Năm 2001, dự án đường vành đai 3 ở Hà Nội khởi động, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý (BQL) dự án Thăng Long. Giai đoạn 1 của dự án gồm các trục đường từ nút giao Mai Dịch đến Linh Đàm, trong đó những hầm dành cho người đi bộ lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội.
Mỗi căn hầm như thế phải đầu tư khoảng 2,5 - 3 tỉ đồng. Ban đầu chỉ có 6 hầm từ đường Phạm Hùng đến đường Trần Duy Hưng. Hầm rộng, có bậc thang lên xuống và hệ thống chiếu sáng đảm bảo. Lúc mới đưa vào sử dụng, cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công đều tự tin sẽ có rất nhiều người chọn đi bộ qua hầm. Thế nhưng, sau 3 năm kể từ khi hoàn tất, những hầm này vẫn bị bỏ hoang. Đến khi đưa vào sử dụng chính thức cũng chẳng có mấy người dân sử dụng. Thậm chí, vì quá... ế, nhiều hầm trên tuyến đường Phạm Hùng suốt ngày then cài cửa đóng.
Theo khảo sát của Thanh Niên trong buổi chiều 23.7, tại hầm trước cửa Bến xe Mỹ Đình và hầm đối diện siêu thị Big C Thăng Long (222 Trần Duy Hưng) thì lác đác có người đi. Còn lại, hệ thống hầm dẫn từ đầu đường Phạm Hùng, đoạn gần cầu vượt sang làn đường đối diện phía chợ Dịch Vọng Hậu bị khóa cửa. Hầm trước cửa Viettel Technology gần Trung tâm Hội nghị quốc gia trên đường Phạm Hùng cũng trong tình trạng đóng cửa.
Nơi ở của người vô gia cư
Chị Hạnh, nhân viên Công ty CP công trình giao thông 2 Hà Nội, đang trực hầm đối diện siêu thị Big C cho biết: “Ngồi trực tại đây, đến mắc bệnh tự kỷ mất thôi. Có khi tôi ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ mà chẳng thấy ai đi qua cả. Thế nên, có bao nhiêu người hay đi qua hầm, tôi đều nhẵn mặt, thậm chí nắm được chính xác cả thời gian”.
Qua ngã tư Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng - cao tốc Láng - Hòa Lạc cũng có 2 hầm. Thế nhưng cả hai đều bị ai đó dùng rào tre quây kín. Theo lời kể của chị Hạnh, cách đây không lâu một trong số những hầm trên đường Phạm Hùng còn trở thành nhà ở của một cặp vợ chồng. “Phòng ngủ có đầy đủ tiện nghi: giường, tủ, tivi, quạt điện và khu bếp riêng biệt. Nhưng vì “lên báo” nhiều quá, nên họ bị đuổi đi. Giờ thì 4 cái cửa hầm (2 cái phía đường Phạm Hùng, 2 cái phía gần chợ Dịch Vọng Hậu - PV) đều bị khóa. Dù thế, thỉnh thoảng vẫn có kẻ đột nhập vào hầm, để phóng uế và... tiêm chích, hút hít”, chị Hạnh kể.
|
Thậm chí, một trong những hầm đường bộ hiện đại nhất Hà Nội bây giờ, có vốn đầu tư lên đến gần 1.500 tỉ đồng là hầm đường bộ Ngã Tư Sở lại trở thành điểm vui chơi, tập xe đạp... của người dân thủ đô. Hầm “ế” khách, phần vì có quá nhiều cửa lên xuống (12 cửa), và bảng chỉ dẫn lại không rõ ràng. “Em đi chợ Ngã Tư Sở chơi, lúc về đi hầm đường bộ để lên đường Trường Chinh. Nhưng em nhìn thấy 2 biển: 1 đề Trường Chinh - Tây Sơn, 1 đề Trường Chinh - Nguyễn Trãi - Láng, loằng ngoằng khó hiểu quá, hỏi bác bảo vệ trực hầm mà vẫn bị sai cửa lên. Cuối cùng em chẳng biết đi như thế nào, đành quay lên, đi qua đường”, Nguyễn Thị Lan (SV ĐH Thủy lợi trọ tại Trường Chinh) kể.
Đóng cửa để... chống hư hỏng!
Câu hỏi đặt ra là tại sao hầm đường bộ và những cây cầu vượt văn minh, hiện đại như thế lại bị bỏ hoang, hoặc nếu có sử dụng thì hiệu quả không cao, gây lãng phí tiền của, công sức xây dựng? Trong khi mỗi ngày, ở Hà Nội có không ít những vụ tai nạn giao thông mà thủ phạm (và cũng có thể là nạn nhân) chính là người đi bộ sang đường.
“Vấn đề đặt ra không phải xây dựng những gì mà là sau khi xây dựng xong sẽ quản lý như thế nào. Tôi đã từng sang Nam Ninh (Trung Quốc), thấy hầm đi bộ và cầu vượt của người ta hoạt động rất hiệu quả...”, anh Nguyễn Văn Dũng (ngõ 166 Trần Duy Hưng, Q.Cầu Giấy) đứng đợi xe tại Bến xe Mỹ Đình bày tỏ. Theo quan điểm của anh Dũng, cần phải đầu tư một cách đồng bộ các công trình, cái nọ hỗ trợ cái kia mới mong sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, cho rằng nhiều hầm đường bộ tại khu vực TP Hà Nội được đầu tư xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau. Đến nay nhiều hầm vẫn chưa được bàn giao để khai thác sử dụng vì thủ tục hoặc các hạ tầng kèm theo chưa xong. Ông Việt cho rằng: “Cả hệ thống đường hoặc hầm phải hoàn thiện đồng bộ thì việc khai thác mới có hiệu quả”.
Một cán bộ có trách nhiệm thuộc BQL Thăng Long, chủ đầu tư của hệ thống hầm đường bộ trên đường vành đai 3 - Hà Nội, cũng xác nhận nhiều hầm trên tuyến dù đã hoàn thiện nhưng chưa bàn giao bởi nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, 6 hầm trên đường Phạm Hùng, đoạn từ Trung Hòa đến Mai Dịch, đã hoàn thành từ rất lâu nhưng chỉ có 4 hầm được bàn giao, 2 hầm còn lại đang phát sinh một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Tương tự, các hầm trên tuyến vành đai 3 từ Thanh Xuân - Linh Đàm đang trong giai đoạn hoàn thiện về hồ sơ thủ tục. Do chưa được bàn giao nên nhiều hầm đang phải “cửa đóng then cài” để chống mất mát hoặc hư hỏng tài sản trong hầm, dù tại các hầm này đều có lực lượng bảo vệ thường xuyên túc trực...
Trần Đan - Thái Uyên
Bình luận (0)