động - Ảnh: Thanh Đức

Robot đánh trống trường

Ông Nguyễn Hữu Thọ (giảng viên Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) vừa chế tạo thành công robot... đánh trống trường, khiến thầy cô và sinh viên trường này vô cùng hứng khởi.

Bắt đầu nghiên cứu vào đầu năm 2014, qua nhiều tháng mày mò, thử nghiệm, đến đầu tháng 10 này, ông Thọ cho ra lò một robot đánh trống trường.

Robot có chiều cao 1,6 m, gồm các bộ phận: 2 chân, thân, đầu, bộ phận điện, động cơ chuyển động, tay đánh trống. Chất liệu robot làm bằng sắt mạ kẽm nên đảm bảo không gỉ sét, tuổi thọ có thể lên đến 20 năm. Ông Thọ kể lại: “Qua thăm dò ý kiến các giáo viên thì ai cũng bày tỏ muốn giữ lại tiếng trống trường vì nó đã gắn bó với rất nhiều thế hệ học trò. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại, muốn giữ lại tiếng trống trường thì phải có người canh giờ để đánh hằng ngày, rất phiền phức. Hơn nữa, người được phân công đánh trống không phải lúc nào cũng đánh chính xác, dễ gây mất đồng bộ. Vì vậy tôi suy nghĩ sáng chế ra robot đánh trống để đáp ứng yêu cầu chính xác trong giờ giấc và đặc biệt là muốn lưu giữ tiếng trống vốn đã trở nên thân thiết với tôi từ hồi còn cắp sách đến trường làng cho đến tận bây giờ”.

Nguyên lý hoạt động của robot là bộ phận điện đã lập trình sẵn điều khiển phần động cơ bên trong giúp cánh tay robot cầm dùi đánh vào bề mặt trống. Robot có thể đánh 3 tiếng hoặc 1 hồi dài tùy theo cài đặt. Theo ông Thọ, thời gian vào học, ra chơi hay tan học ở các trường hầu như cố định suốt cả năm và thậm chí nhiều năm nên chỉ cần lập trình sẵn cho robot hoạt động trong thời gian dài mà không cần phải điều chỉnh. Robot sẽ được cắm điện trực tiếp và có gắn thêm bộ tích điện bên trong nên khi bị cúp điện từ 1 đến 2 ngày vẫn hoạt động bình thường. “Khó nhất là phải lập trình để robot đánh trống theo giờ, ngày đã cài đặt sẵn và điều đặc biệt là lực đánh trống phải mạnh để tiếng vang xa và phải có nhịp điệu ngân vang”, ông Thọ cho biết thêm.

Ông Thọ dự tính sẽ đưa con robot đánh trống tự động đầu tiên này đến triển lãm tại Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long sắp diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng; đồng thời đang xúc tiến việc đăng ký bản quyền và bắt đầu sản xuất theo đơn đặt hàng của các trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới. 

Giúp công nhân môi trường đỡ vất vả

Đó là sản phẩm do các tác giả Nguyễn Trọng Quỳnh, Bùi Văn Huy thuộc Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường ĐH Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương cùng một nhóm sinh viên của trường chế tạo.

Nói về ý tưởng để tạo ra con robot này, Nguyễn Trọng Quỳnh chia sẻ trong một lần chứng kiến cảnh những người công nhân vệ sinh vớt rác trên dòng sông ô nhiễm, mọi người đã lãnh đủ nước bẩn vấy lên quần áo, đầu tóc. Sức nặng của rác thải ngấm nước khiến chiếc gậy vớt rác của những công nhân vệ sinh tỏ ra bất lực trước biển rác, vừa tốn thời gian mà hiệu quả không cao. “Hình ảnh đó đã khiến tôi ray rứt mãi và thôi thúc tôi phải chế tạo một robot vớt rác để giải phóng sức lao động của con người, giúp những công nhân vớt rác trên sông đỡ vất vả đồng thời góp phần vào bảo vệ môi trường sống trên ao, hồ, sông, suối”, Quỳnh tâm sự.

Robot vớt rác giống dạng tàu 2 thân giúp tự cân bằng, bên trong hút chân không để nổi trên mặt nước, giữa 2 thân là khoang chứa rác, robot di chuyển linh hoạt tiến lùi, quay trái quay phải trên mặt nước một cách dễ dàng nhờ 2 động cơ gắn với bánh lái.

Điểm sáng tạo của robot vớt rác là chân vịt được thay thế bằng 2 bánh guồng nước đặt hai bên cạnh thân tàu nhằm loại bỏ hiện tượng rác chìm mắc vào chân vịt làm tàu không hoạt động được, đồng thời bẻ lái dễ dàng hơn trong điều kiện không gian hẹp.

Hiện tại robot vớt rác đã được Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Hồ Mật Sơn (tỉnh Hải Dương) đưa vào vận hành để vớt rác thải làm sạch môi trường khu vực lòng hồ và có kết quả rất tốt.

Theo Bùi Văn Huy, sắp tới nhóm sẽ phát triển công nghệ nhận dạng để robot tự xử lý, phân loại rác thải giúp việc tái chế trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, nhóm sẽ gắn thêm hệ thống băng tải thẩm thấu để xử lý tràn dầu hoặc chất lỏng nguy hại tràn trên sông, hồ.

Thanh Đức - Lê Thanh  

>> Robot trợ lý bán hàng
>> Robot rắn
>> Robot di chuyển theo cách của bạch tuộc
>> Robot tìm hàng lậu từ tàu biển  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.