Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Bờ kè trăm tỉ tả tơi từ khi đang xây dựng

Trần Ngọc
Trần Ngọc
18/04/2022 04:21 GMT+7

Bờ kè chống xói lở khu vực chợ Bình Thành (xã Bình Thành, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) được đầu tư với kinh phí gần 109 tỉ đồng. Từ khi xây dựng đến nay, bờ kè này liên tục sạt lở, đe dọa an toàn khu dân cư.

Ngày 30.10.2015, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định phê duyệt đầu tư dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (gọi tắt là kè chợ Bình Thành). Dự án có tổng chiều dài 850 m nhằm bảo vệ dân cư khu vực chợ Bình Thành. Kinh phí đầu tư ban đầu hơn 90 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 75 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 15 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2016 - 2020, do Sở NN-PTNT Đồng Tháp làm chủ đầu tư.

Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành được đầu tư hơn trăm tỉ đồng liên tục bị sạt lở nặng (ảnh chụp ngày 17.4.2022)

TRẦN NGỌC

Một công ty được chỉ định thầu 2 lần

Dự án có 2 gói thầu xây lắp. Theo đó, gói thầu số 6 xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông, chỉ định cho Công ty CP Nhân Bình (trụ sở tại Hà Nội) thi công phần chân kè, thả bao tải cát lấp hố xói, kết hợp vải địa kỹ thuật và thảm đá gia cố chân kè. Giá trị thực hiện gói thầu hơn 53,5 tỉ đồng, hoàn thành cuối năm 2017 sau hơn 15 tháng thi công.

Gói thầu số 7 thực hiện phần kè bê tông cốt thép bảo vệ bờ, thi công phần trên bờ, và được đấu thầu rộng rãi. Công ty CP Nhân Bình trúng thầu thi công với giá trị hợp đồng gần 25 tỉ đồng, thi công từ tháng 9.2017 đến cuối năm 2020 thì hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình thi công phần thân kè, ngày 9.5.2019, một đoạn thân kè dài 40 m bị sạt lở hoàn toàn xuống lòng sông, ăn sâu vào bờ 9 m.

Sau khi bờ kè bị sạt lở, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì vào cuộc điều tra sự cố để khắc phục.

“Huề cả làng”?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài việc tỉnh Đồng Tháp bỏ chi phí ngân sách để khắc phục vụ sạt lở kè chợ Bình Thành vào năm 2019, thì đến nay chưa có một tập thể, cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm thỏa đáng theo quy định, dù bờ kè trăm tỉ này liên tiếp sạt lở.

Để “cứu” công trình kè chợ Bình Thành, ngày 4.8.2020 UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt phương án xử lý khẩn cấp khắc phục các hố xoáy mới phát sinh giáp chân kè chợ Bình Thành với chiều dài 260 m, kinh phí trên 18,9 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.

Theo quyết định phê duyệt, thời gian thực hiện lấp hố xoáy trong giai đoạn 2020 - 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp (BQLDA) được giao làm chủ đầu tư và quản lý dự án. Lần này, Công ty CP Nhân Bình lại tiếp tục được chỉ định thầu thi công lấp các hố xoáy bờ kè.

Như vậy, dự án bờ kè dài 850 m nhưng UBND tỉnh Đồng Tháp đã có 2 quyết định phê duyệt đầu tư, xử lý hố xoáy phát sinh với tổng nguồn vốn ngân sách gần 109 tỉ đồng. Theo đó, trung bình cứ 1 m kè chợ Bình Thành được phê duyệt kinh phí hơn 128 triệu đồng xây dựng.

Đối với công trình này, Công ty CP Nhân Bình tham gia cả 3 gói thầu xây lắp dự án, trong đó có 2 gói được chỉ định thầu.

Ám ảnh bờ kè sạt lở nên người dân bán nước giải khát trên bờ kè để dòng chữ “bờ kè bất ổn” trên menu

Nhiều lỗi trong thiết kế, thi công, giám sát

Ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, thông tin: Sở NN-PTNT Đồng Tháp là cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán dự án kè chợ Bình Thành. Liên danh Viện Kỹ thuật biển và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam là đơn vị khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế thi công. BQLDA là đơn vị quản lý dự án và giám sát. Chi nhánh miền Nam của Công ty TNHH tư vấn Trường ĐH Thủy lợi là đơn vị kiểm định độc lập.

Báo cáo số 1599/BC-SXD ngày 15.11.2019 của Sở Xây dựng Đồng Tháp về kết quả kiểm tra sự cố sập 40 m kè chợ Bình Thành xảy ra ngày 9.5.2019 đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, Sở Xây dựng Đồng Tháp khẳng định công tác thiết kế chưa có giải pháp phù hợp, đơn vị tư vấn thiết kế không tính toán lún để đề xuất giải pháp thiết kế nhằm đảm bảo hệ số mái kè >= 2 (độ lài phần chân mái kè dưới nước) sau khi thi công công trình... Đơn vị giám sát chưa giám sát tốt để đơn vị thi công (Công ty CP Nhân Bình) thả bao tải cát lấp hố xói lở không đảm bảo hệ số mái kè như theo thiết kế. Có hơn 50% số lượng mặt cắt kè có hệ số mái kè < 2.

