Nghiên cứu về xe máy cũng như nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông của người lớn và trẻ em tại TP.HCM đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo về ý thức tham gia giao thông của nhiều người Việt, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
>> Tài xế tử nạn vì tin tưởng khả năng tự lái của Tesla Model S
>> VN mất 3% GDP hàng năm do thiệt hại từ tai nạn giao thông
>> Xe buýt Trung Quốc có thể chở 1.400 người, nuốt cả ô tô
Trung bình mỗi ngày, tai nạn giao thông (TNGT) tại Việt Nam cướp đi 24 người, làm bị thương khoảng 60 người. Và theo ước tính mỗi năm Việt Nam mất 2,5% GDP vì TNGT trong khi mức tăng trưởng GDP trung bình chỉ 6% là những thông tin nóng hổi mà ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) chia sẻ trong lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan này và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM).
Năm nay Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và VAMM sẽ tiếp tục có những hoạt động tăng cường an toàn giao thông tại Việt Nam
|
Đây là năm thứ hai chương trình hợp tác giữa Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam được ký kết. Trước đó, chương trình hợp tác năm 2015 đã triển khai được một số hoạt động hữu ích như: Giáo dục nâng cao nhận thức về ATGT cho 1.225.198 học sinh Tiểu học và Trung học, 55.994 thanh thiếu niên/sinh viên và 1.102 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông; tặng 65.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn và triển khai 446.431 chương trình hướng dẫn lái xe an toàn trên cả nước.
Đặc biệt, Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy tại Việt Nam do VAMM khởi xướng đã đầu tư, triển khai thực hiện được 3 dự án bao gồm: Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe gắn máy tại TP.HCM; Nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho TP.HCM; Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy tại Thái Nguyên. Ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá cao những kết quả nghiên cứu kể trên cũng như nỗ lực của VAMM bởi đây là tổ chức đầu tiên chủ động đầu tư cho những dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến ATGT.
Trong số 3 dự án nghiên cứu kể trên, nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TP.HCM không chỉ một lần nữa khẳng định Việt Nam là một nước “thuần” xe máy mà còn “tố cáo” những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những TNGT liên quan tới xe máy. Cụ thể, có tới 86% nguyên nhân chủ quan trong các vụ TNGT trong đó phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá gần, sử dụng điện thoại khi cầm lái chiếm 42%, 21,2% liên quan đến kỹ năng lái xe và 22,6% do vi phạm luật giao thông. Nguyên nhân khách quan như thời tiết, đường xá chỉ chiếm 14% còn lại. Bên cạnh đó, xe máy quá cũ tuổi đời trên 5 năm cũng làm tăng tỉ lệ gặp nạn cho người điều khiển hơn nhiều so với các xe mới dưới 5 năm tuổi.
Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy, tài trợ chính cho những nghiên cứu kể trên
|
Nghiêm trọng và đáng cảnh báo hơn cả là kết quả từ nghiên cứu nguyên nhân TNGT liên quan đến trẻ em tại TP.HCM. Kết quả cho thấy chỉ từ năm 2013 đến 2015, số TNGT liên quan đến thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tăng 190%, số nạn nhân tử vong tăng 217% trong đó tỉ lệ tử vong do TNGT ở học sinh cấp 3 tăng từ 10/100.000 lên 32,5/100.000. Trong số này có tới 70% là học sinh cấp 3, 20% học sinh cấp 2, học sinh tiểu học, mẫu giáo chiếm 10%. Tỉ lệ thương vong tăng cao một phần do ý thức đội mũ bảo hiểm ở trẻ em còn kém khi có tới 80% trẻ mẫu giáo, 50% học sinh tiểu học và 15% học sinh cấp 2-3 không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên xe gắn máy.
Từ kết quả của hai nghiên cứu trên có thể thấy TNGT liên quan đến xe máy tại Việt Nam chủ yếu vẫn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của người dân kế đến là kỹ năng lái xe an toàn. Đặc biệt ý thức tham gia giao thông chưa tốt của một số bậc phụ huynh có thể ảnh hưởng tới con trẻ, nó cũng tác động trực tiếp tới kết quả nghiên cứu như có tới 10% học sinh cấp 3 lái xe máy trên 50cc đến trường, 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi và đáng báo động hơn cả là 80% TNGT ở trẻ em là do nạn nhân (từ 13-18 tuổi) đang điều khiển phương tiện.
Để giảm thiểu tình trạng này nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề ra như tăng cường, đổi mới các chương trình tuyên truyền, giáo dục ATGT hiệu quả cho từng đối tượng từ người tham gia giao thông cho tới phụ huynh và học sinh đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng, siết chặt kiểm tra xử phạt đối với các hành vi rủi ro tiềm tàng trong TNGT. Những kế hoạch cải thiện phương pháp giáo dục về ATGT, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông cho trẻ em và người lớn có thể sẽ mang lại những kết quả tốt hơn bởi xét cho cùng số lượng vẫn không quan trọng bằng chất lượng, hiệu quả của phương pháp giáo dục.
Trong tương lai gần, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người Việt
|
Xe máy vẫn được xem là phương tiện di chuyển chính của người dân Việt Nam trong tương lai gần. Đây là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia bởi lẽ xét về thu nhập bình quân đầu người 45,7 triệu đồng/năm trong năm 2015, một người Việt phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới mua được một chiếc xe máy bình dân hoặc cao cấp trong khi phải mất ít nhất 8-10 năm mới có thể sở hữu một chiếc ô tô giá rẻ nếu không có chi phí phát sinh. Chưa kể những vướng mắc trong cơ sở hạ tầng giao thông, bến bãi cũng khiến nhu cầu sở hữu ô tô vẫn là ước mơ của số đông người Việt.
Chính vì vậy việc tìm ra nguồn gốc của các vấn đề giao thông và đầu tư kỹ hơn về giáo dục ý thức tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn bằng xe máy từ nhà trường tới xã hội là rất quan trọng. Chia sẻ với báo chí, ông Shozo Ono, đại diện VAMM cho biết: “Việc đầu tư vào các dự án liên quan đến ATGT cho xe máy xuất phát từ mong muốn về một giao thông an toàn hơn đồng thời bày tỏ trách nhiệm, cam kết của các nhà sản xuất khi kinh doanh tại Việt Nam. Trong thời gian tới các thành viên sẽ tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới có tính năng an toàn cao phù hợp với thói quen lái xe và điều kiện giao thông tại Việt Nam”
Bình luận (0)