Những điểm nhấn giúp Man City đăng quang Ngoại hạng Anh

22/05/2023 07:00 GMT+7

Manchester City đã chính thức đoạt chức vô địch giải Ngoại hạng Anh, lần thứ 5 trong 6 mùa bóng gần nhất. Lạ thay: đường đến ngôi cao mùa này khác hẳn với những gì người ta từng biết về quan điểm bóng đá của HLV Pep Guardiola.

Nói về HLV Pep Guardiola là phải nói về lối chơi tiki-taka vô cùng đặc trưng, mà dù đã có những thay đổi lớn theo thời gian thì đấy trước sau vẫn là thứ bóng đá thiên hẳn về tấn công, dựa trên những đường chuyền nhuyễn để đưa dần quả bóng về phía khung thành đối phương. Chưa bao giờ ông Guardiola lại đặc biệt xem trọng chiến thuật phòng thủ như trong mùa này. Cũng chưa bao giờ ông "thừa nhận" vũ khí chuyền dài như trong mùa này. Đấy chính là những chỗ mấu chốt giúp Man City đoạt lại ngôi đầu bảng sau một thời gian dài bị Arsenal bỏ xa, rồi chính thức trở thành nhà vô địch Anh mùa bóng 2022 - 2023, sau vòng đấu cuối tuần qua.

Những điểm nhấn giúp Man.City đăng quang Ngoại hạng Anh - Ảnh 1.

HLV Pep Guardiola (giữa) và Haaland - hai nhân vật góp phần làm nên chiến thắng của Man City

AFP

Lấy phòng thủ làm trọng

Trong trận gặp Brighton mùa trước, Man City chỉ để đối phương có… 0,16 cơ hội ghi bàn. Một bình luận viên hỏi HLV Pep Guardiola, liệu ông có hài lòng về số liệu ấy. Ông Guardiola trả lời: "Tôi hài lòng, nhưng tôi muốn tốt hơn nữa. Tôi muốn đối phương không hề có cơ hội nào. Không sút được bóng. Không có gì hết. Nhưng tất nhiên, chúng tôi chỉ có thể hướng đến điều ấy, chứ không làm được như thế". Mùa này, quả thật HLV Guardiola đã luôn hướng đến vấn đề phòng thủ, xem đấy là trọng tâm trong việc xây dựng lối chơi cho một Man Xanh thật sự mới mẻ.

Man City vẫn ghi bàn nhiều nhất giải, nhưng đấy chủ yếu là nhờ "hiện tượng Erling Haaland". Mấu chốt là ở chỗ họ chỉ thủng lưới 31 bàn, và chỉ số "bàn thua được chờ đợi" (xGA) của Man City còn ít hơn nữa: chỉ có 28 bàn. Đây mới là khác biệt lớn nhất giữa Man City và các đội mạnh còn lại. Sau 35 trận đấu, Man City chỉ phải đối diện với 250 cú sút - ít hơn đến 86 cú sút so với đội tiếp theo trong thống kê này là Arsenal.

Hậu vệ cánh Cancelo chuyển sang Bayern Munich vào giữa mùa bóng, và đấy chính là cột mốc quyết định. Một mặt, ông Guardiola muốn có một hàng thủ hòa đồng, gắn bó và ông chấp nhận bỏ ngôi sao Cancelo (người luôn tỏ ra bất mãn khi không được thi đấu). Mặt khác, dù Cancelo là một trong hai hậu vệ biên thực thụ, ông Guardiola vẫn dễ dàng để anh ra đi. Giải pháp đã được ông nghiền ngẫm từ lâu: bỏ luôn các vị trí hậu vệ biên trong sơ đồ chiến thuật của Man City. Ông chuyển sơ đồ từ 4-3-3 sang 3-2-4-1, và đây chính là sơ đồ chủ đạo của Man Xanh trong nửa cuối của mùa bóng. Trong tay ông Guardiola bây giờ chỉ còn các trung vệ (ông thường dùng Nathan Ake, Ruben Dias, John Stones, Manuel Akanji).

Tấn công trực tiếp hơn trước

Phòng thủ bằng các trung vệ thuần túy thì Man City phải hy sinh việc tham gia tấn công của hậu vệ biên, nhưng bù lại, hàng thủ chắc hơn. Hệ quả là sự thay đổi trong cách chơi tổng thể: các trung vệ phối hợp với tiền vệ trụ (thường là Rodri) thành khối phòng ngự, trong khi Kevin de Bruyne cùng các cầu thủ phía trên hình thành thế công. Man City tấn công trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả hơn trong công thức mới mẻ này.

Như đã nêu, Haaland là một hiện tượng, tỏa sáng ngay từ mùa bóng đầu tiên xuất hiện trên sân cỏ Anh. Haaland xô ngã nhiều kỷ lục ghi bàn và trở thành ngôi sao số 1 của mùa bóng (vừa đoạt giải của Hiệp hội Phóng viên bóng đá Anh - FWA). Đặc điểm rất rõ của "quái vật" Haaland: anh không cần chạm bóng quá nhiều để ghi bàn. Vấn đề là Man City phải làm sao để đưa được quả bóng về phía Haaland càng nhiều, và càng nhanh, thì càng tốt. Chính Man City (hoặc HLV Pep Guardiola) phải thay đổi để có lối chơi thích hợp với sự hiện diện của Haaland nơi vị trí trung phong, hơn là Haaland phải hòa nhập vào cách chơi của Man Xanh. Tất nhiên, chuyển sang chuyền dài là sự thay đổi hợp lý, dễ dàng nhất. Và khi Man City quen dần với cách chơi mới mẻ này, Haaland đã bùng nổ ngay trong giai đoạn quyết định.

Thắng 11 trận liên tiếp, Man City chính thức lên ngôi vô địch từ trước khi gặp Chelsea ở vòng 36. Thời điểm chính xác là lúc Arsenal thua Nottingham Forest 0-1, một ngày trước khi Man City ra sân. Sự chuyển đổi cách tấn công và quan điểm lấy phòng ngự làm trọng không chỉ giúp Man Xanh lật đổ Arsenal - đội từng ngự trị ở vị trí số 1 suốt 248 ngày ở giải Ngoại hạng Anh. Thầy trò ông Guardiola giờ đây còn đang đứng trước các trận chung kết Cúp FA và Champions League. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.