|
Bỏ ruộng vào rừng lập nghiệp
Suối Bang những năm 1994 là một địa danh nhỏ thuộc thôn 7, xã Tân Thắng (H.Hàm Tân, Bình Thuận). Nơi đây là vùng rừng núi giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gọi là rừng nhưng thực ra các cây gỗ tốt bị khai thác hết chỉ còn lại một vùng cây chồi lưa thưa. Vùng đất hoang vu, cằn cỗi đã “sống lại” và đổi thay từ khi có một nhóm 12 người từ Cà Mau về đây lập nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Chánh (thường gọi Ba Chánh, SN 1954, thôn Suối Bang) chia sẻ: “ Ở Cà Mau, bọn tôi người thì làm vuông tôm, người trồng lúa, cây ăn quả cuộc sống cũng ổn định. Nhưng vì muốn có một vùng đất rộng lớn để làm ăn, lo tương lai cho con cháu nên nghe tin vùng Suối Bang có một khu Việt - Đài (là dự án trồng cây ăn quả nhưng không thành) đang rao bán đất. Tôi bèn rủ thêm mấy anh em lên tìm hiểu và mua đất để lập nghiệp”.
“Thủ lĩnh” là ông Ba Chánh cùng với các ông Nguyễn Thanh Phường (Ba Phường), Nguyễn Thanh Sự (Hai Sự), Năm Thắng, Sáu Đức, Ba Nghĩa, Hai Ức… đã bàn nhau bán hết vuông tôm, đất đai ở quê để vào Suối Bang. Quyết định vào “rừng” ở của các ông chỉ nhận được sự chê cười và khó hiểu của người dân địa phương. Bởi ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, người bản địa còn sống không nổi phải bỏ đi thế mà có người bỏ tiền mua đất nuôi mộng làm giàu.
Lúc đầu các ông lên một mình, dựng chòi sống cùng nhau. Ban ngày chăm chỉ cuốc đất khai hoang, ban đêm họ quây quần bên ngọn đèn dầu cùng động viên nhau vượt qua khó khăn. Gần năm sau thì ở nhà vợ con các ông đều thu xếp chuyển lên đoàn tụ cùng nhau gây dựng kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Sự cho biết: “Thời gian đó cực khổ lắm, thức ăn, nước uống thiếu thốn. Điện đóm không có, chỉ có con đường mòn nhỏ xíu người đi còn khó chứ nói gì đến phương tiện đi lại. Nhìn quanh chỉ thấy rừng núi âm u mà rợn cả người ”.
Đổi thay trên vùng đất mới
Vùng đất cằn cỗi hoang vu nay “sống” lại khi có bàn tay của những người xa xứ đến cày cuốc. Họ chăm chỉ phát cây, cuốc đất, khai hoang đến đâu trồng cây ăn quả đến đó. Màu xanh tươi của vườn cây trái dần dần thay thế màu trắng của đất cằn và rừng chồi nghèo.
Những năm đầu với 10 ha đất mua được ông Ba Chánh trồng cả nhãn cả xoài. Sau khi nhãn rớt giá lại mất mùa, ông tập trung vào trồng xoài. Đến năm 2.000 ông trồng cỏ nuôi bò, trồng phụ thêm cao su để phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình ông đã có trên 50 ha đất trồng cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Với kế sách lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông Ba Phường lại trồng đủ thứ cây. Lúc đầu ông trồng nhãn, rồi trồng thêm đu đủ, trồng mì, quýt xen canh trong vườn cao su, xà cừ… nhờ vậy mà kinh tế ổn định. Gia đình mua thêm mấy chục ha đất mở rộng diện tích vườn cây trái. Ngoài ra, ông còn mở thêm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp cho dân trong vùng.
Hầu hết những người đầu tiên lên đây lập nghiệp đều có cuộc sống ổn định, thu nhập từ cây ăn quả mỗi vụ cũng đem lại nguồn thu trên 100 triệu/năm cho các hộ.
Trưởng thôn Trần Văn Luyến cho biết: “ Thôn hiện có trên 170 hộ, trong đó có tới 100 hộ là nông dân sản xuất giỏi”.
Đến năm 2004, đường lớn được mở giúp cho thôn Suối Bang giao lưu, buôn bán thuận tiện hơn. Xe của thương lái từ Vũng Tàu, Đồng Nai vào tận nhà vườn thu mua, chất lượng và giá nông sản vì thế cũng cao hơn. Tự hào về những đổi thay của thôn, ông Nguyễn Văn Thanh, bí thư chi bộ thôn chia sẻ: “Phấn khởi nhất là được nhà nước đầu tư con đường lớn để đi lại, buôn bán thông thương thuận tiện. Đời sống người dân ngày càng ấm no và đang vươn lên làm giàu”.
Bạch Long
>> Vườn cây ăn trái Lái Thiêu hồi sinh
>> Hỗ trợ "cứu" hàng ngàn héc-ta cây ăn trái
>> Nuôi ốc trong vườn cây ăn trái tăng thêm thu nhập
Bình luận (0)