Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá

23/06/2024 12:59 GMT+7

Những ký ức về cư xá Lữ Gia năm cũ vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của nhiều người xưa. Ngày nay, cư xá Lữ Gia giữa lòng TP.HCM đã đổi thay thế nào?

Lặng lẽ Lữ Gia

Tôi có một quán nước "ruột" ở cư xá Lữ Gia, nằm một góc đường ở P.14, Q.11 (TP.HCM). Những ngày buồn buồn, tôi chạy con xe máy cà tàng, chiều chiều ngồi uống nước cùng vài người bạn quen. Sẵn, tôi thường hướng tầm mắt tới hàng dài học sinh từ Trường THCS Lữ Gia gần đó thong dong tan học.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 1.

Tên gọi cư xá Lữ Gia quá đỗi quen thuộc với người dân Q.11 nói riêng và TP.HCM nói chung

CAO AN BIÊN

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 2.

Những chốn quen ở Lữ Gia, thân thuộc với nhiều người

CAO AN BIÊN

Khác với sự ồn ào, tấp nập của dòng xe nơi TP.HCM, nhịp sống chậm rãi, có phần lặng lẽ ở cư xá Lữ Gia cho tôi cảm giác thật khác. 

Ở đây, tôi quen ông Phong, tuổi đời cũng thuộc hàng sáu, cũng thường ngồi uống nước ở khu này. Là dân Q.11 từ trước tới nay, dù không sống ở cư xá Lữ Gia, nhưng trong ký ức của ông Phong, nơi này gắn với những kỷ niệm tuổi thơ những ngày trước 1975. Lúc đó, ông thường từ nhà đến đây, cùng tụi bạn đá banh hay ghé trường đua Phú Thọ sát bên chơi.

Mấy chục năm trở lại đây, ông chạy xe ôm. Chiều chiều lại ngồi dưới quán nước vỉa hè dưới gốc cây phượng quen thuộc, nhâm nhi, buôn vài câu chuyện "nhân tình thế thái" cùng mấy người bạn già. Để rồi, cư xá Lữ Gia, với ông, đã trở thành chốn quen tuổi trẻ cũng như tuổi xế chiều.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 3.

Một góc cư xá Lữ Gia, bình yên

CAO AN BIÊN

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 4.

Những con đường vắng tiếng xe

CAO AN BIÊN

Một người đàn ông khác, cũng là người quen ông Phong chiều chiều cũng ghé đây. Sinh năm 1961, sống ở cư xá Lữ Gia từ nhỏ, nơi này đã quá quen thuộc với người đàn ông này khi ông biết từng nhà ở đây thuộc sở hữu của ai trước 1975.

Theo hồi ức của ông, cư xá này dành cho công chức chế độ cũ, được xây dựng vào đầu thập niên 60 nổi bật là các biệt thự của những nhân vật thuộc chế độ VNCH ngày xưa. Cư xá Lữ Gia trước năm 1975 gắn với ký ức tuổi thơ của ông những ngày còn học Trường tiểu học Lữ Gia, khu này không ai không biết. 

Tới mãi năm 1978, trường mới đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 1, 2 Lữ Gia và đến năm 1995, trường được đổi tên thành THCS Lữ Gia cho đến ngày nay. Ngôi trường này, đã trở thành ký ức, hoài niệm của biết bao thế hệ học sinh từ khi thành lập năm 1963 cho tới ngày nay.

Lữ Gia, ai nhớ ai quên?

Trong quyển sách Lịch sử truyền thống đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân P.15, Q.11 giai đoạn 1930 - 2020, ghi rõ, một phần cư xá Lữ Gia dành cho công chức chế độ cũ, được xây dựng vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Theo tài liệu, cư xá Lữ Gia là nơi ở của hàng nghìn gia đình binh sĩ, sĩ quan cấp úy, tá, tướng, cảnh sát của chế độ cũ cùng trại gia binh Hạ Hồi, khu trường Nữ quân nhân chuyên huấn luyện lực lượng nữ mang tên Phượng Hoàng, Thiên Nga chống phá cách mạng.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 5.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 6.

Ảnh tư liệu về trường đua Phú Thọ, sát cư xá Lữ Gia

Nơi này, là nhà ở của nhiều sĩ quan cao cấp thuộc chế độ cũ như: Lâm Văn Thơ, Đỗ Kế Giai hay Nguyễn Văn Vệ, còn được mệnh danh là "chúa đảo Côn Sơn"; Lê Văn Ngôn, là giám đốc nha Cảnh lực; Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 bộ binh; Trung tá Đỗ Tấn Đức, là trưởng trại giam Chí Hòa…

"Nhưng chính trong cư xá Lữ Gia và chung cư Lý Thường Kiệt lại có những người dân nghèo mua thúng bán bưng, hằng ngày tham gia hoạt động cách mạng. Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Diệu Hương, sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tài liệu ghi rõ.