Cụ thể, qua kiểm định, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp ghi nhận việc kiểm tra cao trình thảm đá tạo mái lòng sông của BQLDA và đơn vị thi công đã nhận thấy sự thấp hơn so với hồ sơ thiết kế, nhưng không báo cáo kịp thời để có giải pháp kiểm tra xử lý trên toàn tuyến.

Người dân nơm nớp lo tai họa ập đến

Ông Nguyễn Văn Tài (53 tuổi), nhà tiếp giáp với bờ kè chợ Bình Thành, bức xúc: “Đây là vùng sạt lở nên khi có bờ kè, người dân ai cũng mừng. Nhưng bờ kè cả trăm tỉ mà mới xây đã sạt lở hết lần này tới lần khác thì cần phải xem lại chất lượng. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân khác đều muốn phải khắc phục thế nào cho bờ kè đảm bảo an toàn. Vì nếu để lở bờ kè, lở luôn đất, nhà dân thì không có chi phí di dời hoặc xây lại nhà”.

Chị Trần Thị Ky (44 tuổi) thì lo lắng: “Trước nhà tôi cạnh mé sông, thấy bờ kè được xây nên gia đình gom góp hơn 200 triệu đồng để cất nhà. Giờ bờ kè sạt lở, tôi thấy lo lắm. Chồng tôi mới mất, nhà cửa mà sạt lở theo bờ kè thì 3 mẹ con tôi khổ theo”.

Mặt khác, ở nhiều đoạn kè, phần gia cố mái kè từ vị trí tiếp giáp mái kè trên cạn và mái kè dưới nước chưa đảm bảo thiết kế...

Theo ông Ngoan, từ kết quả kiểm định sự cố trên, UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận phương án khắc phục sạt lở bờ kè với chi phí gần 7,6 tỉ đồng. Trên cơ sở họp phân chia trách nhiệm, yếu tố chủ quan dẫn đến vụ sạt lở bờ kè trên chiếm 60%, còn lại nguyên nhân khách quan 40%.

Qua đó, Công ty CP Nhân Bình chịu 40% kinh phí khắc phục, tương ứng chịu hơn 3,4 tỉ đồng; liên danh Viện Kỹ thuật biển và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam chịu chi phí hơn 750 triệu đồng, tương ứng 10% chi phí khắc phục; BQLDA chịu 5% chi phí. Còn hơn 3 tỉ đồng dùng chi phí ngân sách từ dự án.

Vẫn sạt lở sau khi xử lý khẩn cấp

Sau nhiều lần xử lý khẩn cấp vì sự cố sạt lở kè chợ Bình Thành, tưởng như công trình sẽ “yên ổn”. Thế nhưng, đến tháng 4.2021, một đoạn chân kè dài 60 m thuộc gói thầu xử lý khẩn cấp sạt lở được nghiệm thu vào năm 2017 tiếp tục bị sạt trượt ra lòng sông.

Qua kiểm tra của các thợ lặn, tại đoạn kè trên, toàn bộ thảm đá, vải địa kỹ thuật và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã bị trượt ra lòng sông cách dầm khóa chân kè khoảng 40 m. Tại vị trí bờ kè sạt trượt hiện có dấu hiệu rạn nứt, lún, sạt trượt đỉnh kè ra bờ sông rất nặng và đang có dấu hiệu lan rộng, đe dọa an toàn khu dân cư.

Đề cập đến “bờ kè trăm tỉ liên tục sạt lở”, ông Võ Thành Ngoan cho hay công trình bờ kè đã đến thời gian xóa bảo hành cho đơn vị thi công (Công ty CP Nhân Bình). Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế để làm thủ tục xóa bảo hành thì công trình tiếp tục rạn nứt, nghiêng nên tỉnh chưa ký quyết định xóa bảo hành.

Những công trình 'làm nghèo' đất nước

Kênh thủy lợi 86 tỉ tưới nhỏ giọt

Đập chợ cũ, xây chợ mới rồi bỏ hoang

'Trường bắn trong mơ' vĩnh viễn dừng triển khai

Bỏ hoang hạ tầng nước sạch tiền tỉ

Còn 'làm nhỏ xin to, lợi ích nhóm' thì còn lãng phí

'Đại công trình' trăm tỉ lay lắt

Kỷ lục buồn của một trung tâm văn hóa - thể thao

Xây nhà tang lễ nhưng không sử dụng

Dân dùng nước phèn mặn bên công trình nước sạch bỏ hoang

Đắp chiếu chờ… khai tử

Hàng loạt chợ xây xong không sử dụng

Siêu dự án 4.300 tỉ đồng bỏ hoang

Bao giờ dự án thủy lợi 90 tỉ thôi 'hành' dân?

Cầu trăm tỉ hoang phế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.