Trước khi được chính thức thành lập ngày 3.3.1959 với tên gọi Công an vũ trang, những người lính làm nhiệm vụ chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa trên toàn tuyến biên giới phía bắc đã phải đấu tranh với ý đồ bành trướng từ phía láng giềng Trung Quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc của Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) thầm lặng và kiên cường từ hơn nửa thế kỷ qua...
Giữ từng giờ Nậm Cúm
Suối Nậm Cúm là phụ lưu của sông Nậm Na, chạy dọc biên giới Việt - Trung từ xã Sì Lờ Lầu qua Ma Ly Chải, Phù Sang rồi đến cửa khẩu Ma Lù Thàng của xã Ma Ly Pho (Phong Thổ, Lai Châu) mới đổ vào dòng Nậm Na. Mỗi hòn đá bên con suối, là đường biên giới tự nhiên, này đều in dấu chân và cả mồ hôi, máu của những người giữ đất.
Ông Lý Chào Xuân, năm nay 70 tuổi, từng làm Bí thư Đảng ủy xã Ma Ly Pho đến 3 khóa nên rất rành rọt mọi câu chuyện về đất đai, mốc giới. Chạy dọc theo suối là khu vực ruộng bậc thang của người dân bản Pa Nậm Cúm. Những năm 1960 - 1970, Trung Quốc giúp VN làm đường Hữu Nghị 12 nối Pa Nậm Cúm với TT.Phong Thổ. Thời điểm này chưa có cầu Hữu Nghị nối 2 nước, suối lại sâu nên phía Trung Quốc làm một con đường ngầm cho xe tải qua suối. Sau khi hoàn thành con đường, mưa lũ bồi đắp đất đá làm ngầm to cao dần khiến dòng chảy bị tắc. Nước suối ứ đọng dâng cao và chảy theo dòng mới sâu vào lãnh thổ ta từ 50 - 300 m. Phía Trung Quốc ngang nhiên khẳng định biên giới là dòng suối mới, sau đó xây dựng một công trình bê tông sát mép nước về phía họ. “Khi ta phản kháng, họ nói là xây bể ngầm đựng nước. Kỳ thực đó là vật cản để họ nắn dòng chảy làm xói lở phía ta”, ông Lý Chào Xuân nói vậy.
|
Đối mặt với máy xúc
Từ những năm 1997, 1998 và đầu 2003, Trung Quốc triển khai xây kè sông biên giới, quy mô kè dài 270 m bảo vệ khu vực kinh tế cửa khẩu Kim Thủy Hà, đã làm xói lở nghiêm trọng bờ phía VN. Để bảo vệ bờ sông biên giới của ta, tháng 3.2003, UBND tỉnh Lai Châu tiến hành xây kè và năm 2004 hoàn thành. Tháng 6.2004, thực hiện thỏa thuận cấp cao 2 nước, 2 bên đã ngừng xây kè. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6.2006, phía Trung Quốc lại thả rọ đá, bao cát xuống chân kè bên họ bằng máy xúc, để chống sạt lở. Đặc biệt, chiều 11.3.2007, tại khu vực kè của Trung Quốc, cách cầu Hữu Nghị về phía hạ lưu khoảng 600 m (đối diện cây xăng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, địa bàn quản lý của Đồn biên phòng 279 - Ma Lù Thàng), Trung Quốc huy động hàng chục công nhân xếp đá vào bao cát để ngăn nửa dòng chảy suối Nậm Cúm và còn đưa máy xúc ra xúc đất đổ xuống. Đồn biên phòng Ma Lù Thàng đã yêu cầu phía Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động trên. Đến trưa ngày hôm sau phía Trung Quốc đã tạm ngừng thi công và đưa 2 máy xúc vào cách biên giới 700 m...
Diễn biến câu chuyện về đoạn sông biên giới vắn tắt vậy, nhưng với những người dân bản Pa Nậm Cúm thì đó là những giờ phút đấu tranh dai dẳng, chấp nhận hy sinh tính mạng. Ông Đồng Văn Pơn, dân tộc Thái, năm nay 90 tuổi là một trong những người như vậy. Sinh năm 1928, quê ở Mường So (Phong Thổ), ông Pơn đã trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Xuất ngũ về quê, gia đình ông Pơn và 34 hộ người Thái đầu tiên di cư từ Mường So đến Pa Nậm Cúm.
