Những cuộc hẹn ngày

“Tôi là chúa ghét cái tính ghen tuông của ông. Đâu mà có thứ đàn ông… Cái hôm ông đấm gãy mũi cái gã là bạn thân của anh tôi mới hãi chứ! Hãi đến tận giờ. Mà ông cũng tinh tướng lắm. Đã ghen mà lại còn chẳng chịu hèn cho tôi nhờ. Gây ra một cái chuyện động trời như thế, hẵng trốn lủi đi đâu lấy một thời gian. Đây chương ướng cái mặt ra…”.

“Tôi là chúa ghét cái tính ghen tuông của ông. Đâu mà có thứ đàn ông… Cái hôm ông đấm gãy mũi cái gã là bạn thân của anh tôi mới hãi chứ! Hãi đến tận giờ. Mà ông cũng tinh tướng lắm. Đã ghen mà lại còn chẳng chịu hèn cho tôi nhờ. Gây ra một cái chuyện động trời như thế, hẵng trốn lủi đi đâu lấy một thời gian. Đây chương ướng cái mặt ra…”.

Minh họa: Tuấn Anh
Bà thoải mái khi kể lại câu chuyện này vào ngày gặp lại ông. Gặp, rất là buồn cười. Khi cả hai cùng theo đám cháu đi tắm biển và trong lúc chúng nó bơi lội giỡn đùa với sóng ở dưới kia, thì họ: “Là ông. Có phải ông đấy không?” và: “Đúng bà rồi. Ối giời! Là bà thật rồi”. Cũng do họ đâm chúi vào nhau khi cùng đi bộ trên bãi. Cát lún mà bước chân của người già vốn đã ít vững. Ông nghĩ thôi cũng là cái duyên, trời hãy còn cho được thấy lại nhau, được gần gụi. Bà bảo: Đúng là nhờ Chúa quan phòng sắp đặt. Nhìn bà, ông không thể ngờ cô gái ngày trước gầy trơ, khô rốc là thế mà giờ phốp pháp đến mức này. Và bà? Cứ ngỡ chàng trai lúc nào cũng ưỡn ngực ra phía trước, cứ như là thách thức mọi sự, thì chẳng bao giờ cái lưng phải gãy cúp đến thế. Ông dấm dẳng: Do có đến cả chục năm, tôi phải về sống ở nông thôn và gặt hái cấy bừa gánh vác đủ các việc. Không quên móc méo lại bà về cái lưng cũng cóm ra, cóm róm lắm rồi. Bà đối đáp ngay, là do tôi dùng glucosamine quá trễ, ông ạ!
Ông nhìn kỹ lại bà hơn và nhận ra: Dẫu cho cơ thể bà có hơi dư giủ tí thịt tí mỡ nhưng vẫn đẹp và là cái đẹp đẫy đà, toàn vẹn vẫn khiến trái tim ông đập loạn nhịp. Đập như thế này rất dễ trụy tim mạch lắm đây. Nhưng cũng có cái lạ là tim vẫn luôn đập thế mỗi khi được gần gũi nhau mà chẳng hề đau đớn sứt mẻ gì. Bà đùa: “Lũ già chúng mình sống nhiều ma mãnh lắm nên trái tim cũng biết khôn ra”. Từ buổi sáng ở biển ấy, tuần nào, ông bà cũng gặp nhau chí ít là một lần. Đã có cái di động nên rất tiện. Chỉ cần bấm số: “Hôm nay bà có rỗi không?”, “Hôm nay ông rảnh chứ gì?” và: “Thế, ông nhé, quán cà phê…”. Và: “Ăn cơm trưa, được không hở bà?”. Họ chỉ hẹn hò với nhau vào ban ngày và đến bằng xe taxi. Chỉ một lần, bà đi xe ôm tới địa điểm gặp và bị ông mắng cho sa sả. Bảo nắng nôi thế này, đường sá thế này bà có muốn chết không thì bảo. Bà nhìn ông và hứ hứ rồi nhẩn nha: “Chết là chết thế nào. Tôi chưa điên. Có muốn làm bạn với lão sáu tấm (*) thì để lúc khác, chứ không phải bây giờ nhé!”. Ông chẳng vừa, nheo nheo nửa mắt và cười nửa môi rõ duyên, khi cợt nhả:
- Thế… Thế lúc này làm bạn với ai nào?
