Đó là tỷ lệ trong buổi họp hội đồng sư phạm đầu năm: Học lực xx% khá giỏi, hạnh kiểm yy% tốt khá… bất kể đó là trường trong khu vực lao động nghèo và điểm đầu vào rất thấp. Thế là cả năm học nếu như đã hết sức cố gắng, đã làm tròn trách nhiệm của người thầy mà vẫn không đạt chỉ tiêu thì sẽ có 2 con đường: thứ nhất tự xoay xở, tự cân đối để có con số như chỉ tiêu, thứ hai là chấp nhận bị trừ điểm thi đua nếu như không chấp nhận những con số ảo.
Đó là những điểm số chênh lệch đến kinh ngạc. Một phụ huynh có con vừa thi tuyển sinh lớp 10 ngỡ ngàng với những con số đẹp lung linh trong học bạ ở năm cuối cấp với điểm thi thực tế - đó là một khoảng cách quá xa mà thuyết tương đối cũng không chấp nhận. Vậy điểm nào mới phản ảnh trung thực học lực của học sinh?
tin liên quan
'Thả cửa' bằng... xét tuyển học bạKhi các trường đại học tổ chức xét tuyển theo học bạ thì những con số càng lung linh huyền ảo hơn vì trường nào cũng muốn cuối năm báo cáo đã có zz% học sinh vào đại học. Dù không muốn so sánh nhưng rõ ràng để đạt điểm giỏi ở các trường tốp đầu với các trường khác là những con đường chông chênh khác nhau.
Vậy đó, không thể chối cãi, nền giáo dục hiện tại một phần dựa vào các con số và không ít lại là số ảo… Buồn thay, hơn 30 năm cùng bảng đen phấn trắng, nhìn quanh mình nhan nhản những con số không thực và chấp nhận rằng đây là câu chuyện dài không có hồi kết trừ khi có một sự đổi thay…
Bình luận (0)