Mới đây, Báo Thanh Niên đã có loạt bài điều tra Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu. Trong quá trình thâm nhập, PV Thanh Niên phát hiện một số “đầu nậu” thuộc dạng “ông trùm” trong việc khai thác đá lậu ở H.Bù Đăng (Bình Phước) ngang nhiên tập kết, cưa xẻ đá ngay trong khu dân cư.
Một nhà máy cưa xẻ đá cây, diện tích hàng ngàn mét vuông tại xã Bom Bo, H.Bù Đăng (Bình Phước) |
THANH NIÊN |
Chỉ riêng khu vực xã Bom Bo có 2 nhà máy lớn chuyên cưa xẻ đá cây từ các mỏ khai thác trái phép trên địa bàn H.Bù Đăng. Trong đó, một nhà máy có diện tích khoảng 1.500 m2, không có bảng hiệu nằm phía sau trạm cân 80 tấn giáp với trạm xăng dầu nhượng quyền T.L (thuộc xã Bom Bo). Nhà máy này do ông M. làm chủ.
Cách nhà máy của ông M. khoảng 500 m có một nhà máy cũng quy mô không kém, với diện tích khoảng 1 ha, chiều dài phân xưởng hơn 100 m, phía trước làm khu trưng bày đá thành phẩm để bán. Được biết nhà máy này do một “ông trùm” tầm cỡ nhất khu vực tên P.V.H điều hành. Ngoài việc cưa xẻ đá tại chỗ, ông P.V.H còn là một “đầu nậu” chuyên khai thác đá liên huyện, là nguồn cung cấp đá cho nhiều nhà máy từ Bình Phước, Đắk Nông, cưa xẻ, rồi xuất khẩu ra nước ngoài…
Liên quan đến loạt bài điều tra Những đại công trình xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu trên Thanh Niên số ra ngày 11, 12.5, ngày 12.5, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị: Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND H.Bù Đăng và H.Bù Gia Mập kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh trên Thanh Niên về việc khai thác khoáng sản trái phép.
Hãi hùng cảnh xẻ đồi, vạt núi để khai thác đá trái phép ở Bình Phước |
Khai thác đá lậu sao quy mô, công khai vậy?
Bức xúc trước vụ việc, bạn đọc (BĐ) hoangxuanvinhxxxx@gmail.com cho biết: “Khai thác bằng phương tiện thô sơ cũng ồn ào, huống gì khai thác bằng máy móc hiện đại, máy cẩu, máy múc, xe cỡ lớn đi qua đi lại hàng trăm ki lô mét, vậy không ai nghe thấy thì lạ thật... Một lần hay 1 tháng có thể chưa ai phát hiện, nhưng hiện tại có cả xưởng quy mô 1.000 - 1.500 m2 thì thật là lạ. Xe cơ giới tập kết hàng, xe múc, xe ủi san lấp như vậy, mà nói không biết?”.
Cùng ý kiến, BĐ Tuan Nguyenquoc cho biết: “Ở địa phương khi người dân đổ một sọt rác ra đường... người dân đều biết, tổ trưởng dân phố cũng biết cả... Làm sao sự khai phá lớn như vậy mà chính quyền địa phương không biết? Cần phải có cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm mới được”. BĐ SANU cũng cho rằng: “Khai thác đá lậu tức là không phép không tắc, làm càn, như vậy nghi ngờ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngó lơ rồi, chứ nào dễ? Mong điều tra tới nơi tới chốn”.
Xẻ đá, vạt núi khai thác đá trái phép: Lần tới nơi tiêu thụ |
Nhanh chóng vào cuộc, xử nghiêm
Nói về trách nhiệm của những người liên quan, BĐ Pin cho biết: “Trong bất cứ công việc chuyên môn gì, nếu đã được phân công giao trách nhiệm quản lý mà không hoàn thành nhiệm vụ, thì có thể do một trong hai lý do sau: Một là, thiếu trách nhiệm hoặc là do năng lực yếu kém nên không đáp ứng được nhiệm vụ; Hai là, biết có vi phạm nhưng không xử lý là do bao che”.
Trong khi đó, nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người quản lý, BĐ Dương Văn Tuấn cho biết: “Chuyện gì cũng phải dựa vào thông tin của báo chí. Đại công trường hoạt động như chỗ không người. Địa bàn này ai quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản? Xã hay huyện? Nếu không biết thì nên cách chức ngay người đứng đầu...”. BĐ baoanhxxxx@gmail.com đặt vấn đề: “Chính quyền địa phương ở đâu? Con voi chứ đâu phải con kiến mà không nhìn thấy?”
* Địa phương nào, sở ngành nào cũng có lực lượng thanh tra, kiểm tra. Ấy vậy mà chỉ khi báo chí vào cuộc thì lúc đó mới nói “sẽ điều tra và xử lý nghiêm”. Lạ! Rất nhiều rồi…
Trần Quang Hòa
* Chính quyền xã đâu? Rồi trên nữa là huyện đâu? Và như thường lệ... “chúng tôi sẽ nhanh chóng vào cuộc”.
hoanglong84 Nguyen
* Tôi nghĩ do pháp luật “giơ cao đánh khẽ” nên mới xảy ra những sự việc như vậy. Hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” xảy ra là do xử lý không nghiêm nên mới vậy.
Tuan nguyenquan
Bình luận (0)