- Không biết hay sao mà còn hỏi nữa hả trời?
- Nhưng, vẫn cứ muốn là xác nhận cụ thể.
- Lại nữa. Bộ ông quên lần trước. Ờ nhỉ! Lâu rồi khéo ông chẳng nhớ.
- Quên là quên thế nào. Mấy chục năm chứ có mà mấy
trăm năm, thằng này cũng vẫn để bụng.
- Sao mà có cái thằng nào nó nhỏ nhen đến thế! Mà thằng hay lão nhỉ?
- Thằng cũng đích thị đây mà lão cũng đấy. Đã tưởng điên vì hai chữ “không yêu” của bà. Nhớ chưa?
- Thì… tôi mới chỉ để ý đến ông mà cứ bị hỏi dồn hỏi dập mãi. Cứ một hai là phải xác nhận cụ thể. Nghe cứ như là đi chứng giấy tờ. Điên tiết thế là phẹt ngay.
- Ờ! Mà nghĩ lại tôi ngày ấy cũng rõ chán thật, bà nhỉ?
- Ông rất chán và đó là xác nhận cụ thể của bà lão này.
Bà vừa nói vừa chỏ vào mặt ông cười to. Tiếng cười của bà vốn lạ lắm và không chỉ hấp dẫn ông ngày trẻ. Bà cười khinh khích, khinh khích rất vui tai và nghe ra như có cả cái sự chòng ghẹo rủ rê. Hồi còn thanh niên, được nghe cái con người này cười, người bắt nóng ran cả lên và cứ muốn muốn là… Giờ, chỉ thích được cười hết cỡ. Cười cho nở phổi căng ngực mới thôi. Và mừng, vì có riêng hẳn một người luôn gợi cho mình cười.
Họ ăn với nhau bữa cơm ở một nơi rất yên tĩnh và thoáng đãng. Quán gần một cây cầu bắc qua biển nên đang là giấc trưa, mà vẫn rất mát mẻ. Gió và hơi nước phả lên khiến người dễ chịu hẳn, dù đang giữa mùa hè. Họ gọi ít món và là các thứ mềm như canh cua rau đay, đậu phụ luộc, cá thu xốt cà. Già rồi. Ăn gì mấy nỗi mà cũng rất ngại các thứ dầu mỡ khó tiêu. Cà pháo để cắn đôm đốp ư? Không thể và thêm nữa đấy cũng là việc tế nhị nên chẳng ai dại gì mà đá động. Ối dào! Chỉ cần nhìn hai hàm đều tăm tắp và thẳng thớm của ông là biết ngay. Vì bà vẫn nhớ như in mấy cái răng đã hơi vẩu mà còn lộn xộn của ông, hồi trẻ. Rồi nụ cười bà được sáng trưng đến thế kia, tất nhiên, là không thể từ những cái răng vàng khè như trước rồi. Của đáng tội. Cũng do hồi bé, bà ốm đau lắt nhắt mãi và phải dùng thuốc trụ sinh nhiều.
