Những di sản của cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Văn Khoa
Văn Khoa
31/12/2024 06:00 GMT+7

Ông Jimmy Carter có một nhiệm kỳ tổng thống đầy khó khăn, nhưng được nhớ đến nhiều hơn nhờ những hoạt động của ông với tư cách là chính khách thế giới sau khi rời Nhà Trắng.

Trung tâm Carter thông báo cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã qua đời tại nhà riêng ở TP.Plains thuộc bang Georgia vào ngày 29.12 (giờ Mỹ), hưởng thọ 100 tuổi, theo AFP. Ông Carter trước đó đã được chăm sóc ở nhà an dưỡng tại Plains từ giữa tháng 2.2023.

Sau khi ông Carter qua đời, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngày 9.1.2025 là ngày quốc tang dành cho ông Carter.

Cựu Tổng thống Carter qua đời ở tuổi 100, nước Mỹ mất đi 'một lãnh đạo phi thường'

Từ nông dân đến tổng thống

Ông Jimmy Carter chào đời ở TP.Plains vào năm 1924 và sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, theo BBC. Khi người cha qua đời vào năm 1953, ông Carter đã từ bỏ sự nghiệp 7 năm trong hải quân với tư cách là thủy thủ tàu ngầm để điều hành trang trại của gia đình, rồi dần làm ăn khấm khá.

Ông tham gia chính trị vào thập niên 1960, được bầu làm thượng nghị sĩ bang Georgia và trở thành Thống đốc bang Georgia vào năm 1970. Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1976, rồi chính thức nhậm chức tổng thống thứ 39 của Mỹ vào ngày 20.1.1977.

Những di sản của cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter- Ảnh 1.

Ngày 7.4.1980, Tổng thống Jimmy Carter công bố lệnh cấm vận mới đối với Iran để trả đũa việc bắt giữ con tin người Mỹ

ẢNH: REUTERS

Sau khi nhậm chức tổng thống, nhiều vấn đề nhanh chóng ập đến với ông Carter. Trong nước, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã gây ra lạm phát và thất nghiệp cao, ông Carter khi đó đã phải cố gắng thuyết phục người Mỹ chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Đỉnh cao thành tựu của ông Carter khi làm Tổng thống Mỹ là việc ký kết Hiệp định Trại David vào năm 1978, trong đó Ai Cập chính thức công nhận nhà nước Israel. Ông Carter cũng đã ký một thỏa thuận trả lại kênh đào Panama cho Panama.

Nhưng rồi, ông đối mặt không ít bất lợi trong các vấn đề quốc tế. Đầu tiên là vua Iran bị lật đổ vào tháng 2.1979 và 66 người Mỹ bị bắt làm con tin ở Tehran vào tháng 11.1979. Tháng sau, Liên Xô đưa quân sang Afghanistan. Theo đó, Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa hè năm 1980 ở Moscow, ông Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao và ban hành lệnh cấm vận Iran.

Tuy nhiên, dân chúng Mỹ đánh giá Tổng thống Carter khi đó thiếu cứng rắn nên tỷ lệ ủng hộ dành cho ông sụt giảm. Khi nỗ lực giải cứu con tin thất bại và 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng, ông Carter dường như trở nên yếu thế hơn, theo BBC.

Những di sản của cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter- Ảnh 2.

Ông Jimmy Carter và Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại một sự kiện ở Havana (Cuba) ngày 14.5.2002

ẢNH: REUTERS

Thay đổi di sản

Việc ông Carter tái tranh cử thất bại khiến ông trở thành tổng thống dân cử đương nhiệm đầu tiên bị thất cử kể từ năm 1932. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm kể từ đó, với tư cách là một chính khách thế giới, cựu Tổng thống Carter đã có nhiều hoạt động giúp thay đổi di sản thời còn tại nhiệm.

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Carter đã trở thành một nhà ngoại giao và trung gian hòa giải trên thế giới dưới sự bảo trợ của Trung tâm Carter. Trung tâm này được ông thành lập năm 1982, có trụ sở tại thủ phủ Atlanta của bang Georgia.

Ông đã làm việc phía sau hậu trường để giữ cho tiến trình hòa bình Trung Đông đi đúng hướng, và thuyết phục Chủ tịch CHDCND Triều Tiên khi đó là ông Kim Nhật Thành mở các cuộc thảo luận với Hàn Quốc. Ông Carter cũng đã dẫn đầu một phái đoàn thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Haiti từ bỏ quyền lực vào năm 1994 và làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn ở Bosnia.

Ông tiếp tục đạt danh tiếng quốc tế nhờ hoạt động thúc đẩy nhân quyền và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì những nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên toàn cầu. Từ năm 2007, ông Carter trở thành thành viên của The Elders, một nhóm cam kết hoạt động vì hòa bình và nhân quyền do cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thành lập.

Lãnh đạo nhiều nước như Anh, Đức, Pháp, Úc, Canada, Ukraine, Cuba, Panama và Ai Cập… hôm qua đã chia buồn về sự ra đi của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và có những lời khen ngợi đối với ông, theo AFP.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này bày tỏ "lời chia buồn sâu sắc" về sự ra đi của ông Carter. "Cựu Tổng thống Carter là người thúc đẩy và ra quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.