Những cuộc vượt ngục bằng đường hầm nổi tiếng

26/04/2011 08:20 GMT+7

(TNO) Hàng trăm tù nhân Taliban vừa qua đã trốn khỏi nhà tù ở Kandahar, Afghanistan, trong một cuộc vượt ngục bằng đường hầm. Đây không phải là lần đầu tiên các tù nhân tìm đường đến với tự do thông qua các con đường hầm…

>> Hàng trăm tay súng Taliban vượt ngục bằng đường hầm

Cuộc đào thoát vĩ đại

Trong Thế chiến thứ hai, hàng trăm tù binh đồng minh đã bị giam giữ tại trại Stalag Luft III của phát xít Đức. Địa điểm này vốn được người Đức gia cố vững chắc nhằm ngăn ngừa các cuộc vượt ngục. Thậm chí, họ còn gắn các địa chấn kế dưới đất để phát hiện tiếng động của việc đào hầm.


 Một cảnh trong phim Cuộc đào thoát vĩ đại - Ảnh: The Guardian

Tuy nhiên, một nhóm tù binh đã tổ chức vượt ngục thông qua 3 đường hầm phức tạp được đặt tên là Tom, Dick và Harry. Kế hoạch này xuất phát từ ý tưởng của Roger Bushell, một phi công của Không quân Hoàng gia Anh. Xét đến những gì mà các tù nhân có trong tay, đường hầm ở độ sâu 9m do họ tạo ra có thể xem là một kỳ công. Trong đường hầm có cả ánh sáng điện và hệ thống thông gió.

Các tù binh đã tạo ra dụng cụ từ các hộp thức ăn và sử dụng gỗ từ giường ngủ để chống vách đường hầm. Để giấu đống đất đá thừa ra trong lúc đào hầm, họ mang nó trong quần lót và rắc xung quanh sân nhà tù một cách kín đáo nhất có thể.

Vào ngày 24.3.1944, 76 tù binh đã chui qua đường hầm Harry để thoát ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 3 người tìm được tự do. 50 người khác đã bị bắn chết theo lệnh của Hitler sau khi bị bắt trở lại. Những người còn lại bị gửi đến một trại tập trung. Câu chuyện của họ sau này được kể lại trong một bộ phim của Hollywood có tên Cuộc đào thoát vĩ đại.

Con ngựa gỗ

Trong một cuộc đào thoát khác cũng ở trại Stalag Luft III, 3 tù binh đã thực hiện một kế hoạch tài tình khi đào đường hầm ngay trước mũi của lính canh.


 Một đầu đường hầm ở nhà tù Kandahar, nơi các tù nhân Taliban trốn thoát trong đêm 24.4 - Ảnh: Reuters

Khu lều giam của họ cách khá xa bờ rào quanh khu trại. Tuy nhiên, các tù binh đã lấy vật liệu từ các kiện hàng của Hội chữ thập đỏ Canada để đóng một dụng cụ dùng cho môn nhảy ngựa có hình dáng giống như một cái ghế đẩu nhưng phần chân được bao kín. Họ mang cái ghế nhảy ngựa tới địa điểm tập thể dục vào mỗi sáng. Đây cũng là nơi họ đào miệng hầm.

Khi các tù binh thực hiện bài tập thể dục, một người trốn trong dụng cụ này để đào đường hầm. Khi đường hầm dài ra, hai người chui xuống để đào, còn cái ghế nhảy ngựa lúc này trở thành nắp che. Vào cuối mỗi buổi tập, người đào hầm dùng các tấm gỗ đã chuẩn bị sẵn để che miệng hầm rồi lấp các túi cát và cát khô lên trên. Cuối cùng, cả ba người thực hiện kế hoạch đã trốn ra ngoài và thoát đến được Thụy Điển.

Đại tá Thomas Rose, Virgina, 1864

Đại tá Thomas Rose là một trong 1.200 sĩ quan thuộc phe miền Bắc bị giam giữ tại nhà kho của một cửa hàng tạp phẩm ở Richmond, Virginia, trong cuộc nội chiến Mỹ. Ông cùng những người bạn đào đường hầm bằng cách sử dụng dao nhíp và những mẩu gỗ nhỏ. Đường hầm dài 15m của họ bắt đầu từ hầm chứa của cửa hàng và kết thúc trong một nhà kho trống. Sau khi thoát ra được một vài ngày, Rose đã quay trở lại nhà kho để dẫn 15 người khác cùng trốn.

Tổng cộng có 93 sĩ quan của quân miền Bắc đã sử dụng con đường này để trốn thoát.

Casanova, Venice, 1755

Bị tống giam vào năm 1755 trong một nhà tù kiên cố tại Venice, “vua sát gái” Casanova đã thiết kế vụ vượt ngục của mình với sự bền bỉ và tỉ mỉ như khi quyến rũ vợ người khác.

Casanova đã tạo một dụng cụ đào từ một thanh kim loại và đào đường hầm trong hàng tháng trời. Không may cho Casanova, 3 ngày trước khi cuộc vượt ngục dự định, ông bị chuyển sang một phòng giam khác. Do vị trí phòng giam mới không thuận tiện, dễ bị phát hiện nếu tiếp tục đào hầm, Casanova đã khẩn cầu một tu sĩ ở phòng kế bên đào hầm giùm bằng dụng cụ của ông. Cả hai đã trốn thoát thành công sau đó.

Sơn Duân
(Theo The Guardian)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.