Ông gọi hai ly vang đỏ của Pháp và cả hai nhâm nhi suốt buổi. Họ đều ăn ít và không màng gì chuyện ngon dở. Ông được hai lần bới lưng bát, chép miệng: “Đúng là cái anh đậu phụ phải chấm mắm tôm mới phải”. Bà liền đáp trả: “Đã hẳn. Thế mới hay người không bị huyết áp cao, lại phải kiêng khem nín thèm là quá dại”. Ông đủng đỉnh: “Nhưng có thế, mới được cùng chấm xì dầu với lão già này. Không thích chắc?” rồi nghĩ thêm, thích thật và sướng thật, là bữa cơm được ăn với nhau và cùng chuyện trò giữa thiên nhiên cảnh sắc như thế này. Giữa một trời lộng gió, dẫu cho đang giữa trưa hè nắng chang chang. Ông gọi người dọn mâm, nhắc rót thêm hai ly vang nữa và xắt cho đĩa trái cây. Bà bảo đổi rượu khác, ông nhé! Bà có vẻ rành thứ nước uống này trong khi ông lại mù tịt. Nhiều năm về trước, với ông, nửa lít rượu gạo mỗi ngày theo quy định của các con chẳng bõ bèn. Mà cũng không thiết rượu tây hay bia bọt, còn cái loại vang nhạt thếch thế này, đừng hòng ông đụng đến. Dăm năm nay, họa hoằn lắm mới dám nhấp vài ly con con rượu quê và cũng chỉ sành mỗi thứ đấy. Gọi hai ly vang Pháp, khi nãy, là do chủ quán và hai ly Chi Lê, bây giờ lại theo ý bà. Bà kể với ông vẫn dùng thứ này thường xuyên do tim mạch không ổn. Ngày nào bà cũng uống hai cốc vào các bữa ăn chính. Con gái mua sẵn và mấy thằng con trai cũng hay đem sang biếu, vì biết mẹ cần. Chúng nó mua đủ loại và bà đã được thử qua hết. Bà bảo chẳng cần gì hàng ngoại cho mắc mỏ, cái anh vang Đà Lạt uống cũng ngon ra trò. Lần đầu đánh giá về rượu của ông không chuẩn và lần thứ nhất trong đời, ông nhận ra rượu vang không hề nhạt thếch. Đó là khi ly vang Chi Lê được đem ra và ông khẽ khàng nâng lên, cụng với bà rồi từ tốn nhấp lấy một ngụm. Bà chưa uống vội, chỉ nhìn sâu vào mắt ông và nhận ra sự hài lòng vừa được bật ra, từ đó.
***
Chiều nay họ ngồi ở “Đá”. Nghe bảo quán bán cà phê ban ngày và rượu bia vào ban đêm. Tối nào cũng có chương trình nhạc sống, rất vui. Đấy, là cô bé phục vụ bảo. Ban đêm hay hớm kiểu gì chẳng rõ chứ giờ, nhạc thế này thì chết cũng lỡ dở mà sống cũng lương ương. Là nhạc máy mà những cái đĩa ở đây rất kỳ. Giả như: “Xin lỗi em. Ngàn lần xin lỗi…” (**) cứ choi chói một bên đầu. Bà đăm đắm nhìn ông cả đỗi lâu rồi ngập ngừng: “Mr Đàm đang nói hộ tôi đấy!” và ông cười:
- Bà bây giờ yêu ca nhạc nhỉ? Biết cả tên của ca sĩ.
- Tôi thì nhạc nhẽo gì! Bằng cái lũ trẻ cứ mở mãi mấy cái đĩa của tay này. Tôi hỏi thì chúng bảo là Mr Đàm, nổi tiếng lắm.
