Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Để đâm trâu trở thành mỹ tục

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
08/06/2024 06:18 GMT+7

Những lễ hội có nghi thức đâm trâu của đồng bào Cơ Tu tại H.Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) không còn cảnh đổ máu gây kinh hãi cho người xem. Tục đâm trâu ở một hình thái khác vẫn thú vị, hấp dẫn… nhờ sự góp sức đắc lực của những già làng uy tín.

LẠ LẪM ĐÂM TRÂU LÀM TỪ… XỐP

Vòng tròn nam nữ quây quần bên cây nêu trước nhà gươl (cũng là trụ sở của Phòng VH-TT H.Nam Đông) nhịp bước đều đặn theo tiếng trống, tiếng chiêng. Sau một hồi nhảy múa, từ trong đám đông, một già làng trên tay cầm sẵn ngọn mác bước ra. Ông chạy đi chạy lại, lựa thế tốt nhất để tung cú đâm. "Phập!", âm thanh mạnh vang lên khi ngọn mác đâm vào "con trâu" đã được dựng sẵn bên cây nêu. Đám đông đang chăm chú theo dõi ồ lên. Cú đâm chính xác. Nhưng để giống với cảnh thật, già làng tiếp tục bồi thêm mấy cú đâm cho đến khi mô hình con trâu ngã hẳn ra sân. Đó là hoạt cảnh tái hiện nghi thức đâm trâu tại lễ hội mừng lúa mới nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ 14 được tổ chức vào trung tuần tháng 5.2022.

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Để đâm trâu trở thành mỹ tục- Ảnh 1.

Con trâu mô hình được làm bằng xốp tại lễ tái hiện hội đâm trâu H.Nam Đông

Hoàng Sơn

Con trâu mô hình làm từ chất liệu xốp được các nghệ nhân tạo tác tinh xảo với màu đen khiến người xem có cảm giác chân thực. Bên cạnh lễ đâm trâu, những nghi lễ khác cũng được các bậc cao niên tiến hành đầy đủ. 8 năm qua, cảnh rùng rợn tại lễ hội đâm trâu ở miệt núi Nam Đông không còn diễn ra. Cảnh vây hãm con trâu để đâm bằng mác nhọn dần lùi xa. "Có được những hội làng, lễ hội văn minh, không còn cảnh đâm trâu phản cảm như ngày hôm nay là nhờ sự vận động không ngừng nghỉ của nhiều già làng, người có uy tín. Với cách tái hiện phần lễ trang nghiêm, người dân vẫn thấy thỏa mãn khi hướng lòng mình về với thần linh", bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Phó trưởng phòng Dân tộc H.Nam Đông, nhận định.

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Để đâm trâu trở thành mỹ tục- Ảnh 2.

Lễ hội đâm trâu của đồng bào Cơ Tu tại H.Nam Đông không còn cảnh máu me gây ám ảnh

Hoàng Sơn

Tôi tìm gặp già Hồ Sĩ Thi (78 tuổi, người có uy tín của thôn Ta Rung, xã Hương Sơn, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN H.Nam Đông) và được ông kể lại quá trình vận động người dân xóa bỏ tục đâm trâu. Ông Thi cho biết từ bao đời nay, người Cơ Tu rất coi trọng việc đâm trâu, bởi đó là hành động hiến tế đến Yàng (trời) và thần linh. Đâm trâu trong ngày vui, như cưới hỏi, lễ tạ ơn rừng, khánh thành gươl, mừng lúa mới… cho đến việc buồn như làng gặp rủi ro, "chết xấu"… "Tục đâm trâu mang ý nguyện tốt đẹp với mong ước đời sống yên vui, làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa… Thế nhưng, đời sống ngày càng hiện đại, hành động đâm trâu từng bị xem là man rợ nên việc xóa bỏ là cần thiết. Từ khi làm cán bộ cho đến ngày về hưu, tôi đã đến nhiều nhà dân để vận động tạo nhận thức mới về tục đâm trâu. Xóa bỏ hình ảnh máu tươi loang trước mái gươl để đâm trâu dần trở thành một tập tục tốt đẹp…", ông Thi nói.

NÂNG TẦM LỄ HỘI

Già Hồ Sĩ Thi cho biết tục đâm trâu là nghi thức quan trọng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu nên khi vận động không thực hiện nữa, nhiều người đã phản đối kịch liệt. Nét văn hóa đã bén rễ vào nhận thức của cả cộng đồng không phải dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều. Cũng như già Thi, già A lăng Ka Lói (82 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Long) đã phải lựa lời để thuyết phục. Phương châm mưa dầm thấm lâu của các già làng cuối cùng cũng có kết quả. Người dân dần đồng thuận hướng đến cách làm phù hợp với đời sống hiện đại và quen dần với từ "giết trâu" hơn là đâm trâu như trước đây.

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Để đâm trâu trở thành mỹ tục- Ảnh 3.

Nhảy điệu tâng tung da dá xung quanh con trâu bằng xốp trong lễ hội đâm trâu

Hoàng Sơn

"Trước đây, có những lễ như lễ kết nghĩa giữa các làng (pr'ngoóch), người ta còn đâm một lần 2 con trâu. Có lần, khi còn làm cán bộ, tôi đến vận động một làng đã buộc sẵn 4 con trâu vào cây nêu chuẩn bị hành lễ. Tôi bảo, không có chuyện đâm trâu sẽ đuổi được xui rủi, ngược lại chỉ tốn kém cho gia đình, cho bản làng mà thôi. Tôi lấy sinh mệnh của mình ra mà nói nếu trong vòng 10 ngày, trong làng có chết chóc tôi sẽ chịu trách nhiệm. Quả thật, 10 ngày trôi qua trong bình yên, tôi được cả già làng tin tưởng sau vụ việc đó", già Ka Lói nhớ lại.

"Điều quan trọng là các nghi lễ phải trang nghiêm, đầy đủ các phần hiến lễ như lời khấn cầu thành kính đến Yàng, đến thần linh… Tại lễ mừng lúa mới vào năm 2022, tôi cùng một số già làng như: Hồ Văn Vược (trú tại thôn 7), Đoàn Văn Goóc (trú tại thôn 2, cùng xã Thượng Long)… đã tham gia hướng dẫn cho ban tổ chức trình tự các nghi thức của một lễ đâm trâu truyền thống như trước đây. Dù là tái hiện nhưng phải làm bài bản, đúng, đủ các bước để tránh những điều cấm kỵ cũng như gìn giữ được giá trị của một lễ tục", già Ka Lói nói.

Ông Lê Nhữ Sữu, Trưởng phòng VH-TT H.Nam Đông, cho hay lấy năm 2016 để làm dấu mốc cho việc các địa phương dừng hẳn việc đâm trâu là bởi từ đó trở đi, các lễ hội của người Cơ Tu tại 6 xã thuộc H.Nam Đông không còn nghi thức này nữa. Các lễ hội đều tái hiện bằng cách sử dụng mô hình con trâu. Năm 2024, huyện sẽ tổ chức sự kiện văn hóa Cơ Tu, trong đó sẽ tái hiện việc đâm trâu. "Nhân sự kiện này, huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đâm trâu là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia VN tại Huế quay một số hình ảnh. Chỉ còn việc tái hiện lễ hội nữa sẽ xong các quy trình làm hồ sơ để trình T.Ư công nhận", ông Sữu nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.