Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Còn 'làm nhỏ xin to, lợi ích nhóm' thì còn lãng phí

17/03/2022 08:37 GMT+7

Kiểm tra, giám sát lỏng lẻo; phát hiện sai phạm thì “giơ cao đánh khẽ”; phân bổ dự án không theo quy định mà lại theo cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm…

Đó là những nguyên nhân chính làm cho hàng nghìn công trình đầu tư bằng vốn ngân sách trên khắp cả nước bị đắp chiếu, xây dựng dở dang, vô cùng lãng phí.

HĐND, UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm

Sau loạt bài Những công trình “làm nghèo” đất nước, Báo Thanh Niên nhận được rất nhiều ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH), chuyên gia quan tâm về thực trạng hết sức nhức nhối này.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật QH, cho rằng các dự án đã được quy hoạch nhưng trong tình trạng “treo” không triển khai hoặc triển khai “được chăng hay chớ” rồi “trùm mền” không chỉ lãng phí ngân sách nhà nước, tiền của dân, mà còn lãng phí cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của người dân, địa phương và cả nước. “Người dân trong các vùng dự án đó không làm gì được, không phát triển kinh tế được hoặc chỉ làm tạm bợ, chắp vá để chờ dự án. Đó là sự lãng phí rất lớn tiền của nhà nước, xã hội và người dân. Sự lãng phí này không kém gì tham nhũng”, ông Hòa nói.

Trách nhiệm lớn nhất, theo ĐB Hòa, thuộc về chính quyền địa phương - nơi lập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn nhà thầu cho tới giám sát đầu tư công trong triển khai dự án… Sâu xa hơn nữa là vai trò giám sát của HĐND cũng còn nhiều hạn chế.

“Tất cả các dự án của địa phương đều do HĐND biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, sau khi biểu quyết thông qua rồi thì việc giám sát còn nhiều hạn chế. Thậm chí, còn có sự nể nang nhất định nào đó của HĐND với UBND. Các đại biểu HĐND cũng không dám đặt vấn đề chất vấn triệt để, hay giám sát quyết liệt với những công trình, dự án "treo"; hoặc có giám sát, chất vấn thì còn hình thức, nể nang, UBND có văn bản giải thích là xong, là hết chuyện”, ĐB Hòa thẳng thắn.

ĐB Hòa cho rằng việc để xảy ra tình trạng các dự án, quy hoạch “treo” trong nhiều năm cũng có trách nhiệm thuộc về các cấp ủy Đảng tại địa phương. Bởi tất cả những dự án đang trở thành nỗi bức xúc của người dân tại các địa phương trong nhiều năm như vậy, thì Ban Thường vụ các tỉnh ủy đều nắm hết.

Không loại trừ động cơ vụ lợi

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, vấn đề lãng phí mà hiện nay cử tri và người dân rất bức xúc là lãng phí trong đầu tư công, trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Khi thực hiện giải ngân đầu tư công chậm, tiền không vào dự án mà nhà nước đã phải trả lãi tiền vốn đó. Vốn cứ nằm trong kho bạc, trong ngân hàng, không giải ngân được, không đưa vào công trình, gây lãng phí.

Một trong những vấn đề gây lãng phí nữa, theo ĐB Cường, là những dự án đầu tư xong không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao. “Điển hình, chúng ta nhìn thấy rất nhiều đường phố, con đường hôm nay, công trình làm việc này thì đào lên lấp xuống, ngày mai công trình khác lại đào lên lấp xuống. Đó chính là những lãng phí do chúng ta không có sự phối hợp, không có sự tính toán một cách chắc chắn về bước đi”, ĐB Cường bày tỏ.

Thế nhưng, câu chuyện ở đây không đơn giản chỉ là ý thức, trách nhiệm mà ở đó không loại trừ nguyên nhân từ động cơ vụ lợi. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tại các báo cáo kiểm toán về ngân sách nhà nước, về các dự án đầu tư công, hầu như năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra rất nhiều sai phạm, đặc biệt là trong việc chi đầu tư xây dựng cơ bản, lập và phân bổ vốn theo quan hệ, lợi ích nhóm.

Theo quy định của luật, việc phân bổ vốn đầu tư công phải tập trung, không dàn trải và theo tiêu chí, điều kiện đã được HĐND phê duyệt. Tuy nhiên, rất nhiều lãnh đạo địa phương khi phân bổ vốn thì “giữ lại” để phân bổ riêng lẻ cho từng dự án có quan hệ “sân sau”. Thậm chí, các dự án này không đủ điều kiện, sai đối tượng dẫn tới việc triển khai sau đó bị rút ruột, hoặc làm dở dang, không hiệu quả.