Bà bảo mấy đứa cháu ở nhà, cả ngoại lẫn nội giống hệt con trai, con gái của bà. Và, hết cả mấy anh chị em chúng nó rặt một cái gien nghệ sĩ của bố. Đàn địch văn thơ rất hay nhưng cuộc đời nào có phải là bầu trời để mà bay bổng lượn lờ. Chân đi trên mặt đất bám rõ chặt còn vấp ngã, huống là… Bởi đó mới xiêu xọ, hụt nghiêng. Bố nó đã lúi chúi cả một đời, rồi đến cuộc sống của hai thằng lớn cũng bấp bênh lỏng chỏng. May là đứa con gái sau, lấy được người biết làm ăn nên khá giả. Rồi con vợ của thằng út là dân chạy chợ nên rất thực tế và nhờ thế, tạo được cơ ngơi hẳn hoi. Có được cái nhà ở ngay mặt tiền để bán buôn và mua được một miếng đất, rộng những năm trăm thước ở ngoại thành. Hai năm nay, làm ăn gặp vận hạn, thua lỗ mãi rồi sinh nợ nần. Tôi bảo: Thôi bán đất đi, giải quyết rốt ráo hết mọi khoản vay mượn lãi lời, còn bỏ tất vào ngân hàng giữ vốn cho con. Thằng út bảo chỗ đó sắp quy hoạch làm cái dự án gì đấy, hoành tráng lắm. Chờ đất trúng đã mẹ. Rồi chờ rồi lãi mẹ đẻ lãi con cộng với việc bán buôn gặp thời khó khăn, thế là bế tắc ngay. Đấy! Trúng nhưng bỏ mất chữ “r” thành “túng” ông ạ!”.
Bà kể xong lại cười khinh khích, khiến ông không đừng được cũng phải hùa theo. Là hùa niềm vui với nhau thôi, bà nhé! Là hùn cái sự thích thú vào nhau thôi, ông nhé! Họ đã thỏa thuận như thế mà. Chỉ là những chuyện tầm phào vớ vẩn với rất nhiều tinh nghịch, khi nhắc đến những gì đã qua. Và thường xuyên là hóm hỉnh, khi kể về những gì đang diễn ra bây giờ. Ở tuổi của ông bà, dại gì mà cắng đắng mà chua cay với nhau, vì thử hỏi còn những bao lăm? Nhưng, thấy bà có vẻ mê mải với chuyện con, mà là con ai đã chứ! Thì ông cũng có hơi ghen tị, có tí mủi lòng và đang tính lôi về, may mà, bà kết thúc kịp. Ông chặc lưỡi:
- Giá như ngày ấy bà gặp tôi và nói được cho một lời…
- Thì giờ chả phải nhờ đến ca sĩ nói hộ, ông nhỉ?
- Mà là ca sĩ nổi tiếng cơ đấy!
- …
- Tôi cứ nghĩ mãi. Và suy luận thế này…
- Ông làm gì mà căng
thẳng thế!
- Thì… cũng phải đặt ra giả thuyết: hoặc là bà lừa tôi giỏi hoặc là bà quá cứng rắn, lý trí.
- …
- Bởi đó tôi mới lầm. Cứ tưởng được bà yêu mãi…
- Thì cũng tính yêu luôn rồi ấy chứ! Nhưng ông nhạt thế, lại nai và rất ngốc.
- Nên ngán chứ gì. Còn bà không chắc?
- Nhưng, hẳn đỡ hơn ông nhiều. Lạ thật. Hồi trẻ khờ khạo cứ thích được ranh ma và chừng già, quỷ yêu mà lại ưng ngu dại.
Câu nói lỡ dở, chẳng vui không buồn nhưng cái kiểu giễu nhại của bà lại khiến bùi ngùi sao đâu. Câu nói bỗng đẩy cả hai vào một khoảng lặng thinh đầy bức bối. Bà nhấp những ngụm lipton nhỏ và ông đảo mắt nhìn quanh. Đã quá chiều nhưng chưa tối nên may ghê. Không nhạc và cũng chẳng thêm chút âm thanh nào ngoài lá động cựa khi có gió. Quán cao và muốn ngó sóng phải cúi người nhưng để ngắm biển, chỉ cần trải tầm nhìn ra xa. Quá hay là cái chỗ này, nơi bà bảo người ta mới khai thác mấy năm gần đây.
