Đến nay, nhiều người vẫn còn truyền tụng về ông về tài năng, đức độ và lòng yêu thương con người.
Vị lương y giỏi và đức độ
Nhắc đến địa danh ngã ba ông Tạ, nhiều người sống lâu đời trên đường Phạm Văn Hai (P.5, Q.Tân Bình) vẫn còn nhớ rất rõ.
Theo bà Tô Thị Mai (78 tuổi, ngụ 20 Lưu Văn Trú, P.5) ông Tạ trước đây có mở một hiệu thuốc tên Đông Y Thủ Tạ nằm góc đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng Tám bây giờ.
tin liên quan
Những địa danh người Sài Gòn đều biết - Kì 1: Ngã tư Bảy Hiền truyền thuyếtNgã tư Bảy Hiền, giao lộ nổi tiếng của TP.HCM. Hằng ngày, khi đi qua đây nhiều người vẫn hay nhắc với tên Bảy Hiền. Tuy nhiên, ông là ai? Đối với một số người vẫn là một điều bí ẩn.
|
Ông là người thầy thuốc giỏi và nổi tiếng. Đa phần người bệnh tìm đến cơ sở của ông khám bệnh và lấy thuốc về uống đều khỏi. Tiếng lành đồn xa, nên hàng ngày có nhiều người khắp các tỉnh Nam Kỳ và đồng bằng Sông Cửu Long tìm về chữa bệnh, thành thử cửa hiệu ông không ngớt người ra vào hằng ngày.
Ngoài chữa bệnh, ông còn là nhà hảo tâm thường xuyên giúp đỡ người nghèo. Trước cửa hàng bán thuốc ông luôn để một thùng nhôm đựng tiền lẻ. Một số người khi tìm về đây chữa bệnh nghèo khó ông đều không lấy phí, thậm chí còn bốc tiền lẻ giúp đỡ tiền ăn uống và tiền xe đò về quê.
Thời chiến tranh, nhiều phụ nữ có con nhưng không có điều kiện nuôi đều đem đến hiệu thuốc để lại và thầy nhận nuôi, cho ăn học lớn khôn nên người.
Khi thầy thuốc Thủ Tạ qua đời, đám tang ông có rất đông người tập trung về viếng. Quan tài được kéo bằng cỗ xe ngựa 6 con, chạy từ nhà lên ngã tư Bảy Hiền vòng theo đường Cộng Hòa xuống vòng xoay Lăng Cha Cả và về chôn tại nhà. Sau khi mất, hiệu thuốc được truyền lại cho con cháu tiếp tục phát triển, đến nay vẫn còn.
Theo bà Mai, trong những năm chế độ cũ, cả làng chỉ một nhà thầy Thủ Tạ có giếng nước, mọi người ngày ngày ghé giếng gánh nước về dùng, ổng cũng vui vẻ và hay hỏi thăm mọi người về làm ăn và sức khỏe.
Ngã ba Ông Tạ trước đây là giao lộ giữa đường Lê Văn Duyệt – Thoại Ngọc Hầu (nay là Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Văn Hai), khi ông mất, nhiều người qua đây đều nhớ và tiếc thương ông Thủ Tạ, từ đó ngã ba này cũng gọi với tên thân thuộc là ngã ba Ông Tạ.
|
Cánh tay nâng đỡ người bệnh
Theo Lương y Nguyễn Văn Huệ, cháu nội Ông Tạ, trong thời kỳ người Pháp đô hộ ngã ba này được dựng lên một cái tháp cao để người dân từ các khu vực Củ Chi, Hóc Môn vào Sài Gòn buộc phải qua đây để lính kiểm soát, gọi là ngã ba Tháp.
“Ông nội tôi tên là Trần Văn Bỉ (1918 - 1983) quê Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Sau khi tu và học nghề thuốc ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ông về Sài Gòn và nhận thấy ngay ngã ba này có một vị trí thuận lợi do có chùa và xung quanh đều là đất trống, nên chọn nơi đây làm điểm khám chữa bệnh. Với kiến thức học được trên núi ông đã dùng những cây thuốc nam chữa bệnh và chuyên chữa cho trẻ con và phụ nữ”, Lương y Huệ cho biết.
|
Vì vậy sau khi ông mất đi thì tên ngã ba Tháp cũng được người dân đọc thành ngã ba Ông Tạ.
Vào những năm 1954, người dân miền Bắc di cư vào khu vực buôn bán và hình thành ngôi chợ tại khu vực này cũng đặt tên thành chợ Ông Tạ, từ đó gắn với địa danh người Sài Gòn xưa cho đến nay.
Sau 1975, trong quá trình đô thị hóa, khu chợ này cũng được dời về gần cuối đường Phạm Văn Hai và lấy theo tên đường. Trên đất khu chợ cũ cũng được xây nên một ngôi trường khang trang phục vụ dạy học.
|
Trong khi đó, theo tài liệu “Dọc theo tiếng còi tàu” của Nhà thơ Đỗ Trung Quân, thì ngã ba Ông Tạ trong những năm chế độ cũ là khu chợ buôn bán sầm uất, khu vực có một nhà thờ Đức Mẹ với tiếng chuông hai buổi ngân vang. Đến năm 1968, khu vực xuất hiện thêm nhiều lĩnh Mỹ, những quán bar cũng mọc lên, con đường Lê Văn Duyệt – Thoại Ngọc Hầu trải dài với hàng cây bông gòn nở hoa trắng xóa.
Đến những năm 1960 – 1970, khu vực nổi tiếng về buôn bán thịt chó, xung quanh tuyến đường vẫn còn những mảnh đất hoang, ruộng rau muống cùng khu dân cư xóm đạo của người dân miền Bắc di cư vào. Những cô gái xóm đạo lúc đó nổi tiếng xinh đẹp, hiền lành và ai cũng có một chuỗi tràng hạt đeo trên cổ, chăm đi nhà thờ và cười nói kín đáo.
Bình luận (0)