Tư duy nhiệm kỳ, làm nhỏ xin to

Về phía các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết quy trình và thủ tục của một dự án đầu tư công đã được quy định rõ trong luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020) và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Luật đã phân cấp, phân quyền rất rõ, từ khâu lập dự án, lựa chọn dự án, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, triển khai, bố trí vốn chi tiết hằng năm dự án nào, bao nhiêu tiền đều do địa phương và bộ, ngành quyết định.

“T.Ư chỉ phân bổ theo nguyên tắc tiêu chí QH thông qua đối với từng lĩnh vực, từng địa phương là bao nhiêu trong vòng 5 năm và hằng năm được bao nhiêu dựa trên khả năng thu ngân sách, sau đó về các địa phương chủ động tự bố trí, tự phân bổ”, ông Dũng nói và khẳng định Bộ KH-ĐT làm mỗi một việc là tổng hợp, nếu không có gì sai với các nguyên tắc, tiêu chí là trình Chính phủ và trình QH thông qua.

Tuy nhiên, với trách nhiệm của cơ quan quản lý về lĩnh vực đầu tư, ông Dũng cũng thẳng thắn cho biết loại trừ nguyên nhân muôn thuở là tắc giải phóng mặt bằng, thì tình trạng đầu tư dàn trải là do ở ngay địa phương chọn dự án không đúng, bố trí vốn chậm, giao vốn chậm. Bên cạnh đó, việc lựa chọn dự án chưa bám sát các quy hoạch, yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối. Một số nơi thì còn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư để đề xuất dự án.

“Nhiều dự án chưa cần thiết cũng đề xuất, nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, đáng nhẽ làm nhỏ thì lại xin làm to, không kiểm soát được các định mức đơn giá như tổng mức đầu tư, dẫn đến tổng mức đầu tư đội lên rất lớn, không có khả năng cân đối, rất lãng phí, dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng đến dự án”, ông Dũng nói.

“Chỉ sợ người ta cứ ầu ơ ví dầu”

Đề cập thêm về giải pháp khắc phục, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng các địa phương cần quyết tâm trong việc giải quyết những công trình, dự án “tồn đọng” kéo dài trong nhiều năm; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. “Nếu các dự án không triển khai được thì phải công bố xóa quy hoạch. Trách nhiệm của chính quyền địa phương tới đâu cũng phải làm rõ với công luận. Không thể cứ để những công trình đắp chiếu, trùm mền, rong rêu mọc, người dân bức xúc mãi như thế được”, ông Hòa nêu quan điểm.

“Tôi nghĩ rằng nếu có sự quyết tâm cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm thì những vấn đề đó (công trình, dự án hoang phí tiền của ngân sách) có thể xử lý được hết. Chỉ sợ người ta cứ ầu ơ ví dầu, nể nang với nhau rồi các công trình, dự án đắp chiếu lại tiếp tục ra đời”, ông Hòa thẳng thắn.

Phải cá thể hóa trách nhiệm để xử lý cụ thể

Một “điểm nghẽn” khác, theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư rất chậm, ảnh hưởng tới việc phân bổ, giải ngân. Nhiều dự án đầu tư khi trình QH thì chỉ tên trong danh mục, không có chuẩn bị đầu tư. Đây là căn bệnh rất trầm kha mà tới nay chưa giải quyết được. Thay vì “đổ lỗi” cho thể chế, cho lỗ hổng của luật, Chủ tịch QH nhìn nhận nguyên nhân chính nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Muốn khắc phục cần phải cá thể hóa trách nhiệm. Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định: “Quan điểm của Thủ tướng, của Chính phủ là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm dứt điểm, làm tới đâu xong tới đó, đúng tiến độ để phát huy hiệu quả. Đối với những nơi mà chậm, không hiệu quả thì nhất quyết điều chuyển vốn cho những nơi làm tốt. Cùng với đó là gắn với giám sát, kiểm tra để xử lý trách nhiệm cụ thể”.

Những công trình 'làm nghèo' đất nước

'Đại công trình' trăm tỉ lay lắt

Kỷ lục buồn của một trung tâm văn hóa - thể thao

Xây nhà tang lễ nhưng không sử dụng

Dân dùng nước phèn mặn bên công trình nước sạch bỏ hoang

Đắp chiếu chờ… khai tử

Hàng loạt chợ xây xong không sử dụng

Siêu dự án 4.300 tỉ đồng bỏ hoang

Bao giờ dự án thủy lợi 90 tỉ thôi 'hành' dân?

Cầu trăm tỉ hoang phế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.