***
Nhận được cuộc điện của ông, hẹn nhau ở một quán bánh bèo hơi xa thành phố mà buồn cười. Bà nguýt ông một cái rất sắc, bảo: “Rõ dở hơi” ngay khi vừa ngồi vào ghế đối diện. Ông hí hửng lắm! Tưởng bà chưa hề biết quán này và dành cho lần đầu của bà đến đây bằng một sự bất ngờ. Ai dè! Hỏng. Bởi, bà đã ở lại thành phố này gần hết một đời nên rõ. Còn ông? Xa, từ rất lâu. Từ cái độ chia tay với bà. Lưu lạc nhiều phương rồi theo gia đình thằng cả về đây đã bảy tháng nay, do vợ nó hay ốm, bác sĩ bảo sống gần biển sức khỏe sẽ khá hơn. Thế là nó quyết cái rụp, chỉ còn chút phân vân là nơi nào? Một tối hai bố con ngồi uống trà, nó hỏi, là theo bố con nên chọn vùng biển nào. Và ông đáp ngay không lưỡng lự. Là đây.
Ông bảo: Thế là sướng đời tôi rồi vì chẳng phải xoay người, nghểnh cổ để hóng mãi bà. Nghĩ lại, cũng thấy rất lạ vì suốt quãng thời gian dài dặc ấy, ông cũng có dịp về lại đây và đã cố công đi tìm bà mà chẳng thể được gặp. Lần, nghe người ta mách lại bà phải vào trong nam nuôi con dâu đẻ. Lần, được biết bà đang đi du lịch ở Singapore với gia đình con gái. Nhắc đến việc đi ra nước ngoài, như bắt trúng sóng, bà tám đủ thứ chuyện. Và ông cũng không vừa. Ông cũng đã mấy bận rời Việt Nam để sang thăm con cháu tận bên Mỹ, bên Nhật. Ông bảo rất thích người Nhật vì họ tử tế lắm cơ! Và lịch thiệp và khiêm nhường vô ngần. Chỉ một cách cúi gập đầu chào của họ dành cho người đối diện là đã rõ ngay tính cách. Ông bảo con gái đang muốn bố sang một chuyến nữa. Bằng đi dối già ấy mà nhưng ông từ chối ngay.
- Sao ông dại thế!
- Bà nghĩ thế thật à?
- Không thật sao nói ra lời?
- Ai bảo bà cứ lời nói ra là thật.
- Thì cũng có cái thật có cái chả thật.
- Thế để xem bà có thật không? Khi cho tôi biết là mấy cái bánh bèo, chúng ta ăn nãy giờ là ngon hay dở nào.
- Nói để làm ông vui vì đã mời tôi đi ăn là ngon. Chứ…
- … quá dở. Đúng không? Sao bà nói… khôn thế.
- Khôn, chẳng dám bằng ai nhưng với ông, hơn là cái chắc.
- Thì… Ngày trước tôi yêu bà, mẹ tôi đã bảo: trai gái bằng tuổi, con gái phải khôn hơn. Còn dọa: Mày lấy nó để nó làm chị mày à!
Nghe ông nhắc, bỗng dưng, bà nhớ lại hàng loạt những cái vụ việc ngố tồ của ông hồi trẻ và cứ cười mãi. Cười, khi cả hai đã rời quán đi taxi ra bãi uống nước dừa. Chiều, biển rất mát và dù giữa hè nhưng đang đợt gió nồm nên sảng khoái vô cùng. Trúng nồm, càng gió càng thích mê mà gặp nam, gió chừng nào hãi sợ chừng đấy. Ông nghe bà nói mà cứ ngơ ngẩn bởi chẳng hiểu gì! Vì cái gió nồm ở ngoài bắc chỉ có vào khoảng cuối đông đầu xuân, độ chừng từ tháng hai đến tháng tư. Mà nồm thì rất chán vì trời ẩm thấp và người lớn trẻ con hay bị ốm. Bà phải giải thích cặn kẽ là ở miền Trung này rất khác. Đấy, đang nồm có phải là thoáng mát nhẹ nhõm không nào. Còn, gió sốc xoáy kéo hơi nóng cái oi ả tấp táp vào người ngợm, cửa nhà. Mà rờ đâu nóng rẫy đấy. Gió khiến cái khăn mặt, cái áo phơi… cứ gọi là khô khòng, cong queo. Đấy! Đích thị nam. Mà cái anh nam non còn đỡ chứ nam cồ, kinh lắm! Rồi kết luận: Đã rõ chưa? Đồ nỡm. Và ông vòng hai tay trước ngực như trẻ con, rất lễ phép cúi đầu: “Thưa chị. Em đã rõ ạ!” khiến cả hai được một trận cười như nắc nẻ.
