Những cú lừa 'đứng tim' ngày cá tháng tư

01/04/2018 11:25 GMT+7

'Em thất thần cố nghĩ xem mình đã sai sót gì, rồi chuẩn bị tinh thần bị sếp la…”, Lê Mộc Miên nhớ lại cú lừa 'nhớ đời' của khách hàng trong ngày 1.4 cách đây vài năm.

Ngã ngửa mới hay mình… cả tin
Mộc Miên đang làm việc tại một tập đoàn tại TP.HCM, cho biết kể từ lần bị lừa ấy đến giờ, Miên phải luôn cảnh giác mỗi lần sắp đến ngày cá tháng tư (1.4), vì sợ bị “dính bẫy” lần nữa.
Miên kể lại: “Lúc đó tụi em đang nghiệm thu dự án. Buổi sáng 1.4, anh khách hàng nhắn tin nói là Miên ơi, sao cái báo giá nghiệm thu sai nhiều mục lắm? Rồi ảnh nói sẽ gửi mail chỉ ra cụ thể. Nghe xong, em thất thần báo với sếp khiến sếp em cũng bấn loạn”. Đây là dự án có rất nhiều hạng mục mà Miên và đồng nghiệp theo đuổi suốt 2 năm, phải làm việc nhiều ngày để kiểm tra hồ sơ kỹ trước khi gửi đi. Nay sắp nghiệm thu nhận tiền thì tin đó quả là sét đánh ngang tai.
“Em đã chuẩn bị tình thần nghe sếp la, rồi phải làm việc với kế toán, phải giải thích với khách hàng… Nghĩ đến cảnh xử lý đống giấy tờ mà không biết phải bắt đầu từ đâu, em rối tung. Hôm đó lại là thứ 7, công ty không đi làm. Em đang tính chạy lên công ty thì anh khách mới gọi điện nói 'mới sáng sớm ăn được con cá to quá'. Em chỉ còn biết kêu trời vì rơi vào khoảnh khắc đứng tim", Mộc Miên kể.
Trong khi đó, Minh Tùng (Trường ĐH Lạc Hồng) thì bị lừa một “vố” không ngờ tới. Chả là tối 31.3 nhóm bạn của Tùng gồm 4 người rủ nhau đi ăn uống. Sáng 1.4, một bạn trong nhóm gọi điện cho biết mình ngộ độc phải vào bệnh viện khám. Bác sĩ nói bị xuất huyết dạ dày, mà cậu bạn thì không có tiền đóng viện phí.
“Lúc đó mới 6 giờ 30 sáng. 3 thằng tụi em tức tốc vắt giò lên cổ chạy vào bệnh viện, tay cầm theo tiền. Cứ nghĩ cảnh thằng bạn đêm qua phải bơ vơ một mình mà thương quá. Tới nơi không thấy đâu, gọi thì nó bảo vừa chuyển viện khác. Tụi em lại lên xe lao đi. Cuối cùng nó gọi lại bảo đang đợi tụi em ở nhà, cơm nước đã sẵn sàng chỉ việc qua ăn. 3 thằng từ trạng thái xanh mặt vì lo cho bạn, chuyển sang đỏ tía tai vì tức”, Tùng nhớ lại.
Tuyết Hương (làm việc tại tập đoàn Hùng Hậu) thì đứng tim trong hạnh phúc, vì người yêu lừa cô là đi công tác nhưng bất thình lình tối lại xuất hiện trước cửa nhà, khiến cô gái mắt chữ A miệng chữ O.
“May mà tối đó ở nhà một mình, có anh nào đến chơi là chết”, Hương hài hước.
Chỉ nên “nói dối nhẹ nhàng”
Ngày nay, việc nói dối trong ngày 1.4 đã trở nên phổ biến nên không phải ai cũng đi “lừa” thành công người khác. Chẳng hạn đăng một tấm hình mặc váy cưới rồi bảo “em sắp lên xe hoa” hoặc nhét quả bóng vào bụng nói “các mẹ ơi mình sắp có em bé”, cũng hiếm ai tin. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thì vẫn rất “nhẹ dạ” trước trò láu lỉnh của con cái.
Thúy Diễm, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhớ lại: “Năm ngoái, buổi tối mình gọi điện về quê cho mẹ, giọng u sầu hết sức. Mình báo tin mình lỡ có bầu, mà người yêu mình bỏ đi đâu không liên lạc được. Nay mình phải bỏ học cả tuần để đi tìm người yêu. Mẹ mình khóc bù lu bù loam bố thì đòi đi tàu vô để 'tìm thằng sở khanh'. Mãi lúc sau mình giải thích nay là ngày nói dối, mẹ mình mới thở phào”.
Sau khi kể trên facebook, nhiều bạn bè của Diễm vào bình luận “Cậu đùa ác thế, bà mẹ nào yếu tim nghe xong có khi phải nhập viện”.
Nguyễn Thu Hà, sinh viên ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Theo mình thì ngày cá tháng tư lừa người khác hoặc bị ai lừa cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, không nên đùa thái quá, chỉ nên 'hành động' nhẹ nhàng để người bị lừa sau khi hiểu ra cười phá lên một trận vui vẻ, chứ đừng để một ai bị ấm ức, hụt hẫng, thậm chí có khi còn không muốn chơi với nhau nữa cũng chỉ vì lừa nhau quá đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.