Tại VN, nhiều người vẫn cho rằng bộ tem Mạc Thị Bưởi (gồm bốn mẫu) phát hành vào năm 1956 là bộ tem đắt nhất VN, với giá dao động khoảng 400 USD. Tuy nhiên, theo những nhà sưu tập có chơi tem LKV, tem LKV mới là loại tem có giá trị và đắt nhất. Nó luôn là tâm điểm chú ý và săn lùng của những nhà sưu tập tem tại VN và cả những nhà sưu tập nước ngoài sưu tập tem VN.
Quý và hiếm
Trong giới sưu tập tem tại VN cũng như trên thế giới, giá trị của một con tem được đánh giá dựa vào hai yếu tố chính là quý và hiếm. Yếu tố quý là căn cứ vào thời gian tem phát hành. Yếu tố hiếm dựa vào số lượng, quy mô phát hành và thời gian tồn tại của tem đó. Theo nhiều nhà sưu tập tem, tem LKV có giá cao vì kết hợp cả hai yếu tố quý và hiếm, nhưng yếu tố hiếm là quyết định. Vì ngay cả bộ tem đầu tiên của VN phát hành vào năm 1946 (gồm bốn mẫu) hiện nay cũng chỉ có giá vài trăm nghìn đồng, còn tem LKV phát hành sau đó đến gần 10 năm.
Một số cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở LKV mà chúng tôi gặp ở Hoài Nhơn, Bình Định (nơi đây ngày xưa là “thủ đô” của LKV) cho biết hình vẽ trong tem thường là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến sĩ, nông dân trên đồng ruộng… Do kỹ thuật in thô sơ và đơn giản nên tem nhìn rất thô, giấy thường dày, in một màu. Điều đó trùng khớp với mô tả trong danh mục tem bưu chính nước VN dân chủ cộng hòa (1945-1975) do Hội Tem VN phát hành năm 1991. Đây là catalogue duy nhất tại VN đề cập loại tem này. Nhưng kể cả trong cuốn sách này, phần viết về tem LKV cũng khá mơ hồ và cũng không thể xác định chính xác có bao nhiêu mẫu tem, số lượng phát hành. Chỉ có duy nhất câu khẳng định “tất cả đều không có răng cưa và không có hồ (chất dính sau mặt tem để tiện khi dán vào bì thư - PV)”.
Nhà sưu tập tem Phùng Thắng Bình cho biết các nhà sưu tập tem tại VN và những người nước ngoài sưu tập tem VN đều muốn sở hữu một con tem LKV. Vì chất liệu giấy rất kém nên rất hiếm có con tem nào hoàn hảo (phẳng, lề rộng, màu sắc tươi sáng…) nhưng cầu đã vượt cung khá xa do số lượng tem hiện còn rất ít và hãn hữu lắm mới thấy xuất hiện một con trên thị trường. “Ngay tại TP.HCM, số nhà sưu tập có loại tem này chỉ đếm trên một bàn tay. Thậm chí trước đây người ta còn cho những con tem rách nát vào trong album cho đủ bộ sưu tập” - ông Bình ví von về sự quý hiếm của tem LKV như thế. Trong khi đó, TP.HCM là nơi phong trào chơi tem sôi động nhất và số lượng nhà sưu tập lên đến hàng nghìn người.
Thật và giả
Con tem thời chiến Năm 1946, do hoàn cảnh chiến tranh, không thể vận chuyển tem thư đến các địa phương đang gặp trở ngại về giao thông nên Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin - truyền thông) đã ban hành quyết định số 814-QĐBT ngày 28-12-1946, cho phép Sở Bưu điện LKV được in những giá tiền mới lên các loại tem đã phát hành và được phát hành các loại tem mới. Với quyết định đó, trong những năm từ 1951-1954, Sở Bưu điện LKV đã cho in và phát hành nhiều loại tem phổ thông (dùng để nhân dân gửi thư bình thường) và tem sự vụ (phục vụ thư, bưu phẩm công vụ). Giá trên tem phổ thông ghi bằng đồng, giá trên tem sự vụ ghi bằng ký thóc. |
Chớp lấy cơ hội thị trường có nhu cầu lớn về loại tem này, một cán bộ ngành bảo tàng ở Hà Nội (từng là quân nhân trong LKV) đã cho ra đời những con tem LKV giả với hình dáng, chất liệu và cả màu sắc rất phong phú. Những con tem loại này lúc đầu được bán với giá khá cao, đặc biệt nếu người mua là khách nước ngoài.
Điều này, theo ông Joe Cartafalsa (giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sưu tập tem Đông Dương), đã tạo nên một sự tranh cãi lớn giữa những người sưu tập tem Đông Dương về loại tem này. Liệu chúng có phải là những con tem ngụy tạo? Và ông đã quyết định đi tìm câu trả lời bằng những chuyến đi dài ngày sang VN, đặc biệt là Hà Nội. Cuối cùng ông cũng tìm ra được câu trả lời rằng “tem LKV có thật chứ không phải là sự tưởng tượng nhưng hiện rất hiếm, còn tem giả xuất hiện khá nhiều và rất rẻ”.
Người làm tem giả LKV đã mất cách đây 10 năm, nhưng những con tem giả vẫn tiếp tục được đưa ra thị trường bởi người con rể quyết định “nối nghiệp” cha vợ.
Nhà sưu tập Trần Trọng Khải - một người có thâm niên 10 năm sưu tập và nghiên cứu về loại tem này - cho biết các nhà sưu tập tem truyền thống rất quan tâm đến loại tem LKV. Tuy nhiên số lượng tem thật hiện còn rất ít và “nhiều nhà sưu tập còn khá mơ hồ về cách phân biệt giữa tem thật và tem giả”.
Theo ông, trước đây tem giả thường rất dễ phân biệt vì chữ cái “A” và “M” trong chữ “VIET NAM” thường không sát với nhau. Thậm chí người ta còn cho ra đời những con tem LKV có răng cưa, điều này hoàn toàn sai vì kỹ thuật in tem LKV lúc đó rất thô sơ nên không thể có răng cưa... Nhưng sau đó, người ta đã “rút kinh nghiệm” và cho ra đời những con tem gần giống tem thật hơn.
Đến bây giờ, làm sao để xác định một con tem LKV là tem thật vẫn là câu hỏi chưa có đáp án chung.
Theo Phi Long/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)