Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Ngất ngây 'rượu piềng ông Mão'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
07/06/2024 07:04 GMT+7

Hơn 70 năm thất truyền, cuối cùng thứ rượu trứ danh từ men thảo dược của đồng bào Cơ Tu đã hồi sinh dưới bàn tay kiên trì của vợ chồng ông Tà Rương Mão (62 tuổi, trú thôn Ka Đông, xã Thượng Long, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế).

CẮT RỪNG TÌM THUỐC QUÝ

Chén rượu có màu vàng hơi đục được ông Tà Rương Mão rót ra, tôi nhấp thử một ngụm với lời mời của ông rằng "so với rượu dưới xuôi có gì khác không". "Vẫn có mùi cồn đặc trưng của rượu nhưng điểm khác là lúc thanh ngọt, lúc đắng, mùi thì thoang thoảng hương thảo dược", tôi đáp. Ông Mão tiếp lời: "Rượu piềng nó thế đấy. Đó là thứ rượu truyền đời, có từ hàng trăm năm của đồng bào Cơ Tu. Thế mà hơn 70 năm trước, không rõ lý do gì rượu piềng không còn được ai chế biến. Tôi mày mò hơn 2 năm mới tìm được bí quyết nấu rượu này".

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Ngất ngây 'rượu piềng ông Mão'- Ảnh 1.

Rượu piềng Tà Rương Mão sống lại sau 70 năm thất truyền

Ảnh: Hoàng Sơn

Tà Rương Mão lấy tên của mình để đặt cho thương hiệu rượu do ông tìm ra công thức, từ năm 2017. Nhưng loại rượu này được chế biến theo cách truyền thống của người Cơ Tu với loại men có tên rất lạ - men piềng. Ông Mão cho biết, loại rượu này có cách chưng cất như các loại rượu thông thường. Đó là phải nấu từ gạo, nếp, sắn… Điểm khác biệt là để lên men những nguyên liệu này, ông Mão phải cho vào men piềng - tổng hợp của 12 loại thảo dược được ông tìm kiếm từ rừng sâu, như: xà can, vàng đằng, thạch sơn bồ, gừng rừng, riềng rừng, thiên niên kiện, trầu rừng, hà thủ ô, bạc hà rừng… Nếu rượu gạo được chưng cất sau vài ba ngày ủ thì rượu piềng phải ủ cả tháng trời mới đem đi nấu được.

"Bởi vậy, thứ rượu anh vừa uống không phải là rượu ngâm cùng những thứ thảo dược đã kể mà đó là rượu lấy thảo dược làm men, lấy men đó ủ với nguyên liệu để cho ra rượu. Anh thấy khác biệt là vậy", ông Mão nói và lý giải: "Có lẽ vì khó chế biến mà theo lời kể của các già làng, khoảng thời điểm từ năm 1945, rượu piềng đã không còn tồn tại trong bản làng của người Cơ Tu. Tôi là lớp hậu sinh, chỉ nghe kể và càng chưa được uống bao giờ. Nhưng những gì là truyền thống, là bản sắc của đồng bào đã mất đi càng thôi thúc tôi phục sinh rượu piềng".

Ông Mão kể, năm 2015, khi bắt tay vào nghiên cứu loại rượu này, ông đã gặp vô vàn khó khăn vì thời gian rượu thất truyền đã quá lâu. Thế hệ người từng nếm rượu này sống ở H.Nam Đông đã ở độ tuổi từ 80 - 100 và chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông phải dò hỏi, ghi chép, thực nghiệm nhiều lần. Không ít lần ông Mão phải đổ đi mớ nguyên liệu vô men sai cách, tiêu tốn mấy chục triệu đồng.

"Khổ nhất là đi tìm thảo dược. Tên cây đã được các cụ già kể lại nhưng nhận diện nó thế nào giữa bạt ngàn rừng núi là một câu chuyện. Lần đi tìm bạc hà rừng gian khổ biết bao, thế mà khi đem về hỏi thì các cụ bảo không phải. Vậy là phải cắt rừng tìm về để đối chiếu, các cụ gật đầu thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Còn như cây xà can, tôi phải cắt rừng một ngày trời mới tìm được…", ông Mão trải lòng.

MEN RƯỢU DƯỠNG SINH BAY XA

Năm 2017, sau nhiều lần thất bại, cuối cùng mẻ rượu piềng đầu tiên ra lò. Vợ chồng ông Tà Rương Mão nhìn nhau mà nước mắt rưng rưng. Những ngày khổ cực băng rừng lội suối tìm thảo dược, những lần bấm bụng đổ đi đống nguyên liệu… đã được đền đáp bởi sự kiên trì. Nhưng Tà Rương Mão vẫn chưa hài lòng vì rượu chưa tròn vị, hương thơm khi nhạt khi nồng.

Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Ngất ngây 'rượu piềng ông Mão'- Ảnh 2.

Thảo dược quý được người nhà ông Mão cất công lấy từ rừng sâu

"Tôi lại cất công nghiên cứu và phát hiện ra rằng, quá trình làm men vẫn chưa định lượng các loại thảo dược. Tôi cho cân từng loại lá rừng như cách người ta bốc thuốc bắc vậy, rồi thử đi thử lại nhiều lần cho đến khi rượu đạt chuẩn", ông Mão kể.

Khi đưa rượu ra thị trường, điều khiến vợ chồng ông Mão phấn khởi nhất chính là sự phản hồi tích cực từ khách hàng. Có người ở các tỉnh, thành xa xôi trở thành khách hàng "ruột" của rượu Tà Rương Mão vì sau một thời gian sử dụng, họ thấy sức khỏe được cải thiện.

Cũng rất dễ hiểu, rượu từ men piềng được làm từ chính những loại thảo dược không những có tác dụng trị bệnh mà còn bồi bổ sức khỏe. Tiếng lành đồn xa, rượu của ông làm ra mẻ nào bán hết mẻ đó. Người ta tìm mua để uống, để biếu nhau vì là rượu dưỡng sinh, nổi bật với đặc tính an thần, giải cảm, điều trị nhức mỏi, tê bì…

"Rượu nào uống mà chẳng say, rượu của tôi cũng vậy. Nên chỉ khi sử dụng rượu piềng với dung lượng vừa đủ sẽ cho tác dụng rất tốt tới sức khỏe. Ngày xưa các cụ làm theo cảm tính nên nồng độ thảo dược không đồng đều, có loại cây nhiều lên một chút sẽ có hại. Tôi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ khi làm men piềng, làm sao 12 loại thảo dược sẽ cho tá dược vừa đủ", ông Mão nói.

Việc bán hàng có lúc đông lúc vãn nhưng ông Mão vui và cảm thấy tự hào khi đã tìm được bí quyết làm rượu piềng và lan tỏa loại rượu truyền thống Cơ Tu đến với người dùng.

Điều ông Mão trăn trở là vợ chồng tuổi ngày càng cao nên việc mỗi ngày vào rừng tìm thảo dược cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, ông đang nghiên cứu để tìm cách di thực các loài thảo dược về vườn nhà mình.

"Để được tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao như hôm nay, tôi mang ơn men piềng. Nhưng rượu lại hạn chế đối tượng sử dụng nên tôi đã nghĩ cách để mang những bài thuốc Cơ Tu đến gần hơn với mọi người. Mong rằng với việc học hành đàng hoàng, đứa con đang theo ngành y dược sẽ kế tục và hiện thực hóa ước mơ đa dạng sản phẩm thảo dược của tôi", ông Mão tâm sự. (còn tiếp) t

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.