Những đám cưới xa xỉ ở Afghanistan

27/08/2007 22:25 GMT+7

Cảnh trí hào nhoáng và lộng lẫy như Las Vegas. Đám đông say sưa trong hội trường lớn, dưới ánh đèn nê-ông sáng choang. Cô dâu chú rể đến bữa tiệc trên một chiếc limousine sang trọng. Đó là cảnh của những đám cưới xa xỉ tại Kabul (Afghanistan), trái ngược hẳn với cuộc sống khó khăn của đa số người dân nơi đây.

Paris giữa Kabul

Vào một buổi tối đẹp trời, chú rể Waheed Ullah, 24 tuổi, cùng cô dâu xinh đẹp bước ra từ chiếc limousine thật lộng lẫy và tiến vào khách sạn Crystal Hotel ở trung tâm Kabul. Hội trường đám cưới được lát đá cẩm thạch, dưới sàn là thảm đỏ, trên trần lấp lánh những chùm đèn treo thủy tinh. Phim của Bollywood được chiếu qua các đầu đĩa DVD, còn khách mời thì ngồi nhấm nháp nước ngọt trong các ly thường dùng để rót champagne. Chú rể Ullah bộc bạch với Báo Guardian: "Theo văn hóa đất nước chúng tôi, lễ cưới là rất quan trọng. Nó phải diễn ra thật tốt đẹp".

Kabul dưới thời Taliban chỉ có một hội trường đám cưới bẩn thỉu, tăm tối, không có nhạc và mọi người phải ngồi bệt dưới sàn. Còn bây giờ, nơi này có khoảng 40 hội trường nằm chen chúc nhau với những cái tên mỹ miều như Castle of the Bride (Lâu đài cô dâu) hay King of Hearts (Ông hoàng của những trái tim). "Ngông cuồng" nhất có lẽ là Sham-e-Paris (Một đêm ở Paris) - một tòa nhà bốn tầng, sảnh trước có cặp mô hình tháp Eiffel cao 15,24m y như thật, với một hồ phun nước lát đá xanh, bao quanh là vườn cây cọ bằng nhựa giăng đầy các bóng đèn luôn sáng rực mỗi đêm. Những con sư tử, báo và chim công bằng đá "đứng gác" trước cửa 5 hội trường lớn, có sức chứa khoảng 4.000 người. "Ông chủ của chúng tôi đã đến Paris vài lần. Ông ấy rất thích và quyết định... mang Paris về đây" - quản lý Pervez Dostiyar giải thích.

Theo Báo Guardian, các cặp uyên ương thường đổ xô tổ chức lễ cưới trước tháng lễ Ramadan (đầu tháng 9). Lễ cưới ở Afganishtan vẫn tuân thủ những tập tục truyền thống như: nam và nữ phải ăn và nhảy múa riêng rẽ, ngăn cách bởi một tấm màn lớn treo giữa phòng và 99% các đôi uyên ương là do cha mẹ sắp đặt. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều đám cưới mang đậm phong cách phương Tây. Cô dâu mặc váy cưới thướt tha và chưng diện bộ trang sức đính kim cương giả. Còn chú rể thì thay bộ đồ truyền thống shalwar kameez rộng thùng thình bằng bộ com-lê lịch lãm và chải tóc theo kiểu các ngôi sao Bollywood. Thay vì đến đám cưới trong một cái hộp gỗ được trang trí rất đẹp như ngày xưa, ngày nay các cô dâu thường đến trong một chiếc xe limousine bóng lộn, được thuê với giá từ vài trăm đến vài ngàn USD mỗi đêm. Limousine trước kia còn xa lạ với những con đường đầy ổ gà ở Kabul, giờ đã nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ cưới.

Cuối buổi tiệc thường là một buổi hòa nhạc nhỏ. "Họ ca hát và nhảy múa cùng nhau, tôi nghĩ giá cả thuê xe không phải là một vấn đề gì quá lớn bởi trông họ rất hạnh phúc" - ông Muhammad Rafi, quản lý hãng xe cho thuê Shams Limousines, mỉm cười ý nhị.

Phía sau những đám cưới...

Vẻ đẹp hào nhoáng với chi phí đắt đỏ đang xâm nhập mạnh mẽ vào thành phố nghèo nàn này, nơi mà những người vô gia cư đầy rẫy trên phố, còn người dân thì khát nước sạch hằng ngày. Hầu hết các đám cưới có khoảng 400 khách, thi thoảng cũng có đám lên đến 1.000 khách. Đồ ăn cho tiệc cưới được tính khoảng 7 - 14 USD/khách, thực đơn bao gồm thịt nướng, bánh mì và gạo thơm. Những phí tổn khác như thuê ban nhạc, thuê kiếm để cắt bánh cưới (một nghi lễ địa phương) có thể tiêu tốn hàng ngàn USD. Việc ăn "ké" ở các đám cưới cũng rất phổ biến, đó là "văn hóa" phổ biến ở nơi này. Cho dù thiệp mời đã ghi rõ 2 vị khách, nhưng họ vẫn kéo đến rất đông, thậm chí là cả một gia đình. Ông Dostiyar cho biết: "Nếu họ đặt 400 khách thì thường có từ 500 đến 550 khách sẽ đến".

Chi phí cho một đám cưới như vậy là gánh nặng đối với các gia đình nghèo khó. Báo Guardian dẫn trường hợp của Ghulam Nabi, một cảnh sát, cho biết ông đã phải bán đi 600m2 đất để tổ chức đám cưới cho con trai. Chi phí 7.000 USD là một số tiền quá lớn so với đồng lương ít ỏi 120 USD/tháng của ông. Còn Anh Zabi Hashimi, 30 tuổi, thợ làm bánh ở Sham-e-Paris, đã để dành được 10.000 USD sau 11 năm mới có thể lấy vợ ở tuổi 26. Báo Pittsburgh Post Gazette dẫn lời Dostiyar, 23 tuổi: "Chúng tôi phải làm việc kiếm tiền trong nhiều năm, để rồi tất cả đều đổ vào ngày cưới".

Những đám cưới đình đám kiểu như vậy thật trái ngược với cảnh hoang tàn của đất nước Afghanistan. Tuy nhiên, chú rể Waheed Ullah vẫn quyết định quên đi mọi thứ bên ngoài, ít nhất là trong đêm hôn lễ. "Tôi thấy rất vui. Chúng tôi sẽ có một kỷ niệm tuyệt vời trong đêm nay" - anh mỉm cười bên người vợ trẻ cạnh chiếc limousine bóng lộn.

Minh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.