Không phải mình Patrick Modiano viết về chiến tranh nhưng có một điều, trong trường hợp này thì thật kỳ lạ, ông sinh năm 1945 khi Thế chiến II vừa kết thúc, nhưng bằng một cách nào đó những hình ảnh nước Pháp bại trận năm ấy, chính là thời kỳ Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng (năm 1940-1944) đeo bám, ám ảnh ông triền miên, đó là một trong những trường đoạn, có thể cho là đau đớn nhất của cuộc đời mà từ lâu đã trở thành hồi ức, thành một phần máu thịt và cả linh hồn đã và luôn thường trực trong ông. Và biết đâu rằng đây là cách để Patrick Modiano “tìm lại thời gian đã mất” khi mang trong mình những ẩn ức không thể chôn giấu về tuổi thơ mất mát, sống trong một gia đình mà ở đó thiếu đi tình thương yêu, chăm sóc từ cha mẹ, tệ hơn cả đó còn là những vết thương lòng không cách nào lành lại được. Không cách nào bỏ đi được.
‘Những đại lộ vành đai’ - từ thăm thẳm Modiano
28/11/2020 09:00 GMT+7
Ngược về quá khứ, lật lại những trang lịch sử để hình dung rõ hơn những đường nét của hiện tại và tương lai. Đọc Những đại lộ vành đai, có thể nói không ngoa rằng Patrick Modiano là nhà văn Pháp viết về “hồi ức” hay nhất.
Tôi vẫn nghĩ hồi ức chỉ như một cơn gió đầu mùa. Chóng đến. Mau đi. Khiến người ta vừa kịp nhận ra cái hoang vu ấy về ngang phố, về ngang đời nhau. Trong cuộc đời mỗi người sẽ có rất nhiều hồi ức như vậy, phân nửa muốn đào thoát, phân nửa muốn tìm lại như một trong những vết sẹo không thể xóa đi mà cả hiện tại lẫn tương lai đều không cách nào trả lại cho ta, mà người ta chỉ có được một lần trong đời. Và chẳng còn gì bàn cãi khi điều làm ta nhớ hơn cả lại là những hồi ức buồn. Nhưng… buồn bao nhiêu là đủ, phải mất mát nhường nào để khi đối diện với trang giấy trắng có thể thôi thúc ta viết ra như một sự giải thoát? Và nếu như… Viết về thời điểm ta còn chưa có mặt sẽ thế nào nhỉ, có phải là rất mơ hồ? Tuyệt nhiên không, thậm chí việc ngược về quá khứ, lật lại những trang lịch sử còn có thể hình dung rõ hơn những đường nét của hiện tại và tương lai. Đây chính là cái tài của Patrick Modiano, được thể hiện qua tác phẩm Những đại lộ vành đai (Nhà xuất bản Hà Nội).
Tôi nhớ ai đó từng nói “Thời gian là liều thuốc kỳ diệu, nó sẽ: Biến nỗi buồn thành bài học. Biến cô đơn thành thói quen, và biến nước mắt thành nụ cười mạnh mẽ”. Nhưng kỳ thực thời gian chẳng kỳ diệu đến thế, nó chỉ khiến mọi thứ trở nên rõ ràng hơn mà thôi. Cho đến khi đọc Modiano, bạn có thể sẽ nhận ra những điều kể trên đều hiện diện trong ba tác phẩm đầu tay của ông: Quảng trường Ngôi sao, Tuần tra đêm, Những đại lộ vành đai hay còn được gọi là “Bộ ba về Thời kỳ chiếm đóng”.
Nói như Patrick Modiano thì “Con người bao giờ cũng tò mò muốn biết cội nguồn của mình”, dù có hiểu theo cách nào thì việc đi tìm những “cội nguồn” ấy trở thành nét chủ đạo ở các nhân vật của Modiano. Chúng ta đều công nhận với nhau rằng, hình tượng người mẹ trong văn học luôn là thứ tình cảm chân thật nhất, bạn có thể viết láo cho một đề tài nào đó, chứ viết về mẹ thì không. Và ở đâu, thời nào cũng tha thiết như nhau. Nhưng khi viết về cha sẽ thế nào nhỉ? Ở góc độ cá nhân, tôi nhớ ngay đến Franz Kafka và cha ông - Hermann trong một số truyện ngắn Hóa thân, hay Quentin Compson của Âm thanh và cuồng nộ và hơn cả là Kafka bên bờ biển đều là những mối quan hệ cha con phức tạp, bị ám ảnh, bị giày vò bởi người cha, bởi quá khứ và nguồn cội.
Modiano với cảm thức cô đơn viết ra Những đại lộ vành đai gặp lại nỗi đau được sinh ra từ chính con người ông, về quá khứ bị “tước mất” mang tên: Gia đình, và ở đây là người cha khi chính trong một bài phỏng vấn nhiều năm về trước, ông phải thừa nhận rằng mình “đau khổ vì được ra đời” và bản thân như một “sản phẩm của một thời kỳ quái đản, khi những người lẽ ra không nên gặp nhau lại gặp và có con một cách tình cờ”. Nghe mà buồn thế. Nhưng bạn biết không, cũng chính bằng giọng văn u buồn ấy, thơ mộng ấy lại khiến văn ông đẹp hơn, lấp lánh dù ngay cả trong bóng đêm, tôi chắc chắc đấy. Thứ văn chương ấy dường như có một mạch ngầm chảy tràn qua các tác phẩm, đẹp ngay giữa những cái điêu tàn, đẹp cả trong đổ vỡ đau thương, mất mát nhưng lại chẳng khiến người đọc u uất mà chỉ nghiêm túc truy vấn về sự tồn tại của bản thân, ta là ai, ta đang ở đâu trong thế giới này hỗn mang này.
Lật giở từng trang sách, vẫn là cái ám ảnh về nguồn cội ấy, ta gặp lại nhân vật lấy danh giả định của một tiểu thuyết gia trong Những đại lộ vành đai đi xuyên thời gian để tìm lại người cha của mình, anh ta xâm nhập cái thế giới ám muội ấy, với hy vọng tiếp cận được cha mình. Chính xác thì ông là ai? Buôn lậu chợ đen? Một người Do Thái bị săn đuổi? Hoặc bất cứ ai khác? Cho đến cuối cùng người cha vẫn là một dấu hỏi, cho đến cuối cùng anh thêm một lần xác định lại địa điểm và thời gian. Nhưng với nỗi đau đầy âu yếm, anh như muốn hòa vào với cha và chịu trách nhiệm về một quá khứ biến động cũng chính là nơi ông xuất thân.
Ở đó, các nhân vật như những bóng ma trở về từ quá khứ, họ treo lơ lửng, tan biến trong các khu phố đổ nát của một Paris xưa cũ, tạc nên chân dung những kẻ lang thang: Mất danh tính. Đang sống mà lại không giống như thế, mỗi người như giấu trong mình một ý nghĩ mù mờ nào đó hoặc một quá khứ xa xăm, khó nắm bắt từ nhiều năm về trước, đến nỗi mà khi nhớ về những hồi ức ấy, thậm chí còn ngỡ nó không hề có thật, để rồi lại loay hoay đi tìm chính mình cả ở hiện tại và quá khứ, khiến bạn đọc nhiều khi không phân biệt được đây là quá khứ hay hiện tại, đây là kí ức hay giấc mơ… một thế giới thăm thẳm như vậy trong tâm trí Modiano, ta chẳng biết lúc nào sẽ trượt chân…
Bạn biết đấy, đọc Patrick Modiano, nhớ một điều… phải tỉnh!
Bình luận (0)