Cũng theo tư liệu, trước năm 1960, khu cư xá Lữ Gia và các tuyến đường 273B, 275A, 281, 293, 297, 299, 317 Lý Thường Kiệt thuộc đồn điền cao su của Pháp giao cho một cha cố thuộc nhà thờ Tân Phước quản lý.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 7.

Trường THCS Lữ Gia có từ trước 1975, là ký ức của nhiều thế hệ người dân Q.11

CAO AN BIÊN

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 8.
Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 9.
Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 10.

Kế bên cư xá Lữ Gia, là khu vực trường đua Phú Thọ có diện tích hơn 44 héc ta. Giai đoạn những năm 1936 - 1940, đây là sân golf của chính quyền thuộc địa Pháp. Sau năm 1950, chính quyền ngụy quyền Sài Gòn cho xây dựng trường đua Phú Thọ

Trong khu vực trường đua, để bảo vệ các yếu nhân và tướng tá đến chơi, xem đua ngựa, chính quyền cũ bố trí một lực lượng cảnh sát cơ động. Kèm theo đó, là khu gia binh nằm dọc đoạn đường Lữ Gia và Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Đại Hành. Còn tại ngã tư đường 3 Tháng 2 và Lý Thường Kiệt là nơi bố trí trạm biến thế điện lực Phú Thọ.

Người lành thì đất cũng lành

Sống ở cư xá Lữ Gia từ thời còn con gái, nay cụ Tâm đã 87 tuổi. Những ký ức về cư xá, trong trí nhớ của cụ bà chập chờn, phần vì tuổi cao sức yếu sau cơn tai biến, phần vì giai đoạn trước 1975, bà từng sống ở nhiều nơi, từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn… Mãi sau 1975, bà mới trở lại nhà xưa.

“Hồi đó, chỗ này vắng vẻ, nhà thì không có lầu mà thấp thấp vầy thôi. Sau này, dần dần, người ta xây nhà lầu cao hơn, nhà tôi cũng mới sửa, cất cao hơn hồi mấy năm trước. Hồi đó không có được như vầy!”, bà thuật lại.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 11.
Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 12.
Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 13.

Nhịp sống chậm rãi ở cư xá Lữ Gia

CAO AN BIÊN

[CLIP]: Cư xá Lữ Gia bình yên 

Có 6 người con, ở tuổi xế chiều, bà sống cùng gia đình con kế út và con út, được các con phụng dưỡng chu đáo. Đó cũng là hạnh phúc của bà ở tuổi xế chiều, giữa cư xá Lữ Gia.

Về làm dâu cụ Tâm 20 năm, cũng là ngần ấy thời gian chị Cam chứng kiến cư xá Lữ Gia thay đổi từng ngày. Với chị, đây là mảnh đất lành, con người cũng lành giúp chị làm ăn buôn bán thuận lợi. Là người Huế, chị bán bún bò Huế vào buổi sáng, cứ vậy suốt mấy chục năm nay ở cư xá yên bình này.

Ghé một quán cà phê trong đường số 1, cư xá Lữ Gia, anh Hoàng Nhân (34 tuổi, ngụ Q.11) cho biết nhà mình không ở cư xá, nhưng cách đây không xa. Dọc đường Lữ Gia, có nhiều quán nước quen mà anh thường tới uống một mình.

“Cư xá Lữ Gia với tôi chỉ là nơi để chữa lành những khi thấy stress công việc, mệt mỏi. Đôi khi tôi hay chạy bộ, thể dục. Ở đây yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường sống tốt. Nếu mà có điều kiện cũng muốn mua nhà ở đây", anh cười nói.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND P.15 (Q.11) cho biết cư xá Lữ Gia nằm trên địa bàn phường được bao quanh bởi các tuyến đường Lữ Gia, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thị Nhỏ, Thiên Phước.

Ngày trước, cư xá nằm trên địa bàn của 3 khu phố 1, 2, 3. Tuy nhiên mới đây, sau khi phường có sự thay đổi các khu phố, cư xá nằm trên địa bàn của các khu phố 1,2,3,4,5,6.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Lữ Gia bình yên nhưng mức sống khá- Ảnh 14.

Cư xá Lữ Gia ngày nay thuộc địa bàn P.15, Q.11

ẢNH TƯ LIỆU

Lãnh đạo P.15 cho biết hiện nay, cư xá Lữ Gia có trên 60% dân số là gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, Đảng viên, chính quyền, đoàn thể cư trú. Bên cạnh đó, nhiều người dân sinh sống hoặc cho thuê để mở hàng quán, các cửa hàng kinh doanh, người dân có mức sống tương đối cao so với mặt bằng chung Q.11.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.