Những “dị nhân” vùng Bảy Núi

08/12/2008 11:03 GMT+7

Từ xa xưa, vùng Thất Sơn (Bảy Núi- An Giang) là nơi xuất phát nhiều huyền thoại kỳ thú. Rất nhiều câu chuyện về đất và người vẫn còn lưu truyền đến nay. Tại Bảy Núi hiện vẫn còn nhiều “dị nhân”, góp phần làm nên điều kỳ thú cho vùng đất kỳ bí này

Đến núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) ở Bảy Núi - An Giang, vừa hỏi đến ông Ba Lưới, chúng tôi đã nghe nhiều người kể vanh vách những giai thoại của vị đạo sĩ năm nay đã 94 tuổi này. Trải qua hàng chục năm ẩn tu trên đỉnh núi Cấm, không chỉ diệt trừ thú dữ, ông còn làm thuốc trị bệnh cứu người.

Vị đạo sĩ cuối cùng

Vượt hết con đường dài cheo leo lên núi, tiếp tục băng rừng, qua mấy con dốc dựng đứng, chúng tôi mới tới được căn nhà gỗ ở hang Long Hổ Hội, nơi cư ngụ của ông Ba Lưới. Vị đạo sĩ ẩn tu tên thật là Nguyễn Văn Y, quê Chợ Mới - An Giang, đến ẩn dật nơi rừng thiêng núi hiểm này khi núi Cấm còn rất hoang sơ. Năm 1935, một thanh niên cường tráng khăn gói tìm lên núi Cấm, chỉ mang theo một cái chài và lưới để giăng bắt cá sống qua ngày. Ông Ba Lưới bảo: “Ai lại vác chài, lưới lên núi bắt cá bao giờ! Có vậy, người ta mới gọi tao là Ba Lưới”. Khi đó, người sống trên núi Cấm chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là các nghĩa sĩ yêu nước và cư sĩ ẩn tu. Ban ngày, mọi người đi rừng, làm nương rẫy; đêm về tập trung trên đỉnh núi tu học, luyện tập võ nghệ. Chúng tôi thắc mắc về chuyện tu học, ông Ba Lưới giải thích: “Tu là tu thân để làm điều lành, tránh cái ác; học là theo điều đức hạnh, chứ không theo đạo giáo nào. Ở đây không có sư phụ, đệ tử, chỉ người đi trước dạy cho người đi sau, cứ nghĩ đến điều tốt đẹp mà làm. Những người sống trên núi lúc đó ai cũng phải rèn luyện võ công. Không có võ thì không tồn tại nổi ở chốn rừng thiêng nước độc này”.

Cuộc sống trên núi Cấm lúc ấy vô cùng gian nan, vừa chịu đựng bom đạn của giặc vừa chống chọi với cái đói và thú dữ. Vùng này hồi đó có rất nhiều thú dữ, luôn là nỗi khiếp sợ của dân lành. Ông Ba Lưới đã từng gặp vô số cọp, beo và rắn độc. Vị đạo sĩ kể về hai lần ác chiến với mãng xà của mình: “Một lần đang băng rừng, tao chạm trán một con rắn hổ mây cực lớn, nằm vắt ngang đường. Nghe tiếng động, con rắn quay lại phùng mang như muốn nuốt chửng tao. Tao liền lùi lại thủ thế, rồi dồn hết công lực bình sinh đánh một đòn quyết định vào đầu con vật. Cả thân hình đồ sộ của con mãng xà đổ nhào trên đá núi. Lần thứ hai, khi đang lên dốc núi, tao gặp một con rắn hổ mây lớn. Bất ngờ chạm mặt, tao không kịp tránh né. Tao vung cây gậy quật ngay đầu nó. Chưa kịp ngẩng đầu chống trả, con mãng xà bị tao bồi tiếp một đòn trí mạng, chết lăn ra”.

Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống trên núi Cấm cũng thay đổi dần. Những cư sĩ ẩn tu lần lượt xuất sơn, chọn nơi khác lập nghiệp. Năm 1976, ông Ba Lưới tìm đến vườn đá ở hang Long Hổ Hội dựng chòi sinh sống. Theo ông, nơi đây từng là nơi họp mặt của hổ và rắn vào những dịp trăng tròn. Thời gian này, ông gặp bà Huỳnh Thị Quang, ở Tân Châu, đi viếng núi. Như duyên tiền định, ông bà gá nghĩa với nhau và ở đây sinh sống đến giờ, sinh được bốn người con.

Ngày càng có nhiều người tìm đến núi Cấm khai khẩn đất hoang, làm nương rẫy. Những người dân địa phương khi có việc cần đều đến tìm ông Ba Lưới nhờ giúp, nhất là trị bệnh. Trong thời gian ẩn tu, ông Ba Lưới được truyền dạy những bài thuốc bí truyền và ông đã dùng nó để trị bệnh cứu người.

Người dân địa phương còn nhắc nhiều đến ông Ba Lưới với tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m bằng bê tông cốt thép trên đỉnh núi Cấm trị giá tiền tỉ mà ông đã góp công xây dựng. Nay ở vào tuổi xế chiều, song ông Ba Lưới còn một tâm nguyện là hoàn thành công trình chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm.

Khắc tinh của rắn độc

Người dân vùng Bảy Núi khẳng định không ai qua được hòa thượng Chau Sum ở chùa Nam Quy (Châu Lăng, Tri Tôn- An Giang) trong việc trị rắn cắn và xưng tụng ông là “thần y”. Chùa Nam Quy nằm bên một sườn đồi, dưới những tán cổ thụ xanh rì. Tiếp chúng tôi là sư trụ trì Chau Kol, năm nay mới 26 tuổi, truyền nhân của “thần y” Chau Sum.

Nhà sư Chau Kol - truyền nhân của "thần y" Chau Sum. Ảnh: Đ.khánh

“Thần y” Chau Sum mất cách nay 4 năm ở tuổi 84. Theo người dân địa phương, ông đã cứu sống không dưới 1.000 lượt người bị rắn cắn. Anh Chau An (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) thán phục: “Tôi bị rắn chàm quạp cắn vào chân, đưa đến chùa Nam Quy đã sắp tắt thở, lỗ chân lông rướm máu, người mềm oặt, toàn thân tím tái. Sau khi kiểm tra vết thương, hòa thượng Chau Sum ra hiên chùa hái lá thuốc cho vào cối giã, vắt lấy nước cho tôi uống; xác thuốc đắp vết thương. Chưa đầy 3 phút sau, tôi đã tỉnh lại”. Chúng tôi còn nghe nhiều người thêu dệt về cách trị rắn cắn của “thần y” theo kiểu mê tín dị đoan đầy huyền hoặc, song nhà sư Chau Kol khẳng định: “Chẳng có bùa phép gì đâu, chính những cây thuốc quý của vùng Bảy Núi này đã cứu sống người”.

Khi sư phụ qua đời, nhà sư Chau Kol kế thừa ông bài thuốc quý và cả tấm lòng nhân ái để cứu người. Anh Chau Rương, Trưởng ấp An Thuận, xã Châu Lăng, nhẩm tính: “Bình quân hằng năm, nhà sư Chau Kol trị rắn cắn cho khoảng 70 người. Qua tay của ông, những người bị rắn cắn, dù nặng cỡ nào, cũng đều bình phục”. Nhà sư Chau Kol cho biết từ nhỏ ông đã theo thầy Chau Sum trị rắn cắn. Nhìn một người bị rắn cắn, ông nhận biết ngay đó là loại rắn gì. Từ đó, ông đưa ra phương pháp và chọn bài thuốc để trị bệnh cho hợp lý.

Nhà sư tâm sự: “Vùng đất này rộng lớn, chủ yếu rừng núi nên bà con dễ bị rắn cắn. Đã có hai trường hợp nhà quá xa, khi đưa đến đây thì nọc độc đã thấm sâu nên không thể cứu được nữa, khiến tôi rất ray rứt. Do đó, tôi đã chọn một số người có tâm để truyền lại nghề, để những bài thuốc trị rắn sẽ không thất truyền”.

Theo Q.Dũng - Đ.Khánh - M.Quỳnh / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.