Trong một buổi tọa đàm ở Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM mới đây, 3 bếp trưởng gốc Việt Peter Cường Franklin, Tristan Ngô và Mark Tôn chia sẻ hành trình từ những công việc ổn định, thu nhập cao để chuyển sang “đánh vật” với nhà bếp cũng như quyết định trở về quê hương khởi nghiệp. Cả ba đều có điểm chung là tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực tài chính, kinh tế và y sinh vốn không liên quan gì đến nghề bếp.
“Các bậc cha mẹ gốc Việt ở Mỹ đa phần đều kỳ vọng con cái vào đại học để sau này có công việc ổn định. Họ mong muốn con cái trở thành kỹ sư hay bác sĩ. Chính vì vậy, thế hệ chúng tôi cũng đi theo con đường cha mẹ vạch sẵn là vào đại học, ra trường và tìm việc”, anh Tristan Ngô, chủ nhà hàng Skewers ở TP.HCM, tâm sự. Tuy nhiên, sau khi ra trường với tấm bằng kinh tế và làm việc cho một số công ty tài chính tại Mỹ, anh quyết định trở về VN, chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng. Tính đến nay, nhà hàng của Ngô đã hoạt động được gần 20 năm.
tin liên quan
Kêu gọi hiến tế bào gốc cứu sinh viên gốc Việt tại CanadaRiêng Mark Tôn tốt nghiệp ngành y sinh, từng thực hiện nhiều nghiên cứu về bệnh HIV/AIDS nhưng lại bén duyên với nghề bếp sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ năm 2008. Khi đó, anh về thăm VN và chuyến đi ngắn đã để lại ấn tượng sâu sắc về quê hương đến mức Tôn quyết định trở về hẳn. Năm 2013, anh mở nhà hàng TnT BBQ, chuyên về món nướng theo phong cách châu Âu.
Nói về hành trình khởi nghiệp, bếp trưởng Ngô khuyên các bạn trẻ nên xác định chính xác sự nghiệp mình muốn theo đuổi và thực hiện từng bước một, song song với không ngừng học hỏi khi chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới. “Khởi nghiệp ẩm thực không chỉ đơn giản là biết nấu ăn mà còn phải có kiến thức quản trị kinh doanh, cộng sự tốt và đội ngũ nhân lực phù hợp. Chính thời gian làm việc trong các công ty tài chính, ngân hàng cùng chuyên ngành quản trị kinh doanh giúp cho tôi có kinh nghiệm và tự tin khi mở nhà hàng”, anh chia sẻ. Theo các bếp trưởng, muốn khởi nghiệp cũng cần có chút “máu liều”. “Vào thời điểm trò chơi điện tử Counter Strike thịnh hành, tôi vay tiền người thân, thử mở quán cà phê internet tại Mỹ. Kết quả là có lãi và tôi trả được hết các khoản nợ. Từ đó, tôi dấn thân vào khởi nghiệp”, bếp trưởng Ngô cho biết. Ngoài ra, anh Cường nhấn mạnh: “Kinh nghiệm là một trong những yếu tố then chốt. Sau khi tốt nghiệp trường nấu ăn, tôi đã làm việc cho nhiều nhà hàng ở Mỹ. Tôi còn tự nguyện xin làm việc không lương tại những nhà hàng danh tiếng nhất Hồng Kông”.
Bánh mì 100 USD
Thời gian qua, chuyên mục ẩm thực của các tờ báo quốc tế lẫn trong nước thường nhắc đến món bánh mì 100 USD (2,3 triệu đồng) của bếp trưởng Peter Cường Franklin. “Ngoài phở, bánh mì là nét đặc trưng trong ẩm thực Việt và tôi muốn làm điều gì đó khác biệt dựa trên nền tảng này. Vẫn giữ nguyên bánh mì, tôi cho thêm nhiều nguyên liệu thuộc hàng xa xỉ khác bao gồm pa tê gan ngỗng và nấm cục (truffle)”, anh chia sẻ. Ban đầu, anh nghĩ rằng món ăn sẽ khó hút khách vì có giá cao gấp 100 lần so với ổ bánh mì thông thường ở VN. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thực khách trong lẫn ngoài nước thích thú muốn thưởng thức ổ bánh mì xa xỉ này (ảnh).
|
Bình luận (0)