Những “cửa quan” hành dân: Điệp khúc "lãnh đạo bận họp”

10/05/2012 03:40 GMT+7

Giờ làm việc hành chính của cấp phường trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ đến 17 giờ. Song trên thực tế, nhiều công chức phường “cắt xén” giờ làm với lý do “lãnh đạo bận đi họp”.

Phường vắng cán bộ

Sáng 19.4, PV Thanh Niên đến trụ sở UBND P.15 (Q.11). Mới hơn 10 giờ 30 nhưng tại phòng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính chỉ còn lại một người ngồi trực. Hầu hết người dân đến yêu cầu giải quyết hồ sơ tại thời điểm đó đều phải chờ đợi khá lâu vì không đủ người hoặc phải ra về.

Khi chúng tôi đề nghị sao y CMND, cán bộ văn phòng (không đeo bảng tên) nói: “Hồ sơ anh cứ để đây, chứng thực chiều mới lấy được”. Chúng tôi năn nỉ: “Anh tạo điều kiện chứng giúp vì em có việc gấp”. Vị này thẳng thừng: “Lãnh đạo bận đi họp rồi”. Chúng tôi thắc mắc: “Lãnh đạo đâu chỉ có một người mà sao không có vị nào trực để giải quyết việc cho người dân?”. Người này máy móc trả lời: “Lãnh đạo trực vừa mới đi công tác!”.

Những “cửa quan” hành dân: Điệp khúc "lãnh đạo bận họp” 
Một thanh tra xây dựng ngủ tại trụ sở UBND P.10, Q.3 (TP.HCM) trong giờ làm việc - Ảnh: Đình Phú

Khi chúng tôi quay trở ra cổng tình cờ gặp ông Đẩu cũng vừa từ trụ sở UBND P.15 đi ra với tâm trạng khá bực bội. Ông Đẩu cho biết đang làm ở một xí nghiệp in tại Q.1. Ông xin cơ quan cho nghỉ sớm 1 giờ đồng hồ để chạy xe máy từ chỗ làm việc về UBND P.15 lấy giấy bảo hiểm y tế cho vợ đã đăng ký làm trước đó mấy tháng. Khi vào trụ sở UBND phường, cán bộ văn phòng duy nhất có mặt ở đây chỉ ông lên phòng 8, tầng 2 để nhận. Lên đến nơi thì thấy không có ai trong phòng làm việc. Tìm hỏi, người ngồi phòng bên cạnh bảo chiều lên lấy, giờ không có người phát.

Đến giờ làm vẫn… ngủ! 

 

Tập trung chuyển biến khâu cán bộ

Trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP.HCM tổ chức mới đây đã thẳng thắn mổ xẻ những tồn tại, bức xúc trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Có ý kiến cho rằng, ý thức phục vụ dân chưa tốt của một bộ phận cán bộ, công chức có nguyên nhân từ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức còn nhiều thiếu sót. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho biết, thời gian tới, TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thái độ, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức; tập trung tạo chuyển biến từ khâu cán bộ. TP cũng mở rộng phạm vi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính đối với cán bộ cấp lãnh đạo, không chỉ dừng lại mức đánh giá đối với cán bộ tiếp nhận hồ sơ như hiện nay.

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đi đến nhiều UBND phường, đầu mối trực tiếp giải quyết nhiều công việc liên quan đến dân nhất. Thống kê lại thì xem ra chuyện bớt xén giờ công đã trở thành căn bệnh khá phổ biến.

Gần 16 giờ ngày 29.3, chị Trần Thị Hường đến UBND P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú chứng bộ hồ sơ xin việc làm. Lần đầu đến đây, chị lóng ngóng nhìn quanh rồi để bộ hồ sơ vào chiếc rổ đã có sẵn vài hồ sơ nằm trong đó. 16 giờ 15, cô nhân viên tên Lê Thị Kim Mai phụ trách tiếp dân của ô có chiếc rổ này trước đó không rõ đi đâu giờ xuất hiện lại, gọi tên Hường. Không có ai trả lời, cô lại đặt xuống rổ rồi cầm hai bộ hồ sơ còn lại đi vào trong. 16 giờ 25, cô nhân viên này quay lại, tiếp tục gọi tên Hường. Lần này, chị Hường chạy đến, cô Mai mặt lạnh như tiền phán: “Chứng ở bàn kia, ngày mai lên chứng, bây giờ làm không kịp”. Nhiều người dân chứng kiến lắc đầu ngao ngán. Thay vì chỉ cần chuyển bộ hồ sơ để nhầm rổ sang bộ phận chứng thực chỉ cách đấy 1 m, và chỉ mất ít phút chứng thực nhưng cán bộ lại vô cảm đến thế.

Tương tự, chúng tôi đến UBND P.6 (Q.3) vào lúc chỉ mới hơn 16 giờ nhưng khu vực văn phòng đặt gần 10 ghế ngồi cho cán bộ, công chức phường làm việc cũng chỉ còn lại 1 người, trong khi người dân ngồi đợi khá đông. Hỏi đang trong giờ hành chính nhưng vì sao những cán bộ khác không ở vị trí làm việc, thì người này im lặng. Chúng tôi đặt vấn đề chứng giấy tờ, người này lại bình thản nói: “Hôm nay lãnh đạo bận đi họp rồi. Mai mới chứng được”.

Người dân có quyền đăng ký gặp lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng, phản ánh những bức xúc. Tuy nhiên không phải nơi nào quyền lợi chính đáng đó của họ cũng được đáp ứng đầy đủ. Trường hợp ông Tùng ở P.Thạnh Xuân (Q.12) là một điển hình. Một số khu vực thuộc địa bàn P.Thạnh Xuân không có hệ thống nước máy, người dân phải sử dụng nước giếng ô nhiễm. Việc một số hộ dân trên địa bàn phường chôn cất người ngay trong khu dân cư đã dấy lên một nỗi lo về nguồn nước bị ô nhiễm nhiều hơn. Ông Tùng đã lên phường phản ánh tình trạng này và kiến nghị cần có giải pháp khắc phục, thì được cán bộ phường bảo đi lên quận. “Tôi đề nghị được trực tiếp gặp chủ tịch phường để phản ánh thì họ không cho, bảo là lãnh đạo đi họp rồi, không giải quyết”, ông Tùng kể.

Mới đây, PV Thanh Niên có mặt tại trụ sở UBND P.10 (Q.3) lúc đã quá hơn 15 phút so với giờ bắt đầu làm việc buổi chiều theo quy định. Tuy nhiên, khu vực giải quyết hồ sơ hành chính thưa thớt cán bộ. Ngay bên cạnh, một người trong trang phục thanh tra xây dựng vẫn còn nằm ngủ say trên giường xếp... 

Đình Phú - Lê Nga

>> Những “cửa quan” hành dân: Cán bộ làm sai dân phải chịu!
>> Còn tình trạng bao che cấp dưới khi giải quyết khiếu nại tố cáo
>> Thoát khỏi “địa ngục” ở Trung Quốc: Tất cả lao động Việt Nam đã được về nhà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.