Ông Pơn nhớ lại: trước thời điểm phân giới cắm mốc VN - Trung Quốc (2009), do chưa rõ ràng trong phân định đường biên giới đất liền nên đã tạo ra nhiều điểm tranh chấp nóng trên tuyến biên giới giữa 2 nước, trong đó có Ma Lù Thàng. Tại khu vực này, phía Trung Quốc thường xuyên cho máy xúc thi công đắp kè trên sông, xây dựng các công trình cầu đường trên phần đất của họ. Ở những đoạn dòng chảy hẹp, cạn của con sông, trong khi thi công, Trung Quốc đã xâm phạm vào gần đường biên nằm ở tim dòng chảy giữa sông, đồng thời làm thay đổi dòng chảy, làm rộng lòng sông, dẫn tới làm dịch chuyển đường biên giới, gây xói mòn bờ sông phía VN.
|
“Chúng tôi cùng bộ đội biên phòng cắt cử người theo dõi mấy cái máy xúc, cứ khi nào hoạt động là gọi nhau chạy xuống lòng sông yêu cầu người lái máy xúc dừng lại. Bà con dân bản thấy vậy bỏ hết việc nhà ra tiếp ứng, đứng san sát bên nhau như bức tường”, ông Lý Dân Quẩy (61 tuổi, bản Pa Nậm Cúm) kể.
Liên tục trong nhiều ngày, cả 60 hộ dân của bản Pa Nậm Cúm ngày nào cũng đứng trong giá rét, thay phiên nhau giữ nguyên hiện trạng lòng sông, ngăn cản việc tự ý xây dựng khi chưa có sự đàm phán, bàn bạc của cơ quan chức năng 2 bên. Ai lạnh quá không đứng vững thì về nhà thay áo, người khác lại vào thế chỗ.
Sáng 12.3.2007, khi cuộc đấu tranh lên đến đỉnh điểm, chiếc máy xúc Trung Quốc bất chấp đoàn người, hạ gầu múc đất dưới lòng sông. Ngay lập tức, ông Đồng Văn Pơn nhảy phắt lên chiếc gầu máy xúc, đứng trên những chiếc răng khổng lồ và hét lớn: "Yêu cầu dừng thi công, đây là sông biên giới. Đề nghị tôn trọng hiện trạng, đây là đất đai của chúng tôi". Trước sự cương quyết của ông Pơn, những người dân bản Pa Nậm Cúm và phía sau là hàng trăm người dân xã Ma Ly Pho ào ào kéo đến chi viện, đơn vị thi công của Trung Quốc phải rút khỏi hiện trường, chấp nhận cam kết đàm phán...
Trong nhiều lần gặp gỡ, làm việc đồng cấp ở cơ sở giữa 2 bên cũng như trong những lần hội đàm cấp tỉnh, cấp khu, cấp T.Ư, phía VN đã thật sự mềm dẻo về sách lược, đồng thời kiên trì về nguyên tắc bảo vệ đất đai, chủ quyền Tổ quốc. Từ ngày 6 - 9.11.1959 tại Nam Ninh (Trung Quốc), đại diện Chính phủ VN đã hội đàm với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề biên giới Việt - Trung. Phía VN nêu thực trạng biên giới từ sau khi miền Bắc VN được giải phóng cho đến thời điểm diễn ra hội đàm và nhấn mạnh với phía Trung Quốc về tình hình của bọn phản cách mạng từ Trung Quốc xâm nhập VN. Đặc biệt, vấn đề xâm canh xâm cư vào sâu lãnh thổ VN, quốc giới bị vi phạm cũng được đại diện Chính phủ VN nêu rõ...
Đáp lại, phía Trung Quốc cũng nhận thấy những vấn đề VN đưa ra là “không thể mặc nhiên để nó xảy ra”. Đối với việc đất đai VN bị lấn chiếm, phía Trung Quốc lờ đi hoặc có ý bảo vệ việc sai. Về vấn đề xâm canh xâm cư, 2 bên đi đến thỏa thuận và ký kết văn bản chung để giải quyết tình hình một cách phù hợp.
(Nguồn: Chiến sĩ Biên phòng, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1998)
|
Bình luận (0)