So với ổ cứng thể rắn (SSD), HDD thường gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là về tuổi thọ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết ổ HDD có xu hướng hỏng sau khoảng 5 năm sử dụng. Nếu đang sử dụng ổ HDD lâu năm để lưu trữ ảnh, video, phim hoặc chương trình truyền hình, việc mất dữ liệu một cách đột ngột sẽ là một trải nghiệm không dễ chịu. Do đó người dùng cần chú ý đến một số dấu hiệu cảnh báo để có thể đưa ra hành động kịp thời, tránh mất mát nghiêm trọng.
Thời gian truy cập ổ cứng lâu hơn bình thường
Nếu nhận thấy việc mở các tệp hoặc thư mục trên ổ HDD mất nhiều thời gian hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu cho thấy ổ cứng đang gặp vấn đề. Trong trường hợp ổ đĩa không đầy, thời gian truy cập lâu có thể chỉ ra lỗi phần cứng hoặc các khu vực cụ thể trên ổ đĩa đã bị hỏng.
Máy tính không phát hiện ổ cứng
Một triệu chứng khác của ổ cứng bị lỗi là máy tính không nhận diện được ổ cứng. Điều này có thể xảy ra không thường xuyên, nhưng nếu gặp phải tình trạng này, rất có thể ổ cứng của người dùng đã hết tuổi thọ và cần được thay thế. Người dùng có thể thử rút phích cắm và cắm lại các kết nối, nhưng tốt nhất là nên sao lưu dữ liệu và chuẩn bị thay thế ổ cứng.
Âm thanh lạ phát ra từ ổ cứng
Âm thanh phát ra từ ổ cứng khi hoạt động là điều bình thường, nhưng nếu nghe thấy những âm thanh lớn, bất thường, kèm theo hiện tượng máy tính chậm lại, đây có thể là dấu hiệu cho thấy ổ cứng đang gặp lỗi phần cứng.
Tiếng kêu lách cách có thể chỉ ra rằng một số thành phần bên trong ổ cứng đang bị hỏng và người dùng nên bắt đầu tìm kiếm một ổ cứng thay thế hoặc ổ SSD, đồng thời sao lưu dữ liệu quan trọng của mình.
Báo lỗi hỏng tập tin thường xuyên
Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng tệp bị hỏng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy ổ cứng sắp hỏng. Sau nhiều năm sử dụng, một số sector trên ổ cứng có thể bị hỏng, dẫn đến việc tệp hay thư mục không thể truy cập hoặc bị mất. Mặc dù người dùng có thể sử dụng các công cụ tích hợp của Windows như SFC và DISM để khắc phục một số lỗi nhỏ nhưng các vấn đề phần cứng nghiêm trọng thường không thể sửa chữa.
Chương trình liên tục bị sập
Nếu một số chương trình cụ thể thường xuyên bị sập, có thể chúng đang được lưu trữ trên các sector bị hỏng của ổ cứng. Trong trường hợp này, việc cài đặt lại phần mềm có thể không giải quyết được vấn đề. Nếu tình trạng này kéo dài, người dùng nên xem xét việc thay thế ổ cứng.
Lỗi màn hình xanh chết chóc (BSOD) hoặc lỗi khởi động
BSOD là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ổ cứng có thể gặp vấn đề. Nếu sử dụng ổ cứng cũ làm ổ đĩa khởi động, lỗi phần cứng có thể dẫn đến các tình huống và lỗi kỳ lạ, bao gồm cả việc hệ thống không khởi động được. Những lỗi này có thể nghiêm trọng hơn so với khi ổ cứng được sử dụng làm bộ lưu trữ thứ cấp.
Phát hiện sector xấu
Nếu phát hiện ra các sector xấu trên ổ cứng thông qua các công cụ kiểm tra như CrystalDiskInfo, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ổ cứng của người dùng đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Có hai loại sector xấu: "mềm" và "cứng". Sector "mềm" có thể được sửa chữa, nhưng sector "cứng" thường không thể khắc phục. Khi thấy dấu hiệu này, hãy chuẩn bị mua ổ cứng mới càng sớm càng tốt.
Những triệu chứng trên không chỉ là dấu hiệu cảnh báo mà còn là lời nhắc nhở rằng việc bảo trì và kiểm tra định kỳ ổ cứng là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của người dùng.
Bình luận (0)