Chia tay, cả hai cứ gọi là vui bắt ngộp. Bà tính ngay: Một lần hẹn mà được gặp những… hai nơi, lời thế chứ lời sao nữa. Và ông gật gù: bà vẫn khôn khéo như thuở còn là thiếu nữ.
Rất khôn khéo là ở bà và quá hay ho, tất nhiên, thuộc về cả hai. Là họ và những cuộc hẹn vào ban ngày.
***
Bà cột dây áo phao cho ông và ông, lấy từ trong túi ra chiếc mũ bơi, bảo: “Tôi mượn của con dâu. Nó bảo có thế tóc mới không bị xơ xác”. Bà lắc đầu, trề môi chê phát một: “Ối chào! Các quý bà cứ hay vẽ. Tôi tắm mãi mà có bao giờ dùng đến cái này. Xuống biển mà phải chằng đụp hằng bao thứ, chán lắm. Phải để cho cái đầu mình nó thông thoáng, cái thân mình nó tự do chứ!”. Nói thế nhưng phần thân trên mình bà vẫn dính cứng với cái áo phao. Cả ông và bà đều bơi giỏi từ thời trẻ nhưng già rồi, cẩn thận vẫn hơn. Ông mặc chiếc quần soọc dài quá gối, áo thun không cổ và bà gọn gàng, bộ đồ màu đen vẫn dùng để đi tắm biển. Ngày còn ở ngoài Hà Nội, ông vẫn đi bơi một tuần vài lần nhưng là bơi hồ nên có vẻ ái ngại với biển, trong khi bà rất dạn dĩ vì quá quen. Cả hai đều không che giấu được sự hồi hộp và những sướng vui. Chuyện. Đây là lần đầu ông bà cùng được đi tắm biển cơ đấy.
Họ bơi rất chậm bên nhau và không dám xa bờ quá. Vừa bơi vừa chuyện trò, cười giỡn. Chẳng chút hấp tấp không tí vội vàng. Thong thả là nhịp chân quẫy đạp và nhẹ nhàng là cánh tay xoãi bung. Chừng mệt lại được duỗi thân, nằm dài cạnh nhau mà lặng im, ngơi nghỉ. Thân nghỉ mà cái đầu, ối chào, cũng cựa quậy tí chút có lan man. Những ngẫm ngợi mềm ngọt, dịu dàng… Đã không thể cùng nhau một mái nhà những bữa ăn chung, ngày bữa. Đã không thể có với nhau các con trai, gái, cháu nội và cháu ngoại. Đã không thể ham hố dục tình, mặn nồng ái ân. Đã không thể thức dậy với nhau, mỗi sớm. Nằm cạnh nhau nơi nệm giường thiết thân, mỗi đêm… Thì đây, biển mênh mông ngắt xanh hãy còn rộng lắm cho ông với bà: hai chỗ nằm bên nhau, yên ả.
Chẳng mấy chốc, mặt trời lên cao. Nắng òa ập và nắng trườn lướt trên họ, ran ran. Thêm một ngày nữa lại đang bắt đầu và ngày, với họ, thường rất đẹp thật vui, trôi nhanh vùn vụt.
(*) Ông sáu tấm: ý chỉ cái quan tài.
(**) Trích từ bài hát Xin lỗi tình yêu của Minh Nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.