Ngày 24.10.2016: Kênh truyền hình cáp JTBC tuyến bố phát hiện 200 tập tin trong máy tính cá nhân của bà Choi Soon-sil, trong đó có 44 tập tin chứa bản sao những bài diễn văn của Tổng thống Park Geun-hye, theo tờ The Korea Times.
JTBC khẳng định 44 bản sao đó được lưu vào máy tính trước khi được bà Park phát biểu trong các sự kiện. Thông tin này củng cố suy đoán trước đó rằng bà Choi đã biên tập những bài phát biểu của Tổng thống Park và can thiệp vào công việc quốc gia, dù không giữ một vị trí nào trong chính quyền. Đó cũng là lúc vụ bê bối xung quanh Tổng thống Park và bà Choi bắt đầu bùng nổ.
Ngày 25.10.2016: Tổng thống Park lên tiếng thừa nhận đã để cho bà Choi biên tập những bài phát biểu của mình trong những năm đầu lãnh đạo, đồng thời lên tiếng xin lỗi người dân về những quan ngại liên quan đến vụ bê bối này.
Ngày 28.10.2016: Bà Park sa thải một số trợ lý chủ chốt của mình giữa lúc tỷ lệ ủng hộ bà giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất dành cho một tổng thống đương nhiệm trong lịch sử nước này.
Ngày 29.10.2016: Hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình kêu gọi Tổng thống Park từ chức ngay lập tức hoặc luận tội nhà lãnh đạo này, theo Reuters. Nối tiếp cuộc biểu tình đó, cứ mỗi cuối tuần, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người tham gia biểu tình phản đối nữ tổng thống tại thủ đô Seoul và nhiều địa phương khác.
Ngày 30.10.2016: Bà Choi trở về nước sau 2 tháng ở châu Âu, theo sau nhiều cáo buộc nhắm vào bà.
tin liên quan
Vì sao Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không từ chức?Tình cảnh tưởng chừng đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không thể giữ ghế: trở thành nghi phạm, bị điều tra, bị dân chúng biểu tình chống đối dữ dội, nhưng bà vẫn không từ chức. Vì sao?
Ngày 6.11.2016: Hai cựu trợ lý hàng đầu của Tổng thống Park là ông Ahn Jong-bum và ông Jeong Ho-sung bị bắt với cáo buộc lạm quyền và hỗ trợ bà Choi.
Ngày 29.11.2016: Tổng thống Park để ngỏ khả năng từ chức và đề nghị quốc hội sắp xếp việc chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, các đảng đối lập bác bỏ đề nghị này, cáo buộc bà Park cố tình trốn tránh quá trình luận tội.
Ngày 6.12.2016: Lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc đến quốc hội tham dự phiên điều trần đầu tiên về vụ bê bối. Khi đó, các đại diện các tập đoàn tuyên bố trước quốc hội rằng họ không tìm kiếm sự ưu ái khi đóng góp tiền cho 2 tổ chức phi lợi nhuận được cho là do bà Choi quản lý.
tin liên quan
Tổng thống Hàn Quốc bị tố nhận hối lộ từ SamsungNhóm công tố viên đặc biệt Hàn Quốc ngày 6.3 kết luận Tổng thống Park Geun-hye đã thông đồng với bạn thân Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ Samsung nhằm giúp Phó chủ tịch Lee Jae-yong kiểm soát tập đoàn này.
Ngày 9.12.2016: Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park liên quan đến các cáo buộc trong vụ bê bối, khiến bà bị đình chỉ quyền lãnh đạo. Kể từ đó, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn giữ vai trò tổng thống tạm quyền.
Ngày 19.12.2016: Bà Choi xuất hiện lần đầu tiên tại Tòa án Quận trung tâm Seoul, nhưng phủ nhận mọi cáo buộc nhằm vào mình.
Ngày 21.12.2016: Nhóm công tố viên đặc biệt bắt đầu cuộc điều tra về vụ bê bối.
Ngày 3.1.2017: Tòa án Hiến pháp bắt đầu phiên đầu tiên xem xét kiến nghị luận tội bà Park, theo tờ The Hankyoreh. Tòa án Hiến pháp có thời hạn tối đa 180 ngày để ra phán quyết về kiến nghị luận tội này.
Ngày 17.2: Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ 36 triệu USD cho bà Choi để được chính quyền của Tổng thống Park hậu thuẫn quá trình sáp nhập 2 công ty con của Samsung hồi năm 2015, theo Yonhap.
tin liên quan
Phó chủ tịch Samsung bị truy tốÔng Lee Jae-yong, phó chủ tịch tập đoàn Samsung đã bị truy tố vì tội hối lộ.
Ngày 6.3: Nhóm công tố viên đặc biệt công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài 70 ngày về vụ bê bối trên, tái khẳng định Tổng thống Park đồng lõa với bà Choi trong vụ nhận hối lộ từ Samsung, theo Yonhap.
Ngày 8.3: Phát ngôn viên Tòa án Hiến pháp Bae Bo-yoon thông báo phán quyết về kiến nghị luận tội bà Park sẽ được công bố vào lúc 11 giờ sáng 10.3 (giờ địa phương), theo Reuters.
Bình luận (0)